1001 thắc mắc: Loài ngựa nhỏ nhất thế giới sống ở đâu?

TPO - Loài ngựa Mirature Horses là loài ngựa nhỏ nhất thế giới khi chỉ cao từ 35 cm đến 47 cm.

Ngựa là con vật khôn ngoan, rất được con người yêu quý. Mặc dù mối quan hệ giữa người và ngựa đã có từ thời cổ xưa nhưng vẫn còn nhiều sự thật thú vị về loài ngựa mà không phải ai cũng biết.

Tùy thuộc vào giống, sự quản lý và môi trường, thức ăn, nước uống, ngày nay ngựa có tuổi thọ khoảng 25 đến 30 năm. Con ngựa sống thọ nhất có thể kiểm chứng là "Old Billy", một con ngựa sống trong thế kỷ 19 với tuổi thọ là 62 năm. Hiện nay, Sugar Puff, con ngựa được liệt kê trong Sách Kỷ lục Guinness như là con ngựa pony già nhất còn sống trên thế giới, đã chết ngày 25 tháng 5 năm 2007 ở độ tuổi 56.

Loài ngựa Mirature Horses là loài ngựa nhỏ nhất thế giới, chỉ cao từ 35 cm đến 47 cm. Loài ngựa này chỉ sống tập trung ở vùng núi Nam Carolina (Mỹ). Tuổi thọ trung bình của một chú ngựa này từ 40 đến 50 năm, trong khi đó, ngựa bình thường có tuổi thọ chỉ từ 20 đến 30 năm.

Ngựa cái mang thai kéo dài khoảng 335-340 ngày. Ngựa thường sinh một. Ngựa con có khả năng đứng và chạy một thời gian ngắn sau sinh. Ngựa bốn tuổi được coi là ngựa trưởng thành, mặc dù chúng tiếp tục phát triển bình thường cho đến khi sáu tuổi, thời gian hoàn thành sự phát triển của ngựa cũng phụ thuộc vào kích cỡ của ngựa, giống, giới tính và chất lượng chăm sóc.

Bộ xương của ngựa cấu tạo từ khoảng 205 chiếc xương. Tốc độ phi nước đại của ngựa vào khoảng 44km/h. Kỷ lục chạy nước rút nhanh nhất của một con ngựa là 88km/h.

Ước tính trên toàn thế giới hiện có gần 70 triệu con ngựa. Mặc dù nhỏ bé hơn nhưng các con ngựa thuộc giống ngựa lùn lại khỏe hơn các con ngựa thông thường.

Trung thành và thông minh hơn ta nghĩ

Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Animal Behavior Magaztreen cho biết nếu bạn tử tế với ngựa, ngựa có thể trở thành người bạn chung thủy nhất và lâu bền nhất. Nghiên cứu này cũng cho thấy ngựa có thể hiểu được tiếng người nhiều hơn ta tưởng. Trí nhớ của chúng khá tốt. Chúng nhớ được mặt người sau thời gian xa cách rất lâu và nhớ lệnh tới 10 năm hay lâu hơn.

Ngủ trong tư thế đứng ba chân

Thói quen ngủ của ngựa khác xa so với động vật khác, kể cả con người. Loài ngựa thường nghỉ ngơi ở tư thế đứng, trọng lượng dồn lên hai chân trước và một chân sau, chân còn lại sẽ thư giãn. Theo Tiến sĩ Joe Bertone - Giáo sư y khoa ngựa tại Đại học Thú y Western (Mỹ) - những con ngựa sẽ chỉ nằm xuống khi chúng cảm thấy an toàn. Tuy nhiên, thời gian này rất ngắn bởi trọng lượng cơ thể quá lớn sẽ gây áp lực lên cơ quan nội tạng của ngựa khi nằm.

Đoán tuổi qua răng

Các nhà khoa học tại Đại học Arkansas (Mỹ) cho biết mặc dù không chính xác 100% nhưng bằng cách kiểm tra răng, ta có thể dự đoán được gần đúng độ tuổi của một con ngựa nếu không biết ngày sinh.

Ngựa con khi sinh ra thường có 4 răng cửa (2 cái hàm trên, 2 cái hàm dưới). Nếu không, sau 8 ngày chúng sẽ mọc ra. 8 tuần sau, ngựa bắt đầu mọc răng hàm và khoảng 8 tháng tuổi, chúng mọc đủ răng sữa. Sau đó, răng sữa rụng dần và đến khoảng 2,5 tuổi, chúng sẽ mọc răng cửa vĩnh viễn. 5 tuổi, ngựa sẽ có đủ răng vĩnh viễn.

Răng sữa thường có màu nhạt, ngắn hơn răng vĩnh viễn. Ở những con ngựa 6 tuổi, răng cửa chúng cũng thường lõm xuống trông như một chén nhỏ và chúng đầy dần theo thời gian.

