25 năm hợp tác thanh niên Việt Nam - Nhật Bản

Đoàn đại biểu Việt Nam tham gia chương trình Giao lưu thanh niên, sinh viên Nhật Bản - Đông Á (JENESYS) nhóm Kinh tế năm 2016. (Ảnh tư liệu)
Đoàn đại biểu Việt Nam tham gia chương trình Giao lưu thanh niên, sinh viên Nhật Bản - Đông Á (JENESYS) nhóm Kinh tế năm 2016. (Ảnh tư liệu)
TPO - Trong 25 năm hợp tác thanh niên, Việt Nam - Nhật Bản đã có nhiều chương trình giao lưu thanh niên để tuổi trẻ hai nước có cơ hội học tập kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm; hiểu thêm về đất nước, con người và tình hữu nghị hợp tác giữa hai nước.

Ngày 23/12, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam, T.Ư Đoàn phối hợp với Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập CLB Cựu thành viên các chương trình hữu nghị thanh niên Việt Nam (VACYF) và 25 năm hợp tác thanh niên Việt Nam - Nhật Bản.

 Trong chặng đường 25 năm, Việt Nam - Nhật Bản đã có nhiều chương trình giao lưu thanh niên để tuổi trẻ hai nước có cơ hội học tập kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm; hiểu thêm về đất nước, con người và tình hữu nghị hợp tác giữa hai nước.

Từ hữu nghị thanh niên đến đồng sáng tạo tri thức

 Năm 1995 T.Ư Đoàn, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam (gọi tắt Ủy ban Thanh niên - nv) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký thỏa thuận hợp tác về việc cử đoàn đại biểu thanh niên tham gia Chương trình Hữu nghị Thanh niên cho Thế kỷ 21 với số lượng bình quân khoảng 100 người/năm.

25 năm hợp tác thanh niên Việt Nam - Nhật Bản ảnh 1 Đồng chí Hoàng Bình Quân - Bí thư T.Ư Đoàn, Trưởng đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam tham dự chương trình Hữu nghị Thanh niên cho Thế kỷ 21 năm 1996 tại Nhật Bản (Ảnh tư liệu).

 Từ năm 2007 - 2014, chương trình đổi tên thành "Chương trình Đào tạo lãnh đạo trẻ" với sự thay đổi về nội dung và hình thức thực hiện. Các lĩnh vực đào tạo mở rộng hơn, gồm: Giáo dục và đào tạo nghề, môi trường, nông nghiệp, phát triển nhân lực, phát triển thanh niên, sức khỏe sinh sản và chăm sóc trẻ em, quản lý hành chính, quản trị địa phương.

 Năm 2015, chương trình tiếp tục đổi tên thành "Đồng sáng tạo tri thức dành cho lãnh đạo trẻ của JICA" - JICA Knowledge Co-Creation Program (Young Leaders). Tuy nội dung, thời gian khóa đào tạo không thay đổi, nhưng việc thay đổi tên chương trình thể hiện tinh thần hợp tác bình đẳng giữa Nhật Bản với các nước đang phát triển, tôn trọng và xây dựng quan hệ hợp tác dựa trên tinh thần tương hỗ, cùng học hỏi, cùng phát triển. Đến nay, có 2.187 đại biểu thanh niên Việt Nam đã được mời tham gia Chương trình.

 Trong năm 2021, JICA dự kiến tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến và trực tiếp tại Nhật Bản nếu dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát.

Trải nghiệm văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ

Trong khuôn khổ hợp tác song phương, nhiều chương trình trao đổi, trải nghiệm văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ dành cho thiếu nhi, học sinh, sinh viên Việt Nam - Nhật Bản.

Hàng năm, Hội Đồng đội Trung ương cử đoàn đại biểu thiếu nhi Việt Nam tham dự Trại hè Châu Á – Thái Bình Dương tại Fukuoka, Nhật Bản; đồng thời năm 2014 và 2016 tổ chức đón đoàn đại biểu từ thành phố Fukuoka sang thăm và giao lưu tại Việt Nam. Đây là hoạt động gồm tham quan, giao lưu, trải nghiệm văn hóa thông qua chương trình ở nhà dân…

T.Ư Đoàn, Ủy ban Thanh niên phối hợp với JICA, JICE đón các đoàn học sinh, sinh viên Nhật Bản vào thăm và giao lưu tại Việt Nam. Đây là hoạt động nhằm giới thiệu với học sinh, sinh viên Nhật Bản về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết và hợp tác giữa thanh niên, sinh viên hai nước.

25 năm hợp tác thanh niên Việt Nam - Nhật Bản ảnh 2 Đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam tham gia chương trình SAKURA về Khoa học công nghệ năm 2019 tại Nhật Bản. (Ảnh tư liệu)

Chương trình SAKURA về Khoa học Công nghệ là một chương trình giao lưu dành cho học sinh, sinh viên yêu thích và mong muốn tìm hiểu về khoa học công nghệ. Chương trình diễn ra trong 10 ngày tại Nhật Bản, dành cho học sinh, sinh viên, sinh viên cao học và mở rộng tới 35 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đối với Việt Nam, đối tượng của chương trình là học sinh trung học phổ thông có yêu thích và mong muốn tìm hiểu về khoa học công nghệ.

