20 năm trong vai 'Ngự sử'

20 năm trong vai 'Ngự sử'
TP - Năm 1980, Trưởng Ban Quân sự T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Liên đang điều trị vết thương tái phát tại bệnh viện thì có hai người quen đến thăm.

> Cuộc gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt
> Chuyện ông Chủ tịch Cựu Thanh niên xung phong

Ông Trần Kiên- Bí thư T.Ư Đảng - là thủ trưởng cũ của ông trong 10 năm công tác ở chiến trường Tây Nguyên và Khu V. Ông Phạm Chánh là Ủy viên UB Kiểm tra T.Ư người cùng quê Quảng Ngãi với ông. Cuộc gặp dẫn đến bước ngoặt mới đưa ông vào đội ngũ cán bộ kiểm tra của Đảng.

Những dấu mốc, những kỷ niệm thử thách qua 20 năm công tác ở Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng thì có nhiều. Nhưng với ông chuyện vượt qua sức ép là thử thách gay go nhất.

Ông Nguyễn Anh Liên mừng thọ dì ruột Trần Thị Tới, Mẹ Việt Nam anh hùng, tròn 100 tuổi
Ông Nguyễn Anh Liên mừng thọ dì ruột Trần Thị Tới, Mẹ Việt Nam anh hùng, tròn 100 tuổi .

Nữ đại sứ suýt bị triệu hồi

Thời gian cuối nhiệm kỳ Đại hội Đảng V, có một vụ việc xảy ra với đồng chí PTP, nữ Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước ta tại Cộng hòa Madagascar đồng thời là Đại sứ kiêm nhiệm Cộng hòa quốc đảo Seychelles.

Trong chuyến công tác sang Seychelles dự lễ nhậm chức của Tổng thống Seychelles, bà đã báo cáo với chi bộ cơ quan Đại sứ quán là nữ Tùy viên KM có biểu hiện tìm cách vượt biên sang nước phương Tây. Sau một thời gian kiểm tra và bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, chi bộ nhất trí nhận định tùy viên KM đã móc nối được với đường dây vượt biên để trốn khỏi nước sở tại.

Nhận được báo cáo của đại sứ PTP, Bộ Ngoại giao cử hai cán bộ nghiệp vụ sang Madagascar thẩm định các nguồn tin và nếu đúng thì lập kế hoạch để triệu hồi KM về Việt Nam.

Tuy kế hoạch bí mật nhưng nữ tùy viên KM không hiểu sao biết được nên có những biểu hiện đối phó rất tinh vi. Biểu hiện rõ nhất là trên đường về đến sân bay Aden của Nam Yemen, KM vụt chạy, nhưng bị giữ lại ngay.

Khi KM về nước, mọi tình tiết câu chuyện lại xoay sang hướng khác theo tường trình của nữ tùy viên KM. Theo KM, trong chuyến công tác, nữ Đại sứ PTP đã khai khống các khoản chi phí để biển lận 500 USD và do sợ bị tố giác nên đã vu cáo KM tìm cách chạy trốn.

Để giúp ngành ngoại giao xem xét xử lý trường hợp phức tạp này, UB Kiểm tra T.Ư lập tổ công tác gồm cán bộ lãnh đạo vụ I (có ông Nguyễn Anh Liên) và sử dụng một số cán bộ an ninh đối ngoại phối hợp xem xét.

Khi tiến hành công việc, một số thành viên trong Tổ công tác bị chi phối bởi sức ép tâm lý nặng nề. Bởi tùy viên KM vốn là cháu một cán bộ cao cấp lão thành và quen biết khá nhiều với lãnh đạo cấp cao. Do đó một số cán bộ tham gia kiểm tra nghiêng về hướng là không đủ căn cứ để kết luận tùy viên có hành động trốn chạy!

Qua coi xét, ông Liên thấy sự vụ không thể dừng lại ở kết luận đơn giản và thiếu chuẩn xác như thế... Qua kiểm tra ở chi bộ Sứ quán, hầu hết đảng viên trong chi bộ phát biểu lần này ngược lại hết với lời ghi trong biên bản và trong băng ghi âm phát biểu lần đầu! Bởi thời điểm đó nữ đại sứ PTP được Bộ Ngoại giao gọi về nước để báo cáo tình hình nhưng không biết ở đâu dậy lên cái tin là đại sứ PTP bị triệu hồi vì tội tham ô và vu cáo chính trị!?

Vậy nên càng có thêm cơ sở và căn cứ để khẳng định tùy viên KM không có hành động vượt biên như đại sứ PTP báo cáo! Chìa khóa của vấn đề là vì sao tất cả các ý kiến đảng viên trong cuộc họp chi bộ sứ quán lần sau hoàn toàn trái ngược với cuộc họp chi bộ lần trước?

Một phương thức giải quyết mới được đưa ra.

Cấp trên chỉ đạo là nữ đại sứ PTP cứ trở lại Madagascar tiếp tục làm nhiệm vụ và bà phải có mặt tại cuộc họp chi bộ sứ quán lần thứ 3. Đồng thời, thông báo cho tất cả đảng viên cán bộ nhân viên sứ quán biết rõ sự thật là cấp trên chưa hề kết luận việc tùy viên KM có hành vi vượt biên trốn chạy và nữa, cũng chưa hề có kết luận đại sứ PTP tham ô và vu cáo chính trị.

Những sức ép vô hình cùng nút thắt của vụ việc dần dà được giải tỏa. Người ta biết thêm thái độ công tâm khách quan của đồng chí cán bộ lão thành nọ khi làm việc với Tổ kiểm tra.

Trong cuộc họp chi bộ lần 3, tất cả đảng viên trong chi bộ đều phát biểu trung thực những điều mắt thấy tai nghe và công khai cung cấp những tư liệu chứng cứ đích thực. Cuối cùng chi bộ nhất trí khẳng định toàn bộ ý kiến phát biểu trong cuộc họp thứ nhất là trung thực khách quan. Còn phát biểu ở hội nghị chi bộ lần thứ 2 là do đảng viên bị một sức ép vô hình chi phối nên không chính xác!

Cuối cùng qua nhiều thẩm tra sàng lọc, tổ kiểm tra của UB Kiểm tra T.Ư có đầy đủ chứng lý để khẳng định việc đại sứ PTP báo cáo tình hình về tùy viên KM về Bộ Ngoại giao là chính xác và đúng trách nhiệm. Riêng việc tham ô 500 USD là không có.

Cần nói thêm rằng, đưa ra quan điểm và phương thức giải quyết đó, ông Liên đã phải gánh chịu rất nhiều sự dị nghị đồn thổi. Người ta nói do ông Liên từng 3 cùng với nữ đại sứ PTP (cùng quê, từng cùng khu nhà tập thể, cùng là cán bộ Đoàn - Thường vụ T.Ư Đoàn) nên ra sức bảo vệ nữ đại sứ PTP!

Tướng Lê Thế Tiệm suýt mất chức như thế nào?

Một trở ngại nữa đối với cán bộ làm công tác kiểm tra đảng, theo ông Liên, là phải chiến thắng căn bệnh kiêu ngạo kiểm tra!

Ông dẫn ra vụ ma túy Vũ Xuân Trường.

Sau khi cơ quan điều tra phát hiện và bắt được bọn tội phạm đang vận chuyển một số lượng lớn heroin từ Lào sang Lai Châu và về Hà Nội, Vũ Xuân Trường và Vũ Hữu Chỉnh, hai công an trong đội đặc nhiệm móc nối với bọn tội phạm nên biết được trong xe ô tô tang vật đang để tại Tổng cục Cảnh sát còn 16 kg heroin chưa bị phát hiện.

Trường và Chỉnh đã lập mưu làm phương án giả trình lên lãnh đạo Tổng cục cho xe đưa tang vật ra ngoài nói là để câu nhử bắt thêm đối tượng! Nhưng chúng đã đưa xe đến một địa điểm bí mật tháo lấy 16 kg ma túy. Sự việc bại lộ.

Trong quá trình mở rộng điều tra vụ án, Trường và Chính khai việc đưa tang vật ra ngoài khu vực niêm phong đã được Thiếu tướng Lê Thế Tiệm cho phép! Trường và Chỉnh còn lợi dụng mối quan hệ thân tình trước đây với một số cán bộ công an hòng làm giảm nhẹ tội nên khai báo rất nhiều vấn đề phức tạp gây nhiễu loạn thông tin điều tra.

Vũ Xuân Trường tập trung khai thiếu tướng Lê Thế Tiệm là người biết rõ quá trình công tác và thành tích xuất sắc nhiều năm của Trường nên đã đưa Trường từ Lai Châu về bổ sung cho đội đặc nhiệm của Bộ.

Nhớ lại chuyện cũ, ông Liên thở dài, vốn nặng tư tưởng thành tích nên một số cán bộ kiểm tra khi vào cuộc đã xoáy sâu vào các tình tiết có liên quan thiếu tướng Lê Thế Tiệm rồi suy diễn, quy kết có tính chất võ đoán.

