Quấn quýt giữa bầy mèo. |
Đó là chị Tạ Thị Thảo Trang. Hơn 40 tuổi, nhưng chị đã có hơn 20 năm nuôi những con mèo lang thang cơ nhỡ trong căn nhà tuềnh toàng thuộc xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TPHCM.
Chị Trang quê ở Đà Lạt. Suốt tuổi thơ, chị sống với bà ngoại. Ông ngoại theo kháng chiến, giải phóng miền Nam, bà ngoại nhận tin chồng hy sinh. Bà sống vậy với Trang và hai con mèo. Một hôm, con mèo đực đột nhiên biến mất, hai bà cháu đổ xô đi tìm, mãi mới thấy xác con mèo đực nằm dưới khe nước hẹp. Hai tháng sau khi con mèo đực chết, con cái cũng chết theo. Lần thứ hai, bà khóc nhiều như vậy kể từ khi nghe tin chồng mất.
Theo gia đình dọn xuống Sài Gòn, đầu tiên Trang được nuôi một con mèo bệnh. Người chủ tưởng nó sắp chết nên vứt đi, Trang nhận nuôi và chạy chữa cho nó theo kinh nghiệm mà ngoại truyền cho. Sự chăm sóc của cô khiến con mèo khỏi bệnh và khỏe mạnh.
Từ đó cô cảm thấy mình có trách nhiệm với loài mèo. Mỗi buổi học về, Trang lại hay lang thang ra những bãi rác, tìm những con mèo người ta bỏ để đem về nuôi. Nghe tiếng mèo kêu thê thảm, cô không ngần ngại bới những thứ bẩn thỉu để tìm cho ra con mèo.
Suốt những năm học phổ thông, không bao giờ nhà cô có dưới 10 con mèo. Mẹ Trang phát bực: “Đem mèo về nhiều, lấy chỗ nào mà ở?”. Nhưng, mẹ Trang chính là người chăm sóc mèo và tìm bạn bè, người quen để cho mèo.
Trang học Đại học Mỹ thuật và theo học thêm khoa tiếng Pháp của trường Đại học Sư phạm. Dù phải theo học 2 trường, Trang vẫn dành thời gian cho những chú mèo hoang. Căn nhà nhỏ ở Phú Nhuận lúc nào cũng tràn ngập tiếng mèo.
Tốt nghiệp, Trang xin được việc làm tại một công ty nước ngoài và may mắn tại công ty đó, Trang gặp một bà cũng rất yêu thương mèo. Bà quý Trang, mỗi khi thấy Trang tìm được mèo, bà đều cho phép Trang nghỉ để đưa mèo về nhà chăm sóc.
Đó là thời gian Trang hạnh phúc nhất với đàn mèo hoang khi thu nhập ổn định, thời gian tương đối nhiều nên lũ mèo được chăm sóc, chữa trị khá kỹ lưỡng. Không biết bao nhiêu chú mèo bất hạnh đã được Trang nhận chăm sóc, chữa trị cho đến khi khỏe mạnh rồi được giao cho những gia đình khác nuôi dưỡng.
Nhưng dần dần chuyện cứu trợ mèo bắt đầu gặp khó khăn. Cơ quan nước ngoài kia giải thể, Trang phải xin việc nơi khác với mức thu nhập thấp hơn nhiều. Vài người hàng xóm lại kêu ca lũ mèo gây ảnh hưởng cho họ.
Trang cũng nhận ra, trong số người nhận nuôi mèo, có nhiều người không hề yêu mèo. Có người đòi hỏi phải là mèo kiểng, mèo ngoại mới nhận nuôi. Có người nuôi theo ý thích nhất thời, khi chán họ lại bỏ mặc. Đáng buồn nhất là có người lại chỉ đòi Trang đưa cho họ mèo béo, mèo đen để giết thịt và kinh doanh. Chị không dám cho nữa. Số mèo do Trang nuôi ngày một tăng.
Đến gần 200 con. Trang không nhận nuôi thêm. Nhưng vì biết tiếng Trang, nhiều người vẫn đem mèo đến vứt vào cổng. Không còn cách nào khác, chị đành mua một căn nhà nhỏ ở Củ Chi và đưa lũ mèo lên đó. Thế nhưng số mèo vẫn tăng lên gần 250 con.
Chị Trang trăn trở: “Tìm ai có tấm lòng với mèo để giao chúng bây giờ?”. |
Để có tiền nuôi mèo, ngoài đồng lương còm cõi từ công ty, Trang phải làm thêm nhiều việc như vẽ tranh, thêu gia công, dạy thêm… Một ngày làm việc của chị bắt đầu từ 6 giờ sáng khi chạy chiếc xe máy cà tàng ra bến xe buýt, đi hơn 20 cây số vào chỗ làm ở trung tâm thành phố.
Trong gần 250 con mèo, chị Trang tự đặt tên và nhớ rất chính xác tên và tính nết của từng con. |
Hết giờ hành chính lại chạy qua lớp dạy thêm hay đi nhận hàng thêu gia công. Xong công việc cuối cùng, về đến nhà đã là 9 giờ đêm, lại lo nấu thức ăn cho đàn mèo, dọn dẹp vệ sinh chuồng, nhiều hôm gặp vài con mèo bị bệnh thì 3, 4 giờ sáng mới được nghỉ.
Cứ một mình với núi công việc như thế nên người chị gầy gò, tiều tụy. Đàn mèo phải sống chen chúc trong căn phòng hoang toàng, bệ rạc. “Tôi cũng mệt mỏi lắm rồi, nhiều lúc muốn gục ngã và nằm luôn”. Căn nhà nhỏ toềnh toàng của Trang thiếu thốn mọi thứ. Chỉ một cái bếp ga, vài cái nồi… Trang mua sắm vài thứ đủ để chăm sóc nấu ăn cho mèo.
Chuyện trò với chúng tôi, Trang chỉ nói về những con mèo. Đây là cụ Dền trưởng lão đã ở hơn 10 năm, kia là thằng Thanh Bạch luôn điệu đàng, con Nixa láu cá, anh em nhà Tý Tèo hay làm nũng… Mỗi khi gặp Trang, cả trăm con ùa tới trèo lên đầu lên cổ hay dụi mình vào chân.
“Giờ đây tôi đành chọn giải pháp cho chúng ở với tôi, thôi thì có gì ăn đó. Sống cực khổ nơi đây nhưng chúng còn được chút tình thương, chứ sống kiếp lang thang mãi thì khổ lắm”, Trang ứa nước mắt.