Tại khu vực sảnh Bệnh viện Chợ Rẫy, lác đác một vài bệnh nhân đeo khẩu trang y tế trong thời gian chờ đợi gọi tên làm thủ tục.
Trao đổi với PV, chị Nguyễn Thị Mai (36 tuổi, ngụ An Giang) đang chờ đợi đóng tiền làm thủ tục khám bệnh cho mẹ, cho biết qua báo đài, chị có biết về căn bệnh cúm A/H1N1 nhưng không quan tâm lắm vì không có thời gian. “Đã có tới 3 người chết vì bệnh cúm A rồi à? Thời gian gần đây tôi khá bận vì mẹ bệnh nên cũng không quan tâm đọc báo”, chị Mai trả lời khi được hỏi về thông tin 3 bệnh nhân tử vong vì cúm A/H1N1.
Mặc dù cách đó không xa trên màn hình LCD thông báo của bệnh viện vẫn đang trình chiếu thông tin cảnh báo về bệnh cúm A/H1N1, thế nhưng nhiều bệnh nhân tại khu vực sảnh vẫn không hề quan tâm đến thông tin về dịch bệnh.
“Thực chất thì xem tivi vẫn nghe thoáng về cúm A, bản thân tôi nghĩ chắc nó cũng bình thường như mấy bệnh khác nên cũng không quan tâm mấy. Cũng không biết bệnh này nguy hiểm ra sao, nay nghe nói mới biết là có 3 người tử vong vì bệnh”, chị Đinh Thị Hằng (ngụ Bình Thuận, đang chờ khám bệnh tim) cho biết.
Tương tự, khi được hỏi về bệnh cúm A/H1N1 và cách phòng bệnh, anh Mai Văn Toản (quê Bến Tre) cho biết mặc dù biết về cúm A/H1N1 vì tại khu vực miền Tây cũng có nhiều ca mắc bệnh, nhưng anh cho biết vì nghe thông tin cúm chỉ nguy hiểm đối với những người mắc bệnh suy thận, tiểu đường...nên anh cũng không quan tâm lắm về công tác dự phòng. “Vì tôi và người nhà không ai mắc bệnh thận hay tiểu đường, sức đề kháng cũng khá khỏe nên tôi nghĩ mình sẽ khó mắc bệnh”, người đàn ông này cho biết.
Theo ThS Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội BV Chợ Rẫy cho biết phía BV đã chủ động chiếu thông tin về bệnh cúm A/H1N1, cách phòng bệnh trên 12 màn hình LCD thông báo của BV. “Chúng tôi đưa những thông tin trên để trình chiếu cho bệnh nhân xem từ ngày 26/6 ở khu vực sảnh bệnh viện, các khoa phòng...nhằm tuyên truyền cho bệnh nhân cũng như thân nhân hiểu rõ hơn những thông tin về căn bệnh, dấu hiệu nhận biết cũng như cách phòng tránh căn bệnh này”, ThS Hiển thông tin.
Bên cạnh số ít bệnh nhân vẫn còn thờ ơ với bệnh cúm A/H1N1 thì nhiều người cũng đã có ý thức phòng bệnh. Tại khoa Nội thận Bệnh viện Chợ Rẫy, anh Nguyễn Ngọc Sơn (ngụ TPHCM) cho biết theo thông tin anh tìm hiểu trên mạng, mặc dù bệnh cúm A/H1N1 sẽ tự hết sau một tuần nhưng sẽ trở nặng đối với những người có bệnh như suy thận...nên gia đình anh cũng cẩn trọng hơn trong việc chăm sóc người cha bị bệnh thận của mình.
Từ khi thông tin về căn bệnh cúm A/H1N1 được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các điểm tiêm chủng như ở viện Pasteur, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, Trung tâm tiêm chủng vắc xin VNVC, số người đến tiêm chủng ngừa cúm A/H1N1 có dấu hiệu gia tăng. Riêng tại trung tâm tiêm chủng vắc xin VNVC, trong tháng 6/2018, số lượng người dân đến chích ngừa vắc-xin cúm tăng lên khá cao, trung bình mỗi ngày có 100-200 bệnh nhân.
Theo các chuyên gia, người mắc cúm A/H1N1 thông thường sẽ khỏi bệnh trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên đối với phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người già trên 65 tuổi, những người mắc các bệnh mãn tính như suy thận, đái tháo đường...dễ có những biến chứng nguy hiểm.
Trao đổi với báo chí, BS Trương Hữu Khanh (Khoa Nhiễm thần kinh BV Nhi đồng 1) cho biết, cúm A/H1N1 hiện nay không phải cúm A từ gia cầm, vật nuôi và chỉ khi nào cúm A từ gia cầm, vật nuôi thì khả năng tử vong mới cao. “Cúm A/H1N1 là bệnh dễ lây nhưng tử vong thường chỉ xảy ra ở cơ địa đặc biệt, vì miễn dịch của những người này kém, phổi kém, sức đề kháng yếu, một khi có thêm vi-rút cúm A tấn công sẽ khiến cho vi khuẩn bị bội nhiễm làm cho bệnh nặng thêm và có thể tử vong. Đặc biệt, thông qua các kết quả phân tích, xét nghiệm thì chủng cúm đang lưu hành hiện nay là A/H1N1 2009, nghĩa là vi-rút cũ xuất hiện từ năm 2009 và đã được sản xuất vắc-xin phòng bệnh.”, BS Khanh cho biết.