1. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang
Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung khởi đầu vào ngày 22/3/2018 khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp dụng mức thuế 50 tỷ USD nhằm vào hàng hóa Trung Quốc, để ngăn chặn những gì Mỹ cho là hành vi thương mại không công bằng và hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ. Các động thái trả đũa qua lại giữa đôi bên kéo dài suốt trong năm 2019 cùng những nỗ lực đàm phán để đi đến một thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, tính đến cuối năm, Mỹ và Trung Quốc vẫn còn đang đàm phán cái gọi là “thỏa thuận thương mại giai đoạn 1” và chưa thống nhất ngày, giờ ký kết. Nhiều chuyên gia kinh tế và ngoại giao nhận định cuộc chiến này sẽ còn kéo dài trong năm 2020 và lâu hơn nữa bởi tồn tại rất nhiều vấn đề cốt lõi và nhạy cảm mà Mỹ và Trung Quốc chưa mang ra bàn thảo cụ thể.
2. Quan hệ Mỹ - Triều thăng hoa rồi tụt dốc
Tại thời điểm này, khi các cuộc đàm phát hạt nhân Mỹ-Triều đi vào bế tắc, Triều Tiên ám chỉ nước này có thể “đi một con đường mới” mà theo nhiều chuyên gia, có thể là việc Bình Nhưỡng từ bỏ đàm phán liên quan đến chương trình hạt nhân và vũ khí. Triều Tiên được cho là có thể song song phát triển công nghiệp vũ khí và phát triển kinh tế độc lập. Rõ ràng đây là viễn cảnh hoàn toàn khác với những gì thế giới hy vọng khi hồi đầu năm 2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã gặp nhau tại Hà Nội, nhen lên hy vọng hòa bình. Mặc dù hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội đã không đạt được nhiều kết quả nhưng cũng là tiền đề để đôi bên lại gặp nhau một lần nữa trên biên giới Hàn-Triều, trao đổi đoàn đàm phán, thư từ… Tuy nhiên, những khác biệt và sự không nhượng bộ trong đàm phán đã khiến quan hệ Mỹ-Triều lên xuống theo hình sin và tụt dốc tại thời điểm cuối năm 2019.
3. Biểu tình tại Hong Kong
4. Brexit sắp tới hồi kết
Sau một loạt bất đồng, đổ vỡ giữa người tiền nhiệm là thủ tướng Theresa May và nghị viện Anh, việc ông Boris Johnson đắc cử thủ tướng Anh đồng thời đảng Bảo thủ của ông giành thắng lợi lịch sử với 362/650 ghế trong hạ viện đã mở ra lối thoát cho bế tắc liên quan việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit). Chiến thắng áp đảo của đảng Bảo thủ dọn đường cho Brexit đúng hạn vào 31/1 tới. Thủ tướng Anh Johnson, lãnh đạo đảng Bảo thủ, đã kiên định với chủ trương “Brexit bằng mọi giá”. Như vậy, gần như chắc chắn nước Anh sẽ rời EU, vấn đề chỉ còn là kỹ thuật và thời gian cũng như tiến trình cụ thể. Tổng thống Mỹ Donald Trump nói sau sự kiện, Mỹ và Anh có thể đạt một thỏa thuận thương mại lớn sau khi Anh rời EU.
5. Ðiều tra luận tội Tổng thống Donald Trump
Ông Trump trở thành tổng thống thứ ba trong lịch sử nước Mỹ bị luận tội trong thời gian đương chức, vì các cáo buộc liên quan đến việc ông bị cho là gây sức ép với chính phủ Ukraine để điều tra đối thủ chính trị của mình. Các nghị sỹ phe Dân chủ cáo buộc ông tội lạm dụng quyền lực và cản trở quốc hội. Mặc dù phiên xử diễn ra ở Thượng viện, nơi đảng Cộng hòa chiếm đa số và gần như chắc chắn ông Trump sẽ được tuyên là không có tội, nhưng uy tín của một tổng thống bị luận tội sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi đó, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong năm 2020 đang tới gần.
