1001 thắc mắc: Vượn cáo đuôi vòng tiết mùi thơm để thu hút bạn tình?

1001 thắc mắc: Vượn cáo đuôi vòng tiết mùi thơm để thu hút bạn tình?
TPO - Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện một loài linh trưởng sử dụng hợp chất pheromone để tạo ra mùi thơm cho mục đích sinh sản.

Vượn cáo đuôi vòng, tên khoa học là Lemur catta, là một loài linh trưởng mũi ướt (Strepsirrhini) lớn và là loài vượn cáo dễ nhận biết nhất với chiếc đuôi vòng trắng và dài. Nó thuộc họ Lemuridae, là loài duy nhất của chi Lemur.

Giống như tất cả các loài vượn cáo khác, nó là loài đặc hữu của đảo Madagascar và được các nhà khoa học đánh giá là một trong những loài linh trưởng thông minh nhất trên đảo.

Mặc dù được liệt kê là nguy cấp trong Sách đỏ của IUCN do bị phá hủy môi trường sống, nhưng vượn cáo đuôi vòng sinh sản dễ dàng trong điều kiện nuôi nhốt và là loài vượn cáo đông đúc nhất trong các vườn thú trên toàn thế giới, với số lượng hơn 2.000 cá thể. Nó thường sống thọ 16 tới 19 năm trong hoang dã và 27 năm trong điều kiện nuôi nhốt.

“Tán tỉnh hóa học”

Con người không phải loài duy nhất thích mùi thơm trong các buổi hẹn hò. Một nghiên cứu mới, do các nhà sinh vật học từ Đại học Tokyo, Nhật Bản tiến hành, cho biết vượn cáo đuôi vòng cái (Lemur catta) cũng bị thu hút bởi mùi hương giống như trái cây do con đực tiết ra.

Vào mùa sinh sản, vượn cáo đực chà xát các tuyến trên cổ tay vào đuôi để tạo ra mùi hương, sau đó vẫy chúng về phía con cái trong một hành vi được gọi là "tán tỉnh hóa học", Giáo sư Kazushige Touhara từ Đại học Tokyo giải thích. 

Bằng các phân tích chi tiết, nhóm nghiên cứu đã xác định được ba hợp chất pheromone - hormone xã hội có vai trò một hệ thống thông tin hóa học - chịu trách nhiệm cho mùi thơm giống như trái cây, bao gồm aldehyd-dodecanal, 12-methyltridecanal và tetradecanal. Đây là lần đầu tiên 12-methyltridecanal được tìm thấy trên một loài linh trưởng. 

Touhara cho biết thêm, con cái chỉ bị thu hút bởi sự kết hợp của cả ba hợp chất cùng lúc. Hơn nữa, chỉ vào mùa sinh sản, chúng mới "để tâm" để mùi trái cây mà con đực tiết ra. Những con đực mới trưởng thành về mặt sinh dục có khả năng tiết nhiều pheromone hơn, nguyên nhân có thể là do vượn cáo bị suy giảm chức năng sản sinh testosterone khi về già.

"Phát hiện này cho thấy ba hợp chất thực sự là pheromone, nhưng vẫn cần thêm các nghiên cứu chi tiết để xác định xem chúng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công của hành vi giao phối ở vượn cáo đuôi vòng hay không", Touhara cho biết trong báo cáo trên tạp chí Current Biology.

1001 thắc mắc: Vượn cáo đuôi vòng tiết mùi thơm để thu hút bạn tình? ảnh 1

Vượn cáo đuôi vòng

Và những sự thật thú vị về loài vượn cáo đuôi vòng

Chế độ đa thế chứ không phải đa phu

Sự thật thú vị là mặc dù con cái lãnh đạo và thống trị bầy nhưng vượn cáo đuôi vòng lại theo chế độ đa thê chứ không phải đa phu. Luôn có một con đực alpha, giao phối với hầu hết con cái trong đàn, gồm cả con cái thống trị.

Tuy nhiên, sự thật thú vị là mặc dù con cái lãnh đạo và thống trị bầy nhưng vượn cáo đuôi vòng lại theo chế độ đa thê chứ không phải đa phu.

