1.Tuyển sinh ĐH: 30 điểm vẫn trượt đại học, chính sách ưu tiên cần được điều chỉnh
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay có một số vấn đề nổi cộm khi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao, xuất hiện "mưa điểm 10" gấp hơn 40 lần năm trước, bên cạnh đó lại nổi lên việc nhiều thí sinh có điểm thi cao trên 29, thậm chí 30 điểm vẫn có thể trượt đại học do cách xét tiêu chí phụ và cộng điểm ưu tiên. Đặc biệt, điểm chuẩn trong ngành công an, quân đội lấy cao kỉ lục: 30- 30,5 điểm.
Nhiều thí sinh đã phản ánh về việc đạt 29,25 điểm vẫn trượt nguyện vọng một trường Y vì thua tiêu chí phụ và điểm làm tròn, điểm cộng ưu tiên khu vực.
Nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng, chính sách ưu tiên khu vực và vùng miền đã thực hiện trong nhiều năm và có nhiều điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế . Dù không đồng tình bỏ hẳn nhưng cần cân nhắc, sửa đổi để không quá bất hợp lý.
Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành phố đã công bố tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao, tăng hơn hẳn các năm trước khi đạt 98-99%. Với tỉ lệ tốt nghiệp đỗ cao như vậy, dư luận băn khoăn đặt câu hỏi có nên giữ kỳ thi THPT.
Điểm chuẩn sư phạm rất thấp năm 2017 là vấn đề được quan tâm, đồng thời gây hoang mang trong dư luận.
Một số chuyên gia phân tích câu chuyện điểm chuẩn ngành sư phạm thấp, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm thu hút người tài cho giáo dục.
GS Ngô Bảo Châu khẳng định tình hình lấy điểm đầu vào thấp của một số trường sư phạm như hiện nay là điều đáng lo ngại.
Cố PGS Văn Như Cương cho rằng, chúng ta đang tiến hành đổi mới cơ bản và toàn diện, với một lực lượng giáo viên đầu vào chỉ có 9-10 điểm thì 3 năm nữa thì sao cáng đáng công việc đổi mới giáo dục được? Đổi mới giáo dục lâm nguy nếu chúng ta có đội ngũ xung kích chất lượng không có. Điều này được báo trước.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Đại học FPT cũng phải thốt lên: “Tôi cầu mong các sinh viên sư phạm những năm qua với đầu vào là điểm sàn 15,5 - hoặc điểm quy chuẩn 12,75 - sau này không làm việc trong ngành sư phạm mà chọn việc khác, nếu không thì chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.
Trước tình trạng “rớt giá” của ngành sư phạm, theo dự kiến của Bộ GD&ĐT, ngay chiều 16/8, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã triệu tập lãnh đạo các vụ, cục liên quan như Vụ Giáo dục Đại học, và hiệu trưởng tất cả các trường sư phạm. Cuộc họp nhằm tìm ra giải pháp để đưa sư phạm ra khỏi tình trạng "ế ẩm" hiện nay.
3. Thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Chiều 27/7, Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã chính thức thông qua Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (GDPTTT).
Chương trình giáo dục phổ thông được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Hệ thống môn học và hoạt động giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học tự chọn.
Thời gian thực học trong một năm học tương đương 35 tuần. Các cơ sở giáo dục có thể tổ chức dạy học 1 buổi/ngày hoặc 2 buổi/ngày. Cơ sở giáo dục tổ chức dạy học 1 buổi/ngày và 2 buổi/ngày đều phải thực hiện nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất đối với tất cả cơ sở giáo dục trong cả nước.
Chiều 21/11, 89,21% đại biểu Quốc hội đã tán thành thông qua nghị quyết điều chỉnh lộ trình triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới được quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 88 năm 2014 của Quốc hội.
Cụ thể, thời hạn áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022-2023 đối với cấp trung học phổ thông.
Để triển khai lộ trình trên, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, bảo đảm không tăng kinh phí; bố trí đủ nguồn lực, chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cơ sở vật chất để triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
"Khi chuẩn bị đủ các điều kiện, Chính phủ báo cáo Quốc hội thời điểm áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo lộ trình quy định", nghị quyết này nêu.
Bảng xếp hạng với 49 trường đại học ở Việt Nam do một nhóm chuyên gia độc lập công bố chiều 6/9 đã gây ngạc nhiên khi nhiều đại học trẻ "lên ngôi" trong khi các trường khối kinh tế nổi tiếng nằm ở vị trí khá thấp.
Theo bảng xếp hạng tổng thể mà nhóm chuyên gia này công bố, ĐHQG Hà Nội đứng đầu bảng với số điểm trung bình là 85.3. Các ĐH vùng và ĐHQG khác như ĐHQG TP.HCM, ĐH Đà Nẵng, ĐH Cần Thơ, ĐH Huế… đều nằm trong tốp 10.
