10 sự kiện bất động sản nổi bật năm 2013

10 sự kiện bất động sản nổi bật năm 2013
TPO-Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi; Chính phủ ban hành Nghị định 11 về quản lý đầu tư phát triển đô thị; gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ bất động sản... là những sự kiện bất động sản nổi bật năm 2013

1. Thông qua Luật Đất đai sửa đổi: Với gần 90% đại biểu tán thành, sáng ngày 29/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đất đai sửa đổi. Một trong những điểm đáng lưu ý của Luật Đất đai (sửa đổi) lần này là phải gắn với việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 liên quan đến sở hữu đất đai, việc thu hồi đất, giá đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, thành lập cơ quan định giá đất độc lập, việc thu hồi đất phải hài hoà và tính đến sinh kế của người dân bị thu hồi đất.

10 sự kiện bất động sản nổi bật năm 2013 ảnh 1

2. Chia tách huyện Từ Liêm (Hà Nội): Ngày 2/12, Chính phủ phê duyệt chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm thành 2 quận mới với 23 phường. Trong đề án của mình, UBND huyện Từ Liêm đã đề xuất thành lập 2 quận mới: quận Nam Từ Liêm và quận Bắc Từ Liêm.

23 phường thuộc 2 quận mới sẽ được hình thành trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính từ 1 thị trấn và 15 xã hiện tại. Hà Nội sẽ có thêm 2 quận mới là quy hoạch quan trọng của thị trường bất động sản trong năm 2013.

3. Giảm thuế VAT cho mua bán nhà ở: Giảm 50% thuế VAT cho một số nhà ở thương mại là một trong những chính sách quan trọng của thị trường bất động sản năm 2013. Theo Thông tư hướng dẫn thi hành việc giảm thuế đối với các dự án thương mại có hiệu lực từ 30/11 và áp dụng cho kỳ khai thuế từ 1/7/2013, giảm 50% thuế VAT cho nhà ở thương mại có giá bán, giá cho thuê mua ghi rõ trong hợp đồng là dưới 15 triệu đồng một m2 (đã bao gồm thuế VAT 10%) và phí bảo trì công trình, diện tích sàn dưới 70m2.

Cũng theo Thông tư, đối với giao dịch bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội sẽ được áp dụng thuế suất thuế VAT 5% kể từ ngày 1/7.

4. Sở hữu chung cư có thời hạn: Quy định sở hữu căn hộ chung cư có thời hạn 70 năm theo Dự thảo Luật Nhà ở mà Bộ Xây dựng đang soạn thảo làm “dậy sóng” dư luận. Theo phương án mà Bộ Xây dựng đề xuất, đối với trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất để xây dựng nhà chung cư để bán, cho thuê mua, thì thời hạn sở hữu nhà chung cư là 70 năm, và thời hạn sở hữu nhà chung cư được ghi vào Giấy chứng nhận và khi hết thời hạn sở hữu thì các chủ sở hữu nhà ở chung cư không còn quyền sở hữu nhà chung cư đó và phải bàn giao lại quyền sử dụng đất xây dựng nhà chung cư cho Nhà nước để phá dỡ và xây dựng lại các công trình khác.

5. Gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản sau một thời gian giải ngân được khoảng gần 2%. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 30.11.2013, 5 ngân hàng là Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank và MHB giải ngân được 470,8 tỷ đồng trong gói 30.000 tỷ đồng cho 1.236 khách hàng.

Như vậy, sau 6 tháng triển khai, số tiền giải ngân đạt 1,56%.

6. Giá nhà giảm sâu; hàng trăm dự án tạm dừng: Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho biết, giá nhà đã giảm về 7 năm trước, giảm nhiều so với thời điểm sốt giá giai đoạn 2008-2010, nhiều dự án giá giảm tới 50%, trở về giá tương đương thời điểm 2006. Hầu hết các dự án đã giảm từ 10%-30% giá bán, có một số dự án tại TP HCM như Sunrise, Everrich 3 đã giảm giá tới gần 50% so với giá trước đó hơn 2 năm.

Bộ Xây dựng cho biết cũng cho biết, qua báo cáo của 38 địa phương, đã có tổng cộng 411 dự án bất động sản tạm dừng triển khai, với tổng diện tích đất 6.654ha. Ngoài các dự án tạm dừng, hiện có hơn 2.900 dự án được tiếp tục triển khai, với tổng diệntích đất 76.800 ha.

Theo quy định mới, các khu đô thị không cần phải bán nhà mà có thể bán đất nền cho người dân tự xây nhà
Theo quy định mới, các khu đô thị không cần phải bán nhà mà có thể bán đất nền cho người dân tự xây nhà.

7. Tồn kho bất động sản: Theo số liệu Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng mới đưa ra, tồn kho bất động sản tiếp tục giảm mạnh mặc dù nguồn cung nhà ở được tiếp tục bổ sung. Hết tháng 11/2013, tồn kho bất động sản còn 96.805 tỷ đồng, giảm hơn 24% so với cuối quý 1. Trong đó, Hà Nội giảm trên 20% còn Tp.HCM giảm trên 30%.

8. Nợ xấu bất động sản: 70% là con số nợ xấu thuộc lĩnh vực bất động sản mà Công ty Quản lý và Khai thác Tài sản Việt Nam (VAMC) đã mua. Cụ thể, sau một tháng triển khai mua nợ xấu, tính đến cuối tháng 10, VAMC đã mua nợ xấu của 14 ngân hàng với giá trị 11.000 tỷ đồng. Trên thực tế, giá trị gốc tính theo sổ sách của các khoản nợ này là 13.000 tỷ đồng. Theo phân loại ban đầu của công ty này, khoảng 70% khoản nợ đã mua thuộc lĩnh vực bất động sản, hơn 20% thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

9. Dự án đầu tư FDI: Trong 11 tháng đầu năm 2013, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm trong lĩnh vực BĐS là 884 triệu USD. Cụ thể, báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tính chung trong 11 tháng đầu năm 2013 tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới và tăng thêm là gần 21 tỷ USD, tăng hơn 54% so với cùng kỳ năm 2012.

Đáng chú ý, đứng thứ ba trong thu hút vốn FDI nhiều nhất là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, với 20 dự án đầu tư mới, tăng 10 dự án so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 884 triệu USD.

10. Chính phủ ban hành Nghị định 11 về quản lý đầu tư phát triển đô thị:
Theo Nghị định 11 về quản lý đầu tư phát triển đô thị, Thủ tướng quyết định chấp thuận đầu tư sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng đối với 2 trường hợp: Dự án có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên hoặc thuộc địa giới của nhiều tỉnh, có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng...

Nghị định cũng đưa ra yêu cầu mới về việc chuyển quyền sử dụng đất. Trước đây phần lớn ở các đô thị, chủ đầu tư phải thực hiện việc bán nhà đã xây thô, thậm chí phải hoàn thiện trước mặt ngoài, khiến tại nhiều tỉnh thành, giá bất động sản bị đẩy lên cao. Nghị định lần này cho phép Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở thực tế quy định những khu vực nào được thực hiện việc chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng để người dân tự xây dựng.

P.V (tổng hợp)

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG