Ly hôn tăng, kết hôn giảm
Theo trang web của Viện nghiên cứu kinh tế Hoa Kinh (Huajing), dữ liệu từ Bộ Dân Chính cho thấy trong nửa đầu năm 2019, số lượng đăng ký ly hôn trên toàn quốc là 2,038 triệu cặp, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 53,6% cả năm 2018 (3,8 triệu cặp). Chỉ trong quý đầu tiên của năm 2019, số vụ ly hôn đã vượt quá một triệu cặp. Trong gần 30 năm qua, số vụ ly hôn đã tăng hơn sáu lần và tỷ lệ ly hôn đã liên tục tăng trong 15 năm liền.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ ly hôn ở hầu hết các tỉnh, thành phố cả nước đang lên hàng năm và tỷ lệ ly hôn của các thành phố kinh tế phát triển như Bắc Kinh, Thượng Hải và Trùng Khánh đứng đầu trong cả nước. Dữ liệu năm 2017 cho thấy, tỷ lệ ly hôn của Bắc Kinh đứng đầu trong cả nước, tới 39%, Thượng Hải đứng sau với 38%... Trong “Dữ liệu thống kê dịch vụ xã hội của các tỉnh trong quý 4 năm 2018” do Bộ Dân Chính Trung Quốc công bố, tỷ lệ ly hôn so với kết hôn của Bắc Kinh cao tới 48,3%; tức là cứ hai cặp vợ chồng kết hôn, cùng lúc có một cặp đang ly hôn.
Trong nửa đầu năm 2019, tỷ lệ ly hôn/kết hôn của Bắc Kinh đã tăng lên 55%, ngoài ra có 9 tỉnh, thành phố khác có tỷ lệ hơn 50% là Thượng Hải, Thiên Tân, Hà Bắc, Cát Lâm, Hắc Long Giang...Trong đó Thiên Tân dẫn đầu với 71% (47.463 cặp kết hôn, 33.522 cặp ly hôn), tiếp sau là Cát Lâm, Hắc Long Giang cùng 65%...
Qua nghiên cứu cho thấy có một mối liên hệ giữa tỷ lệ ly hôn và mức độ phát triển kinh tế giữa các khu vực. Từ phân tích mối tương quan giữa xu hướng GDP và số vụ ly hôn của các tỉnh, thành phố trong nửa đầu năm 2019, cho thấy ở địa phương kinh tế phát triển hơn, tỷ lệ ly hôn cũng cao hơn.
Trong khi số vụ ly hôn đang gia tăng, số lượng các cặp kết hôn lại đang giảm dần. Trong nửa đầu năm 2019, cả nước Trung Quốc có tổng số 4,98 triệu cặp đăng ký kết hôn, giảm 7,7% so với năm trước. Năm 2018, tổng số có 10,10 triệu cặp đăng ký kết hôn, một con số đạt mức thấp nhất trong 10 năm gần đây.
Về phân vùng, các nơi kinh tế càng phát triển, thái độ đối với hôn nhân càng cởi mở. Chẳng hạn như Thượng Hải tỷ lệ kết hôn thấp nhất, trong khi GDP bình quân đầu người và thu nhập khả dụng bình quân đầu người đều thuộc hàng đầu cả nước; nửa đầu năm 2019 số lượng cặp kết hôn ở Thượng Hải tiếp tục giảm thêm mấy bậc.
Dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia và Bộ Dân Chính năm 2018 cho thấy các thành phố kinh tế càng phát triển, tỷ lệ kết hôn càng thấp; Thượng Hải tỷ lệ kết hôn chỉ 4,35‰ thấp nhất trong cả nước, Chiết Giang 5,9‰ đứng áp chót. Ngoài ra, tỷ lệ kết hôn ở Quảng Đông, Bắc Kinh và Thiên Tân đều thấp. Ở những địa phương kém phát triển về kinh tế, tỷ lệ kết hôn lại rất cao, chẳng hạn như Tây Tạng, Thanh Hải, An Huy và Quý Châu. Trong đó tỷ lệ kết hôn ở Quý Châu là 11,1‰, cao nhất Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, với việc tăng tốc độ đô thị hóa, dân số đổ dồn về các đô thị bậc 1, bậc 2 và thành phố trung tâm, số lượng vụ kết hôn trong tương lai có thể suy giảm hơn nữa, thậm chí số người kết hôn muộn và không kết hôn sẽ tăng lên nhiều. Khi số lượng các vụ kết hôn giảm, số lượng trẻ sơ sinh cũng sẽ giảm, điều này sẽ có ảnh hưởng lớn đến sự đổi mới công nghệ, chuyển đổi kinh tế và cơ cấu tiêu dùng trong tương lai.
Theo “Báo cáo tư vấn chiến lược đầu tư và phát triển ngành dịch vụ hôn nhân Trung Quốc 2019-2025” của Viện nghiên cứu Hoa Kinh công bố, với sự gia tăng dần dần của nhịp sống con người, tuổi kết hôn sẽ tăng dần và sự mất cân bằng giới tính của dân số là điều hiển nhiên, sẽ dẫn đến tỷ lệ ly hôn tăng thêm hàng năm đi kèm với sự gia tăng sự khác biệt khu vực.
Suy giảm đạo đức là nguyên nhân chính
Đối với việc ly hôn hỗn loạn ở Trung Quốc đại lục, chuyên gia lịch sử Trung Quốc, Phó Giáo sư Lý Nguyên Hoa ở Học viện Khoa học Giáo dục, Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho rằng, thay đổi trong quan điểm hôn nhân của người dân Trung Quốc là nguyên nhân căn bản khiến hôn nhân tan vỡ.
Ông Lý Nguyên Hoa nói: “Đó là sự thay đổi phong khí của toàn xã hội. Nền văn hóa truyền thống đã bị hủy hoại. Tức là, mối quan hệ vợ chồng hiện giờ bị thu hút bởi ham muốn vật chất và thế giới bên ngoài. Đó không như “vợ chồng kết tóc” trong quá khứ, sống với nhau cả đời, cam kết hôn nhân và kiên trì sống cùng nhau; hiện nay không như thế nữa. Giống như trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, ly dị là điều bình thường...”.
Nhà văn Chu Hân Hân cũng nói, những người trước kia tôn trọng nguyên tắc truyền thống, nhưng sau thời kỳ cận đại, xã hội thế tục hóa ngày càng mạnh. “Trong hôn nhân truyền thống, hôn nhân không chỉ là chuyện cá nhân, mà còn liên quan đến gia tộc, cộng đồng, xem xét trách nhiệm nhiều phía.
Bây giờ mọi người không suy xét nhiều, mọi người đều thiếu kiên nhẫn và bao dung trong hôn nhân. Ly dị dường như là sự giải thoát, thực ra đó chưa chắc đã là hạnh phúc, bởi vì một số thể nghiệm về tình cảm chỉ có thể có được thông qua mối quan hệ vợ chồng trong các cuộc hôn nhân bền vững”.