Kể từ khi bệnh nhân COVID-19 đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc từ cuối năm 2019, dịch bệnh đã càn quét toàn thế giới, khiến hơn 111 triệu người mắc và 2.46 triệu người đã thiệt mạng, con số vẫn đang không ngừng tăng lên.
Một nghiên cứu của khoa học Hector Pifarre Arolas từ Đại học Pompeu Fabra Tây Ban Nha thực hiện cho thấy, trung bình mỗi người qua đời vì COVID-19 trên thế giới bị mất đi 16 năm tuổi thọ. Các chuyên gia đã dùng khái niệm "Số năm sống bị mất" (YLL) ám chỉ chênh lệch giữa tuổi thực tế khi tử vong với tuổi thọ ước tính trung bình.
Họ còn cho biết thêm rằng, tại các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVID-19, chỉ số YLL cao gấp từ 2-9 lần so với YLL trung bình của những dịch cúm mùa hằng năm.
Công trình của nhà khoa học Tây Ban Nha dựa trên dữ liệu từ gần 1.28 triệu ca tử vong từ 81 quốc gia. Ước tính rằng tổng cộng hơn 20.5 triệu năm tuổi thọ của người dân ở những quốc gia trong nghiên cứu đã mất do COVID-19.
Kevin McConway, giáo sư tại đại học Open (Anh) chỉ ra rằng nghiên cứu trên rất có giá trị, đặc biệt là vì nó đánh giá tác động của đại dịch trên toàn cầu, chứ không chỉ tại những quốc gia có thu nhập cao.
"Tuy nhiên, kết quả không cho thấy được bức tranh toàn cảnh vì sự hạn chế trong việc tiếp cận dữ liệu", ông McConway cho hay.
Tiến sĩ Simon Clarke, phó giáo sư về vi sinh vật học tế bào tại Đại học Reading (Anh), cho biết: "Nghiên cứu này cho thấy thiệt hại đáng kinh ngạc về con người trong đại dịch. Mỗi cái chết đều là một bi kịch của mỗi gia đình, nhưng nghiên cứu này cho thấy tổng thiệt hại về nhân mạng của đại dịch. Những dữ liệu này cung cấp nhiều thông tin chi tiết hơn là chỉ xem xét độ tuổi tử vong trung bình của COVID-19 để cân nhắc mức độ ảnh hưởng tới nền kinh tế của các lệnh hạn chế ngăn dịch lây lan".