Một đàn vượn cáo bao gồm nhiều cá thể của cả hai giới, nhưng luôn có một con đực alpha, giao phối với hầu hết con cái trong đàn, bao gồm cả con cái thống trị.

Trong mùa giao phối, vượn cáo đuôi vòng đối đầu và chiến đấu mạnh mẽ để giành quyền giao phối. Đặc biệt, những trận chiến này bao gồm cả những thành viên đực và cái.

Biết sử dụng đồ vật, có kỹ năng giải quyết vấn đề

Qua quan sát, vượn cáo đuôi vòng có thể sử dụng các đồ vật khác làm công cụ khiến cuộc sống của chúng dễ dàng hơn.

Vượn cáo đuôi vòng cũng được biết đến là loài có kỹ năng giải quyết vấn đề và ứng biến vô cùng tuyệt vời.

Đây cũng là loài có tính xã hội cao, sống trong các nhóm lên đến 30 cá thể. Con thống trị bầy là con cái, một đặc điểm chung của các loài vượn cáo.

Người mẹ chu đáo

Sau khi mang thai và sinh con, con cái tỏ rõ mình là một người mẹ chu đáo, nó che chở, chải chuốt, cho con ăn và háo hức đưa vượn cáo con đi khắp nơi.

Khoảng 5 tháng tuổi, vượn cáo mới cai sữa cho con nhưng vẫn chăm sóc vô cùng tận tụy. Đến tận khi vượn cáo con có thể tự lập mới thôi.

Video về vườn cáo đuôi vòng tập yoga ngoài trời:

Sự suy giảm số lượng đáng báo động của loài  vượn cáo

Vượn cáo (lemur) là một trong những loài có sự đa dạng sinh học cao, với khoảng 15 chi, 111 loài và phân loài tập trung ở khu vực Madagascar. Chi vượn này có "vinh dự" đại diện cho khoảng 20% số lượng các loài linh trưởng sinh sống trên hành tinh. Từ đó giúp vùng đảo Madagascar nhỏ bé trở thành một trong bốn khu vực chính sinh sống chủ yếu của các loài linh trưởng trên thế giới.

Tuy nhiên, theo thống kê mới từ IUCN, 95% vượn cáo hiện đang trên bờ vực tuyệt chủng. Trong đó, 38 loài đang bị đe dọa nghiêm trọng, 44 loài đang nguy cấp và 23 loài rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương. Chỉ có duy nhất hai loài vượn cáo chuột là ít nguy cơ tuyệt chủng nhất mà thôi.

Inrdi - loài vượn cáo lớn nhất, đang có nguy cơ tuyệt chủng gần như 99,9%. Không những thế, các loài vượn cáo quý hiếm nhất khác như vượn cáo Northern sportive lemur cũng bị đe dọa nghiêm trọng. Ước tính, loài này chỉ còn khoảng 50 cá thể sinh sống trong tự nhiên.

Sự suy giảm số lượng vượn cáo một cách chóng mặt chính là một "cú tát" cực mạnh, không chỉ cho sự đa dạng sinh học của hòn đảo, mà còn cả nền kinh tế của Madagascar.

Theo thống kê, các mối đe dọa làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của loài vượn cáo chủ yếu là môi trường sống bị phá hủy, và săn bắt trái phép. Đặc biệt, từ tháng 7/2012 đến nay, các hành vi săn bắt vượn cáo làm thực phẩm hay để buôn bán gia tăng đáng kể.

MỚI - NÓNG
3 người tử vong trên sông Pô Kô, có 2 cán bộ huyện
3 người tử vong trên sông Pô Kô, có 2 cán bộ huyện
TPO - Thấy chị T (công chức Phòng TN&MT huyện Đức Cơ) trượt chân rơi xuống sông Pô Cô, trung tá N.V.V (Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Đức Cơ) và anh L.K.L (trú tại TP.Pleiku, Gia Lai) lao xuống cứu nhưng không được, cả ba người bị dòng nước chảy xiết cuốn tử vong.