Đến khoảng 10 tuổi, phần nướu cạnh răng hàm sẽ mọc ra một bộ phận gọi là rãnh Galvayne. Rãnh này đạt một nửa chiều dài của răng khi ngựa đến 15 tuổi. Ngựa đực thường có 40 răng, trong khi đó ngựa cái chỉ có 36 răng.

Nhìn thấy cả ngày lẫn đêm

Ngựa có mắt lớn nhất trong những loài động vật có vú, mắt nằm hai bên mặt nên có nhãn quan rộng (thấy) hơn 350°, mắt tinh thấy rõ ban ngày cũng như ban đêm. Tuy nhiên, mắt ngựa thuộc loại nhị sắc (dichromatic), tức chỉ xác định được khi màu chứa không quá hai quang phổ (spectral lights). Do đó, ngựa không phân biệt được màu đỏ và màu xanh, màu nào chứa quang phổ đỏ thì ngựa thấy nhòa lẫn với màu xanh.

Không phải động vật nhai lại

Ngựa là động vật ăn cỏ không nhai lại do dạ dày của nó không có nhiều ngăn như những gia súc khác. Mặc dù vậy, nó vẫn có khả năng tiêu hóa được xenlulo. Ngựa thường tiết ra khoảng 20-80 lít nước bọt mỗi ngày để hỗ trợ cho việc tiêu hóa. Điều đặc biệt, ngựa không biết nôn mửa nên khi ngộ độc có thể chết dễ dàng.

Và những thú vị về loài ngựa

Các cá thể thuộc giống ngựa lùn chỉ đòi hỏi một nửa lượng thức ăn một con ngựa bình thường tiêu thụ nếu chúng có cùng trọng lượng.

Ở bang Arizona, Mỹ, các cao bồi bị cấm đeo đinh thúc ngựa đi qua sảnh khách sạn.

Một con ngựa dưới 4 năm tuổi có thể đi tiểu tối đa tới 10 - 15 phút.

Quả tim của một con ngựa có trọng lượng tối đa lên tới 4kg.

Bạn có thể biết một con ngựa có đang bị lạnh hay không bằng cách cảm nhận phía sau tai của nó. Nếu vùng phía sau tai ngựa lạnh, nó sẽ đồng nghĩa với việc con vật đang bị lạnh.

Ngựa uống ít nhất 25 gallon nước (tương đương 94,6 lít) nước mỗi ngày, và sẽ uống nhiều hơn trong thời tiết nóng nực hơn.

Khớp đầu gối của một con ngựa tương đương khớp cổ tay của người, trong khi khớp khuỷu chân sau tương đương khớp mắt cá chân ở người.

Ngựa có trí nhớ dài hạn vô cùng tuyệt vời, đặc biệt về những nơi từng khiến chúng sợ hãi.

Cách nhận biết một con ngựa có bị thiếu nước hay không là dùng tay cấu véo vào da của nó. Nếu lớp da mất nhiều thời gian để phục hồi trạng thái ban đầu, điều đó chứng tỏ con ngựa đang rất cần được cho uống nước.

Bụng của một con ngựa bình thường luôn tạo ra những tiếng kêu òng ọc. Nếu thiếu vắng những âm thanh đó, con ngựa đang bị đau bụng.

Bộ não của một con ngựa trưởng thành nặng khoảng 0,6kg, bằng một nửa trọng lượng bộ não của người.

Đua xe ngựa là môn thi đấu Olympic đầu tiên vào năm 680 trước Công nguyên.

Cỏ phấn hương gây ra nhiều cái chết cho loài ngựa hơn bất kỳ loại cây độc nào khác.

Ngựa thích các hương vị ngọt ngào và thường từ chối những gì chua hoặc đắng.

Có rất nhiều từ để gọi

Tùy theo tuổi và giới tính, ngựa được gọi bằng nhiều tên trong tiếng Anh như sau:

Foal: Ngựa con, đực hay cái, dưới 1 tuổi.

Ngựa con còn bú, từ lúc sanh đến khoảng 5 tháng, còn gọi là suckling hay nursing foal, từ 5 đến 7 tháng khi bắt đầu biết ăn thì được gọi là weanling.

Yearling: Ngựa từ 1 đến 2 tuổi, đực hay cái.

Colt: Ngựa đực con dưới 4 tuổi.

Filly: Ngựa cái con dưới 4 tuổi.

Gelding: Ngựa đực bị thiến.

Stallion: Ngựa đực (không bị thiến) trên 4 tuổi.

Mare: Ngựa cái trên 4 tuổi,

Thoroughbred : Ngựa đua.

Video Ngựa vằn và sư tử đánh nhau:

MỚI - NÓNG