Ứng dụng phát minh của GS. Honjo tại ĐH Y Hà Nội :

20 bệnh nhân ung thư được điều trị bằng tế bào miễn dịch

GS Văn (phải) cùng PGS Thịnh tại ĐH Y Hà Nội. Ảnh: như ý
GS Văn (phải) cùng PGS Thịnh tại ĐH Y Hà Nội. Ảnh: như ý
TP - GS Tạ Thành Văn cho biết đã cùng cộng sự tại ĐH Y Hà Nội ứng dụng liệu pháp tế bào miễn dịch trị liệu tự thân từ đầu năm 2017, theo cơ chế tương tự với phát minh của GS. Honjo là tăng cường vai trò của hệ thống miễn dịch song với hướng tiếp cận khác.

Phương pháp của GS Honjo, dùng thuốc để hoạt hóa các tế bào miễn dịch ở ngay trong nội tại cơ thể, của khối u. Còn ở bệnh viện ĐH Y Hà Nội là lấy tế bào miễn dịch của bệnh nhân ra ngoài, nhân lên và hoạt hóa sau đó đưa trở lại cơ thể của bệnh nhân. Bệnh nhân được lấy khoảng 10-30ml máu ngoại vi để phân lập các tế bào miễn dịch, nuôi cấy và hoạt hóa các chức năng chuyên biệt của các tế bào này trong môi trường đặc biệt.

Sau khi đủ số lượng và có được các chức năng mong muốn (chức năng nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư), các tế bào miễn dịch sẽ được truyền trở lại cơ thể người bệnh, làm tăng số lượng và chất lượng tế bào miễn dịch đủ mạnh để tiêu diệt các tế bào ung thư.

Một liệu trình điều trị gồm 3 tháng, 6 lần truyền, mỗi lần cách nhau 2 tuần

Hiện đề tài này đã được Bộ Y tế phê duyệt và đã thử nghiệm lâm sàng được gần 2 năm trên 75 bệnh nhân mắc 5 loại ung thư phổ biến: Phổi, gan, vú, dạ dày và đại trực tràng ở giai đoạn 3b và 4. Sau 1 năm triển khai, có khoảng 20 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này. 

Theo GS Văn, những kết quả thu được ban đầu rất khả quan, giúp các bệnh nhân ung thư cải thiện rất rõ rệt về triệu chứng lâm sàng như: Ăn được, ngủ tốt hơn, bớt đau, thể trạng cải thiện, chất lượng sống được nâng cao, chưa ghi nhận phản ứng phụ.

Một số bệnh nhân đáp ứng rất tốt, có trường hợp ở ranh giới sống - chết nhưng giờ đã khoẻ mạnh bình thường. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục đánh giá về hiệu quả dài lâu của phương pháp này.

“Nhưng phải nhìn nhận, y học của thế kỷ 21 là y học cá thể, nghĩa là phác đồ điều trị phải dựa trên đặc tính sinh học của từng cá thể. Có bệnh nhân đáp ứng rất tốt một phương pháp điều trị nào đó hay một thuốc nào đó. Song, có bệnh nhân đáp ứng vừa phải  thậm và chí có người không đáp ứng”, GS. Văn nói.

Công suất hiện tại của nơi chế biến tế bào của ĐH Y Hà Nội chỉ được 6-8 bệnh nhân/đợt. Một bệnh nhân phải 6 lộ trình trong 3 tháng. Không thể tăng công suất được vì phòng tế bào chỉ có thế. 

Chính vì vậy, nên GS. Văn hy vọng sau khi thực hiện thử nghiệm xong, kết quả sẽ được báo cáo trước hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế và căn cứ vào đó Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ cân nhắc việc cho phép ứng dụng liệu pháp này rộng rãi hay không.

Nếu kết quả điều trị được chấp thuận, GS Văn mong muốn Trường Đại học Y Hà Nội sẽ được đầu tư 1 Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào để những thành tựu khoa học mới nhất trên thế giới sẽ được nghiên cứu ứng dụng để phục vụ bệnh nhân Việt Nam một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. 

MỚI - NÓNG