Năm 2016, Ủy ban Thanh niên và T.Ư Đoàn đã cử đoàn 17 đại biểu Việt Nam đầu tiên tham dự Chương trình SAKURA về Khoa học Công nghệ tại Nhật Bản; năm 2019 là lần thứ 2 Việt Nam cử đại biểu tham gia chương trình. Trong thời gian tham gia Chương trình, các đại biểu đã được tham quan, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm tại nhiều mô hình phát triển khoa học công nghệ của Nhật Bản.

Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN + Nhật Bản

Hàng năm chính phủ Nhật Bản tài trợ và tổ chức Chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á (SSEAYP) cho khoảng 300 đại biểu các nước thành viên ASEAN và 40 đại biểu Nhật Bản đi thăm các nước ASEAN và Nhật Bản. Việt Nam tham gia Chương trình năm 1995 với tư cách quan sát viên; từ năm 1996 đến nay với tư cách thành viên đầy đủ. Các hoạt động sau chương trình bao gồm Đại hội Cựu thành viên Chương trình (SIGA) được tổ chức hàng năm luân phiên tại các nước ASEAN và một số hoạt động hội nghị, diễn đàn dành cho cựu thành viên tại Nhật Bản.

Hoạt động cựu thành viên của các chương trình giao lưu hữu nghị với Nhật Bản ở cấp khu vực do Hội Hữu nghị ASEAN - Nhật Bản cho thế kỷ 21 (AJAFA-21) điều phối, gồm hai hoạt động chính: Hội nghị Hội đồng điều hành AJAFA-21 và Trại Thanh niên/ Diễn đàn Thanh niên diễn ra thường niên, tổ chức luân phiên tại các nước ASEAN.

25 năm hợp tác thanh niên Việt Nam - Nhật Bản ảnh 3 Đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Trưởng đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam tham gia chương trình Giao lưu Thanh niên, Sinh viên Nhật Bản - Đông Á (JENESYS) năm 2011 tại Nhật Bản. (Ảnh tư liệu)

 Từ năm 2007 - 2012, mỗi năm Nhật Bản mời 330 đại biểu thanh niên, học sinh Việt Nam tham quan và giao lưu học hỏi trong khoảng 11 ngày trong khuôn khổ chương trình Giao lưu thanh niên Nhật Bản - Đông Á (JENESYS). Qua đó, vừa thúc đẩy tình hữu nghị, hợp tác và hiểu biết giữa thanh niên hai nước, vừa đẩy mạnh công tác và các kỹ năng về quốc tế thanh niên cho thanh thiếu niên Việt Nam.

 Năm 2012, Nhật Bản tiếp tục triển khai Chương trình Giao lưu thanh niên Nhật Bản - ASEAN (JENESYS 2.0) với mục đích tăng cường sự tham gia của thanh niên trong Cộng đồng kinh tế ASEAN. Trong những năm gần đây phía Nhật Bản tiếp tục mời Ủy ban Thanh niên, T.Ư Đoàn cử các đoàn đại biểu tham gia Chương trình JENESYS tại Nhật Bản.

25 năm hợp tác thanh niên Việt Nam - Nhật Bản ảnh 4 Trại Thanh niên khu vực (RLF) lần thứ 23 năm 2017 tại Việt Nam
25 năm hợp tác thanh niên Việt Nam - Nhật Bản ảnh 5 Đoàn học sinh, sinh viên Nhật Bản giao lưu tại trường Tiểu học Nguyễn Siêu trong khuôn khổ Chương trình Giáo dục Toàn cầu (GET) 2018. (Ảnh tư liệu)

20 năm kết nối cựu thành viên

Năm 2000, Ủy ban Thanh niên thành lập CLB Cựu thành viên Chương trình Hữu nghị Thanh niên Việt Nam (VACYF) và giao Trung tâm Phát triển Hợp tác Quốc tế Thanh niên (CYDECO) – T.Ư Đoàn làm đầu mối triển khai các hoạt động hợp tác chính thức giữa các cựu thành viên Việt Nam với cựu thành viên các nước ASEAN – Nhật Bản.

Thành viên của CLB là cựu đại biểu thanh niên Việt Nam đã tham dự các chương trình giao lưu hữu nghị với Nhật Bản và các nước ASEAN có nhu cầu tự nguyện tham gia các hoạt động của Câu lạc bộ.

CLB đã kết nối các cựu thành viên chung tay thực hiện kế hoạch hành động, chương trình tình nguyện đóng góp vì cộng đồng, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau thông qua các buổi gặp gỡ, hội thảo, tập huấn. Đồng thời, CLB là kênh kết nối thường xuyên với các Hội cựu thành viên các nước ASEAN và Nhật Bản để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng chương trình hợp tác tiếp nối thông qua hai hoạt động thường niên là Hội nghị Hội đồng điều hành (ECM) và Trại Lãnh đạo Thanh niên (RLF) và các buổi họp trực tuyến thường kỳ.

MỚI - NÓNG
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
TPO - Hàng nghìn khối vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải nhựa, đá tảng, bê tông thải loại từ khu vực đập La Ỷ (cạnh sông Hương đoạn qua phường Phú Thượng, TP. Huế) đổ vào sân bóng, khu dân cư, trường học, gây nguy cơ biến đổi hiện trạng sử dụng đất, làm ô nhiễm môi trường...