10 sự kiện chứng khoán tiêu biểu 2012

10 sự kiện chứng khoán tiêu biểu 2012
TP - Ngày 25- 12, CLB Nhà báo chứng khoán VN công bố 10 sự kiện chứng khoán tiêu biểu của năm. Những sự kiện được đánh giá bám sát “hơi thở” của thị trường.

1. TTCK hứng nhiều cú sốc

Ngày 21/08/2012: thị trường phản ứng tiêu cực với sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên, cổ đông lớn của ngân hàng ACB, bị bắt. Chỉ số giá chứng khoán hai sàn giảm liền 6 phiên với mức (-11,8%) trên sàn HOSE và (-15,4%) trên sàn HNX.

Ít sau, thị trường lại “chao đảo” khi một loạt các thành viên HĐQT và ban lãnh đạo của ACB bị bắt. Liên quan đến sự kiện ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Sacombank từ chức, giá cổ phiếu này nhiều phiên giảm sàn và điêu đứng.

2. Phê duyệt Đề án Tái cấu trúc TTCK

Ngày 6- 12- 2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1826/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cấu trúc TTCK và doanh nghiệp bảo hiểm. Năm 2012 được đánh giá là năm thành công nhất trong xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy trong lĩnh vực chứng khoán.

3. Thành công huy động vốn qua phát hành trái phiếu

Tính đến giữa tháng 12-2012, huy động vốn TPCP trên HNX đạt 156.544 tỷ đồng. Trong bối cảnh các nguồn huy động vốn ngân sách khó khăn, việc thành công vượt kế hoạch của huy động vốn TPCP được coi là một “điểm sáng”.

4. Nhiều cải tiến trong cơ chế giao dịch

Từ 26- 3- 2012, Sở SDCK Hà Nội áp dụng cách tính giá tham chiếu mới cho cổ phiếu trên thị trường niêm yết, cho phép giao dịch lô lẻ qua hình thức thỏa thuận. Từ 2-7, lệnh thị trường - chính thức áp dụng tại Sở GDCK TPHCM. Quy trình thanh toán chứng khoán được rút ngắn từ 15h chiều ngày T+3 xuống 9h sáng ngày T+3, giúp nhà đầu tư được bán chứng khoán vào ngày T+3, thay vì T+4 như 12 năm trước đó.

5. Lần đầu xử phạt bán khống

Hành vi bán khống trên TTCK Việt Nam chính thức bị xử phạt. Tháng 10-2012, UBCKNN xử phạt Nguyễn Viết Xuân và Phạm Thị Sương (HSC) với vi phạm cho khách mượn chứng khoán trên tài khoản của khách hàng khác để bán khống mức phạt 85 triệu đồng/người; xử phạt CTCK Đại Nam 150 triệu đồng vì cho khách hàng vay chứng khoán để bán. Tổng cộng năm 2012, UBCKNN ban hành hơn 180 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt gần 11 tỷ đồng.

6. Xây dựng các chỉ số cơ sở cho các sản phẩm mới trong tương lai

Chỉ số VN30 được công bố vào ngày 3/2 và chính thức triển khai ngày 6-2. Chỉ số HNX30 được công bố ngày 5-7 và bắt đầu triển khai từ ngày 9-7. Đây là bước đi đầu tiên trong lộ trình xây dựng và chuẩn hóa các chỉ số cơ sở, tạo điều kiện triển khai các sản phẩm mới trong tương lai.

7. Nhiều CTCK chỉ còn “tên”

UBCKNN đưa 11 CTCK và 3 công ty quản lý quỹ vào diện kiểm soát đặc biệt và 3 CTCK vào diện kiểm soát; rút nghiệp vụ môi giới của các CTCK: Hà Nội, Trường Sơn, SME, Đông Dương. Rút nghiệp vụ tự doanh của 2 CTCK, rút nghiệp vụ bảo lãnh phát hành của 01 CTCK; đình chỉ hoạt động 3 CTCK; thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký của 4 CTCK

8. DN niêm yết “biến mất”

Năm 2012 có tới 21 công ty bị hủy niêm yết với những DN “đình đám” một thời như HBB và SCG biến mất trên thị trường. Cùng đó, một cuộc “thâu tóm” diễn ra trong ngành ngân hàng như xuất hiện nhóm nhà đầu tư lớn trong đó có Eximbank (EIB) từng tuyên bố nắm quyền biểu quyết tới 51% tại Sacombank (STB). Hệ quả, hầu hết các thành viên HĐQT cũ của ngân hàng này bị thay thế, nhường ghế cho những nhân vật mới.

9. Tín phiếu kho bạc lên sàn

Sau hơn 17 năm phát hành sơ cấp, từ ngày 24-8-2012 lần đầu tiên Tín phiếu kho bạc phát hành theo phương thức đầu thầu qua NHNN sẽ được đăng ký, lưu ký tại TT lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và niêm yết giao dịch trên thị trường trái phiếu chuyên biệt tại HNX.

10. Việt Nam có 3 quỹ mở

Trong tháng 12, cùng với việc 1 quỹ đóng đầu tiên tuyên bố chuyển đổi sang quỹ mở thì có tới 2 quỹ mở khác được UBCKNN cấp giấy phép chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng, thị trường chứng kiến tín hiệu tích cực cho tương lai quỹ mở.

Khánh Huyền
Lược ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.