Khi áp lực dư luận càng nặng thì biểu hiện căn bệnh kiêu ngạo kiểm tra càng tăng. Và thái độ phương pháp của một số cán bộ kiểm tra điều tra càng cực đoan trịch thượng. Vậy nên nhiều cán bộ trong Đoàn kiểm tra đã thống nhất ý kiến báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật cách chức Ủy viên T.Ư Đảng, cách chức Thứ trưởng Bộ Công an và hạ hàm cấp tướng xuống cấp tá đối với thiếu tướng Lê Thế Tiệm!

Trong đoàn kiểm tra, ý kiến của Nguyễn Anh Liên thuộc về thiểu số. Nhưng ông vẫn kiên quyết giữ quan điểm bảo lưu và trực tiếp báo cáo trình bày quan điểm lên Ban Bí thư. Ông thẳng thắn rằng, trong quá trình điều tra, một số cán bộ đã không tuân thủ nguyên tắc cơ bản của công tác kiểm tra, nên đã quy kết võ đoán không có cơ sở đối với tướng Lê Thế Tiệm.

Trước đó, để có cơ sở chứng cớ xác thực, ông Liên đã tìm nhiều kênh gặp gỡ nhiều cán bộ chiến sĩ công an và tiếp cận một số đối tượng của vụ án. Tiếp cận với Trường và Chỉnh, ông động viên họ khai báo chính xác hành vi phạm tội của bản thân cũng như của người liên quan...

Trường và Chỉnh tỏ ra ân hận và khai báo lại… Sau khi xem xét toàn bộ tình hình vụ án, Ban Bí thư nhất trí không chấp nhận cách kết luận của Đoàn kiểm tra và đưa ra BCH T.Ư xem xét bỏ phiếu. Kết quả là thi hành kỷ luật và cảnh cáo Thiếu tướng Lê Thế Tiệm về trách nhiệm lãnh đạo quản lý để cán bộ cấp dưới vi phạm pháp luật.

Kết luận đó đúng như đề nghị của ông Liên.

Như đã biết, sau một thời gian bị kỷ luật cảnh cáo, Thiếu tướng Lê Thế Tiệm vẫn được Đại hội IX và X bầu vào BCH T.Ư, được thăng hàm trung tướng rồi thượng tướng.

4/2013

Hội nghị thực hiện QĐ 104 của Thủ tướng về một số chính sách đối với TNXP kháng chiến tổ chức hồi tháng 3/2010. Hôm ấy ông dự Hội nghị với thể trạng sức khỏe rất kém. Hai tai lại ù đặc. Thế nhưng khi đến đoạn phát biểu trong báo cáo rằng “trong hai cuộc kháng chiến cứu nước có hơn 20 vạn thanh niên gia nhập lực lượng TNXP và qua 10 năm thực hiện giải quyết chính sách đối với Cựu TNXP theo QĐ 104 của Chính phủ đến nay chúng ta đã cơ bản hoàn thành”. Tiếc thay kết luận đó lại từ 2 bộ ngành có trách nhiệm!

Khi diễn giả kết thúc bài phát biểu, ông xin phép được nói: “Tôi xin hỏi các cơ quan có trách nhiệm, căn cứ vào đâu để kết luận rằng cả 2 cuộc kháng chiến chỉ có 20 vạn TNXP trong khi T.Ư Hội Cựu TNXP thống kê từ nhiều năm trước tuy con số chưa đầy đủ nhưng con số là trên 35 vạn người! Hơn nữa qua cuộc khảo sát mới nhất có đại diện Bộ LĐTB&XH và T.Ư Đoàn tham gia thì con số này là trên 37 vạn
Cựu TNXP”.

Cả hội trường lặng phắc rồi ồn ào. Chủ trì hội nghị khi đó là Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã đứng lên đề nghị khẩn trương cho kiểm tra lại tình hình và trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi hoặc ban hành quyết định mới thay thế QĐ 104 để giải quyết dứt điểm tình trạng tồn đọng chính sách đối với Cựu TNXP kháng chiến.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch Quảng Nam trả lời việc doanh nghiệp xin cấp phép thăm dò vàng
Chủ tịch Quảng Nam trả lời việc doanh nghiệp xin cấp phép thăm dò vàng
TPO - Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khu vực doanh nghiệp đề xuất khoan thăm dò không thuộc khu vực cấm, khu vực thuộc đất quốc phòng an ninh, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Vấn đề ô nhiễm môi trường hay không do Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu đánh giá, việc xem xét cấp phép hay không do Trung ương quyết định.