3 ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch của Bộ Công an ưu việt đến đâu?

0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo C06 Bộ Công an cho biết sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội cấp giấy đi đường điện tử
Lãnh đạo C06 Bộ Công an cho biết sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội cấp giấy đi đường điện tử
TP - Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an cho biết, Trung tâm nghiên cứu dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc C06 đã phát triển 3 phân hệ ứng dụng phần mềm chạy trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho hoạt động phòng chống COVID-19.

3 ứng dụng phòng chống dịch

Thượng tá Tô Anh Dũng cho biết, theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Trung tâm nghiên cứu dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc C06 đã phát triển 3 phân hệ ứng dụng phần mềm chạy trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho hoạt động phòng chống COVID-19, gồm: phần mềm quản lý công dân vùng dịch; phần mềm quản lý công dân diện chính sách hỗ trợ COVID-19 và phần mềm quản lý công dân nghi nhiễm COVID-19.

Đến nay, các phần mềm này đã được triển khai tại nhiều địa phương với mức độ khác nhau. Trong đó, phần mềm quản lý công dân vùng dịch đang được sử dụng nhiều nhất và được coi là công cụ kiểm soát có hiệu quả về biến động dân cư vùng dịch với nhiều ưu điểm.

Cụ thể, thông tin được kiểm duyệt chính xác qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thực hiện truy vết đầy đủ chính xác công dân, đặc biệt là cả phương tiện; xác định nhanh chóng và thông báo thông tin cho F1, F2 khi phát hiện F0 giúp phòng chống dịch hiệu quả, tiết kiệm; phòng chống tội phạm; tiết kiệm chi phí trong phòng chống dịch…

“Đối với phần mềm quản lý công dân vùng dịch, đến nay đã có gần 17.000 tài khoản được sử dụng và 5.263.863/5.310.217 tờ khai qua chốt (đạt tỷ lệ 99.1%); hơn 26.500 shipper (hoạt động tại TPHCM)” - ông Dũng thông tin.

Vẫn theo lãnh đạo Cục C06, phần mềm không chỉ triển khai tại các chốt kiểm soát dịch, mà tới đây sẽ triển khai ở tại các siêu thị, cửa hàng thuốc, trung tâm thương mại,... mà không cần phải lập chốt do công an kiểm soát. Chính vì thế, từ ứng dụng ban đầu phát triển trên web tại địa chỉ: ttps://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn, C06 đã phát triển thành ứng dụng VN-eID chạy trên các nền tảng di động kết hợp đọc mã QR code qua camera tại các chốt để giảm tải việc tiếp xúc và tăng hiệu quả kiểm soát.

Theo Thượng tá Tô Anh Dũng, đối với phần mềm quản lý công dân diện chính sách hỗ trợ COVID-19 đến nay, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng công an triển khai, kết quả đã có 63/63 tỉnh, thành phố sử dụng phần mềm này. Trên toàn quốc, lực lượng công an xã, phường, thị trấn đã phối hợp với UBND cùng cấp thực hiện cập nhật thông tin hơn 547.000 trường hợp thuộc diện chính sách COVID-19 tại nơi cư trú, đã phát tiền trợ cấp cho hơn 486.000 trường hợp tại nơi cư trú.

Đối với chức năng phần mềm quản lý công dân nghi nhiễm SARS-CoV-2, đến nay công an địa phương thực hiện cập nhật thông tin hơn 6.300 trường hợp F0, hơn 5.000 trường hợp F1, gần 7.000 trường hợp F2, hơn 1.100 trường hợp F3. Với phần ứng dụng này, cảnh sát khu vực, công an xã thường xuyên cập nhật, theo dõi tình trạng của người nhiễm/nghi nhiễm SARS-CoV-2; công dân thuộc diện F0, F1, F2 trên địa bàn quản lý phục vụ kiểm soát tình trạng người dân khi tham gia giao thông và quản lý di biến động dân cư, đặc biệt đối với người có nguy cơ mắc COVID-19…

Vì sao chưa liên thông phần mềm trên toàn quốc?

Đáng chú ý, ông Dũng cũng cho hay, sau khi UBND TP Hà Nội liên tục thay đổi mẫu giấy đi đường và nhận phản ứng trái chiều từ dư luận thì lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã họp với Bộ Công an. Qua đó, Bộ Công an sẵn sàng hỗ trợ về kỹ thuật, nhân lực, chỉ cần Hà Nội đưa danh sách những người được phép ra đường, C06 sẽ tích hợp trên hệ thống dựa vào nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Mặc dù từ đầu tháng 8, Bộ Công an, Bộ Y tế và Bộ TT-TT đã thống nhất người dân sẽ sử dụng chung 1 mẫu Tờ khai y tế để thuận tiện trong quá trình khai báo, di chuyển, đồng thời liên thông phần mềm Ncovi, Bluzone…Chủ trương này nhằm chấm dứt tình trạng “loạn” phần mềm, ứng dụng khai báo y tế, gây nhiều phiền hà cho người dân cũng như khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước, song đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Thông tin về vấn đề nêu trên, lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc (C06) cho biết, hiện tại các phần mềm chưa thực sự liên thông do nguyên nhân kỹ thuật.

Trong khi đó, một lãnh đạo Cục Tin học hóa Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, đến nay, Bộ này đã xây dựng thống nhất QR code cho các ứng dụng Ncovi, Bluzone, VHD (ứng dụng khai báo y tế cho người nhập cảnh) và đang chờ Bộ Công an thống nhất. ‘‘Chúng tôi nghĩ là không lâu nữa đâu, trong 1-2 ngày tới người dân có thể sử dụng 1 mã QR code cho tất cả các ứng dụng’’, vị này cho hay.

MỚI - NÓNG