2024 - Xây dựng lại niềm tin và hy vọng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong thông điệp năm mới 2024, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết để biến 2024 thành năm của “xây dựng lại niềm tin và hy vọng” sau khi thế giới trải qua năm 2023 đau thương, bạo lực và bất ổn.
2024 - Xây dựng lại niềm tin và hy vọng ảnh 1

Nhân loại mạnh mẽ nhất khi sát cánh cùng nhau. Ảnh: India Today.

Thế giới bị tổn thương

Trước thời khắc thế giới chuyển sang năm 2024, người đứng đầu tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh thừa nhận, 2023 là một năm đầy đau khổ, bạo lực và hỗn loạn về khí hậu. “Nhân loại đang đau khổ và hành tinh của chúng ta đang gặp nguy hiểm”, Tổng thư ký Guterres nói, đồng thời nhấn mạnh các vấn đề toàn cầu cấp bách đang khiến những thách thức của thế giới trở nên nghiêm trọng hơn.

Xung đột Nga - Ukraine bước vào năm thứ ba mà chưa có dấu hiệu kết thúc; giao tranh Israel - Hamas vẫn tiếp diễn. Bom rơi đạn lạc cướp đi sinh mạng của dân thường vô tội mỗi ngày, nhiều người trong số đó là phụ nữ và trẻ em. Từ châu Âu đến Trung Đông, hàng triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa, đối mặt với nạn đói và bệnh tật.

Tình trạng bất ổn cũng lan rộng đến lục địa đen. Chỉ trong tháng 7/2023, châu Phi chứng kiến hai cuộc đảo chính quân sự tại Niger và Gabon. Tính từ năm 2020, khu vực cận Sahara châu Phi đã chứng kiến tới 7 cuộc đảo chính, gây ra bất ổn chính trị nghiêm trọng, làm sâu sắc thêm vấn đề đói nghèo, tình trạng bất bình đẳng xã hội.

Đối với vấn đề khí hậu, Tổng thư ký Guterres cảnh báo “kỷ nguyên nóng lên toàn cầu đã kết thúc” và “kỷ nguyên sôi sục toàn cầu đã đến”. Trận động đất mạnh 7,8 độ làm rung chuyển miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và tây bắc Syria hồi tháng 2/2023, khiến hơn 67.000 người thiệt mạng, 50.000 công trình, gồm nhà cửa, cầu cống, đường sá bị phá hủy. Cơn địa chấn này được xem là một trong những thảm họa động đất kinh hoàng nhất thế giới trong nhiều thập niên.

Daniel, một cơn bão Địa Trung Hải xuất phát từ khu vực Nam Âu đổ bộ Libya vào tháng 9/2023, gây mưa lớn, lũ quét, kéo theo một trận đại hồng thủy san bằng thành phố Derna ở miền Bắc Libya. Thảm họa thiên tai khiến hơn 11.000 người thiệt mạng, hơn 20.000 người mất tích.

Từ Á sang Âu, từ nước giàu tới nước nghèo, thảm họa tự nhiên không chừa bất cứ mảnh đất nào. Tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP 28) cuối năm 2023, các bên tham gia nghiêm túc đánh giá tác động do biến đổi khí hậu dẫn tới thiên tai. Trong đó, các quốc gia đang phát triển phải gánh chịu những hậu quả vô cùng nặng nề.

2024 - Xây dựng lại niềm tin và hy vọng ảnh 2

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi, năm 2024 là năm dành riêng cho việc xây dựng lại niềm tin và phục hồi hy vọng. Ảnh: AP

Vận mệnh thế giới trong lá phiếu của 4,2 tỷ người

Bước sang năm 2024, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi lãnh đạo các nước giữ thái độ kiềm chế trước cám dỗ của hành vi đổ lỗi và sử dụng bạo lực. “Chỉ tay và chĩa súng vào người khác chẳng dẫn đến đâu”, Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh.

Năm 2024, thế giới sẽ dõi theo các cuộc bầu cử được tổ chức tại hơn 70 quốc gia. Với tổng số cử tri lên tới 4,2 tỷ người, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử có hơn một nửa dân số thế giới đi bỏ phiếu bầu lãnh đạo mới. Các cuộc bầu cử đáng chú ý nhất diễn ra ở Liên minh châu Âu, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản… dự báo sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến cục diện địa - chính trị thế giới những năm tới đây.