Đáng chú ý, trong bảng xếp hạng này là các trường ĐH "trẻ" như Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Duy Tân đều có mặt trong tốp 10. Trong đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng xếp thứ 2 với mức điểm 72.0 điểm còn ĐH Duy Tân xếp ở vị trí thứ 9.
Nguyên nhân được nhóm chuyên gia giải thích là các trường này có quy mô đào tạo lớn song sự hiện diện trên các ấn phẩm khoa học quốc tế thì không cao.
Tỉ lệ lượng hóa các tiêu chí do nhóm chuyên gia đưa ra là: 40% (nghiên cứu khoa học), 40% (giáo dục đào tạo) và 20% (cơ sở vật chất và quản trị).
Với "phép đo" này, một số ĐH được xếp các thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng của quốc tế như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chỉ xếp hạng 7 trong bảng xếp hạng tổng thể của nhóm. Trường ĐH Y Hà Nội cũng khiêm tốn xếp ở hạng thứ 20.
Nhóm chuyên gia cũng xếp hạng các trường ĐH theo các nhóm tiêu chí bảng xếp hạng gồm: Nghiên cứu khoa học, Giáo dục đào tạo và Cơ sở vật chất và quản trị.
Theo đó, về nghiên cứu khoa học, Trường ĐH Tôn Đức Thắng xếp hạng 1. Về giáo dục đào tạo và cơ sở vật chất, ĐHQG Hà Nội đứng đầu.
6. Công bố dự thảo Luật giáo dục đại học
Bộ GD&ĐT vừa chính thức công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học để lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học đề xuất một số nội dung đáng chú ý như các phương án về công nhận hiệu trưởng và hiệu phó, trường đại học tự quyết định mức học phí...
Dự kiến, có 36 điều thuộc 10 chương trên tổng số 73 điều, 12 chương của Luật Giáo dục Đại học sẽ được sửa đổi nhằm mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ giáo dục đại học, nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở giáo dục đại học cũng như đổi mới quản lý đào tạo để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiệm cận với các chuẩn quốc tế.
“Tỉ lệ tiến sĩ của Việt Nam còn quá thấp nên phải đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ và không đào tạo tràn lan”- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nói.
9.000 tiến sĩ này cũng không phải là đào tạo mới và đề án này cũng không phải là đề án mới. Đây là đề án chỉnh sửa, nâng cao chất lượng từ đề án 911, trong đó tập trung vào việc thu hút các tiến sĩ đã đào tạo ở nước ngoài.
Cũng theo Bộ trưởng Nhạ, thông tin về vấn đề này có thể chưa rõ, nên dư luận chưa hiểu hết. Đề án này không tập trung vào số lượng mà tập trung vào chất lượng để làm sao đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, chứ không phải đào tạo tràn lan.
Năm 2017, bạo lực học đường vẫn là vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục và xã hội.
Vụ việc bảo mẫu dùng tay chân, can nhựa, chổi lau nhà, thậm chí cả dao, hành hạ trẻ mầm non ở TP.HCM khiến dư luận bức xúc.
Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết vụ bảo mẫu của cơ sở Mầm Xanh, TP.HCM, bạo hành trẻ được xem là nghiêm trọng. Những người liên quan có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự.
Chương trình mang tên Dấu ấn, được các bạn đoàn viên thanh niên trong trường phát động, tổ chức. Đây là hoạt động tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các thế hệ nhà giáo của học sinh toàn trường, đồng thời thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của dân tộc.
Triển lãm cuộc đời và những dấu ấn về cố PGS Văn Như Cương được tổng hợp từ rất nhiều nguồn ảnh tư liệu, kỷ vật... và sắp đặt bài trí xung quanh sân trường cùng một phòng trưng bày trang trọng.
Điểm nhấn giữa hàng nghìn cánh hạc giấy là chiếc bánh kỷ niệm ngày ra mắt triển lãm với hình ảnh thân thương của thầy Cương cùng vợ.
Các trường có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu, có thể kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực. Đó là nội dung thay đổi quan trọng được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến rộng rãi về tuyển sinh đầu cấp. Theo các chuyên gia, quy định này sẽ “cởi trói” cho các trường “nóng” về tuyển sinh lớp 6 từ năm tới, tránh hiện tượng chạy chọt tiêu cực như mấy năm vừa qua.
Ngày 18/12, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014. Theo đó, một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng của dự thảo là nội dung liên quan đến tuyển sinh vào lớp 6.
Điểm mới quan trọng trong dự thảo sửa đổi, bổ sung lần này ghi rõ: “Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh”.