Ngoài ra, tại 16 tỉnh, thành phố có nguy cơ và 35 tỉnh, thành phố có nguy cơ thấp, sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc triển khai tiêm chủng để tránh "dịch chồng dịch".
Trước đó triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư tạm dừng tiêm chủng thường xuyên tại các trạm y tế xã, phường trong vòng 15 ngày (từ ngày 1-15/4). Trong thời gian này, các điểm tiêm chủng dịch vụ cũng tạm dừng tiêm chủng.
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho biết, 12 tỉnh, thành phố có nguy cơ cao phải tạm hoãn việc tiêm chủng thường xuyên. Viện đề nghị các trạm y tế xã, phường, thị trấn của 12 tỉnh, thành phố này quản lý đối tượng tiêm chủng chặt chẽ để thực hiện tiêm bù các vắc-xin cho trẻ, bảo đảm tiêm chủng đầy đủ ngay sau khi được phép tổ chức lại buổi tiêm chủng thường xuyên.
"Với các địa phương còn lại, chúng tôi đang tính toán để có hướng dẫn cụ thể về việc triển khai tiêm chủng, tránh "dịch chồng dịch". Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), không tiêm chủng đầy đủ sẽ dễ xảy ra nguy cơ mắc bệnh. Do đó, ngày 20/4 tới, Viện sẽ có thông báo chính thức về việc hướng dẫn tiêm chủng cụ thể cho từng địa phương", bà Hồng nói.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, hiện tại, thành phố đã tạm dừng các buổi tiêm chủng mở rộng tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, các điểm tiêm chủng dịch vụ đến ngày 22/4 và có thể xem xét kéo dài đến ngày 30/4 tùy thuộc vào diễn biến tình hình dịch trên địa bàn.
Riêng các cơ sở y tế có phòng sinh đẻ, việc tiêm chủng vắc-xin viêm gan B liều sơ sinh tại cơ sở y tế vẫn được tổ chức bình thường.
Đối với các điểm tiêm chủng có tổ chức tiêm huyết thanh kháng uốn ván, huyết thanh kháng dại, vắc xin phòng dại, cần bố trí nhân lực, điểm tiêm chủng phù hợp theo quy định để tiêm chủng cho các đối tượng nguy cơ cao, chủ động phòng bệnh, bảo đảm sức khỏe nhân dân.