2024 - Xây dựng lại niềm tin và hy vọng ảnh 3

Một người biểu tình giơ tấm biển có dòng chữ "Hòa bình ngay bây giờ" trong cuộc biểu tình kêu gọi chấm dứt xung đột Israel - Hamas, diễn ra ở thủ đô Washington (Mỹ), ngày 18/10/2023. Ảnh: Getty

Thế giới có thể trở nên mong manh hơn do những toan tính và tác động đan xen của cạnh tranh nước lớn, bất ổn địa - chính trị và sự trì trệ kinh tế, nhưng 4,2 tỷ cử tri trên khắp hành tinh đều tin rằng, lá phiếu của họ sẽ là những lá phiếu của hòa bình, hợp tác và phát triển; là tiếng nói chống lại tình trạng phân biệt đối xử và hận thù; là lời nhắc nhở các quốc gia về tình trạng biến đổi khí hậu, tạo ra cơ hội kinh tế; là lời kêu gọi các tổ chức xuyên biên giới thiết lập hệ thống tài chính toàn cầu công bằng hơn.

“Nhân loại mạnh mẽ nhất khi chúng ta sát cánh cùng nhau. Chúng ta phải cùng nhau vượt qua những chia rẽ để tìm ra giải pháp chung, bao gồm thực hiện hành động quyết liệt đối với tình trạng biến đổi khí hậu, tạo ra các cơ hội kinh tế và thiết lập một hệ thống tài chính toàn cầu công bằng hơn, mang lại lợi ích cho tất cả mọi người”.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres

2024 - Xây dựng lại niềm tin và hy vọng ảnh 4

Các phi hành gia Nga và Mỹ lên tàu vũ trụ Soyuz MS-24 tại sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan ngày 15/9/2023. Ảnh: Reuters

Xây dựng lại niềm tin

Năm 2024 được kỳ vọng là năm của quá trình toàn cầu hóa sâu rộng; là sự thay đổi tương quan giữa các nước lớn; là sự chuyển dịch thế giới từ đơn cực sang trật tự đa cực - đa trung tâm.

Sự mở rộng của khối BRICS vào tháng 1/2024 đánh dấu khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong việc định hình các trung tâm địa - chính trị có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Khối này, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, kết nạp thêm các thành viên mới là Ảrập Xêút, Iran, Ethiopia, Ai Cập và UAE - những cường quốc Trung Đông và châu Phi. Chiếm 36% GDP toàn cầu và 48,7% sản lượng lúa mì thế giới, BRICS đặt mục tiêu trở thành liên minh nước lớn có khả năng tái cơ cấu hệ thống tài chính toàn cầu và đối trọng với phương Tây.

Xung đột tại Dải Gaza và bất ổn định tại Yemen, Libya, Syria và Li-băng cuốn Trung Đông vào vòng xoáy bạo lực. Tuy nhiên, với việc hàng loạt quốc gia nỗ lực tìm giải pháp hòa bình dựa trên tình đoàn kết thế giới Hồi giáo đã nhen nhóm những tia hy vọng, và hoạt động ngoại giao con thoi này còn tiếp tục trong năm 2024.

Một hoạt động đơn lẻ diễn ra đầu năm 2024 nhưng thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế: Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ tiếp tục hợp tác để đưa phi hành gia lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) ít nhất đến 2025. Các phi hành gia hai nước hiện làm việc tại ISS và cùng nhau trong hành trình trở về Trái đất hay lên ISS. Không gian, vũ trụ là một trong những lĩnh vực hiếm hoi mà Mỹ và Nga duy trì hợp tác trong bối cảnh quan hệ song phương ở thời điểm rất xấu.

Ở châu Âu, Ukraine được dự báo sẽ ngày càng khó khăn trong cuộc xung đột với Nga do nền kinh tế và tiềm lực quân sự phụ thuộc rất nhiều vào đồng minh. Mỹ và Liên minh châu Âu, hai nguồn viện trợ chính cho Ukraine, mất dần hy vọng vào cuộc phản công của Kiev. Việc Nga và Ukraine trở lại bàn đàm phán để tìm giải pháp hòa bình đã bắt đầu được các bên tính đến.

Thiên nhiên vẫn thất thường khó đoán; tiếng súng vẫn chưa yên ở nhiều nơi, thậm chí có nguy cơ bùng thêm các vùng chiến sự mới, trong khi kinh tế thế giới vẫn đứng trước bao nỗi lo của lạm phát, suy thoái khi bước vào năm 2024, nhưng “nhân loại sẽ mạnh mẽ nhất khi chúng ta sát cánh bên nhau” như lời người đứng đầu Liên Hợp Quốc.

MỚI - NÓNG