6. Boeing 737 MAX gặp nạn
Ngày 16/12, Boeing tuyên bố ngừng sản xuất Boeing 737 Max, mẫu máy bay bán chạy nhất của hãng, vì Cục Hàng không Liên bang Mỹ không chấp thuận để Boeing 737 Max trở lại hoạt động từ năm 2020 như dự kiến. Hơn 700 chiếc 737 Max đang bị đình chỉ trên phạm vi toàn cầu. Hồi tháng 3, các nước trên thế giới quyết định đình chỉ mọi chuyến bay dùng Boeing 737 Max, sau khi 2 chiếc máy bay loại này bị rơi trong vòng 5 tháng, khiến tổng cộng 346 người chết.
7. Suýt xảy ra chiến tranh vùng Vịnh
Ngày 13/6, hai tàu chở dầu treo cờ Nhật Bản và Na Uy bị tấn công ở vịnh Oman, gần eo biển Hormuz. Ngày 20/6, máy bay do thám không người lái RQ-4 của Mỹ bị bắn hạ trên vịnh Oman và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của Iran nhận trách nhiệm. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tấn công trả đũa, nhưng hủy vào phút chót. Tháng 9, giới chức Lầu Năm Góc trình Tổng thống Trump kế hoạch tấn công các cơ sở dầu mỏ của Iran để đáp trả vụ các nhà máy lọc dầu quan trọng của Ảrập Xêút bị tấn công. Vụ không kích hồi tháng 9 làm ảnh hưởng 50% năng lực sản xuất dầu mỏ của Ảrập Xêút (một trong những trung tâm sản xuất dầu mỏ lớn nhất của thế giới), tương đương 5% nguồn cung dầu mỏ toàn cầu hằng ngày. Phiến quân Houthi ở Yemen nhận trách nhiệm vụ không kích này.
8. Khủng bố Christchurch
Ngày 15/3, một người đàn ông Úc 28 tuổi tên là Brenton Tarrant nã đạn vào hai nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch của New Zealand, cướp đi 51 sinh mạng và làm bị thương 49 người. Tay súng này còn truyền trực tiếp (live stream) vụ xả súng tại nhà thờ Al Noor lên Facebook. Đây là vụ xả súng hàng loạt đẫm máu nhất trong lịch sử New Zealand. Trước khi tấn công, Tarrant đưa lên mạng bản tuyên bố chống lại người theo đạo Hồi và người nhập cư. Gần một tháng sau vụ xả súng đẫm máu, Quốc hội New Zealand bỏ phiếu thông qua lệnh cấm vũ khí bán tự động kiểu quân sự.
9. Trung Quốc gây hấn trên biển Ðông
Từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10, nhóm tàu địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ngang nhiên coi thường và công khai vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Khu vực bãi Tư Chính hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS. Trong năm 2019, tàu khảo sát, tàu hải cảnh, tàu dân binh, tàu cá Trung Quốc cũng nhiều lần vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và Malaysia, ngày càng lộ rõ tham vọng độc chiếm biển Đông với yêu sách “đường lưỡi bò” dù bị Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ.
10. “Cô bé khí hậu” Greta Thunberg
Năm 2019, Time vinh danh Greta Thunberg, nhà hoạt động 16 tuổi của Thụy Điển, là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới và là nhân vật của năm (năm 2019) trẻ nhất. Tháng 9, cô bé phát biểu tại Thượng đỉnh Hành động Khí hậu Liên Hợp Quốc ở New York. Thunberg cũng được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2019. Thunberg phát biểu rất mạnh mẽ về vấn đề biến đổi khí hậu mà cô bé coi là khủng hoảng khí hậu. Năm 15 tuổi, cô bé trở nên nổi tiếng từ tháng 8/2018 khi không đến lớp học mà tới bên ngoài trụ sở Nghị viện Thụy Điển để kêu gọi hành động quyết liệt hơn trước hiện tượng nóng lên toàn cầu, khơi mào phong trào học sinh, sinh viên biểu tình vì khí hậu với tên gọi “Thứ Sáu cho tương lai”.