1-1-2012, nhìn lại và hướng tới

Điểm tựa của thế giới năm 2012 là khu vực châu Á Thái Bình Dương
Điểm tựa của thế giới năm 2012 là khu vực châu Á Thái Bình Dương
TP - Năm 2011, Trung Đông - Bắc Phi tan hoang khi cơn địa chấn chính trị càn quét gần như toàn bộ khu vực, làm sụp đổ hoặc lung lay tận gốc một số chính quyền và còn lưu lại sang năm 2012 một nước Syria loạn lạc.

Khu vực vịnh Ba Tư và Nam Á tiếp tục căng thẳng quanh vấn đề hạt nhân Iran, những bất ổn và chia rẽ nghiêm trọng ở Iraq ngay sau khi về hình thức kết thúc được cuộc chiến tranh với việc Quân đội Mỹ rút đi.

Điểm tựa của thế giới năm 2012 là khu vực châu Á Thái Bình Dương
Điểm tựa của thế giới năm 2012 là khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Năm 2011, châu Âu nghẹt thở với gọng kìm của khủng hoảng nợ công ngày càng siết chặt cuốn phăng một loạt chính khách và làm kinh tế toàn cầu lún sâu thêm vào suy thoái; nước Mỹ bấn loạn với bóng ma suy giảm kinh tế và làn sóng biểu tình chống bất công xã hội mang tên Chiếm Phố Wall.

Điều này diễn ra khi mà các nền kinh tế mới nổi nói chung và khu vực châu Á - Thái Bình Dương (TBD) nói riêng, với sức bật ấn tượng trước những đợt sóng lớn trong năm 2011, đã trở thành điểm sáng, đang làm thay đổi trật tự của nền kinh tế thế giới đã tồn tại trong vài thập kỷ qua.

Trong khi, châu Âu và Mỹ đang rên xiết dưới các núi nợ công khổng lồ và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao thì Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nền kinh tế khác lại điềm tĩnh đi qua suy thoái. Tuy nhiên, điểm sáng này không làm thay đổi nhiều gam tối chủ đạo của nền kinh tế thế giới 2011.

Bức tranh thế giới năm 2011 dường như càng u ám hơn khi một lần nữa, vào đúng thời điểm mà nhân loại phải hứng chịu hàng loạt cơn cuồng phong giận dữ gây hậu quả khủng khiếp của thiên nhiên (sóng thần - động đất tàn phá và gây căng thẳng hạt nhân ở Nhật Bản, bão Washi làm tơi tả và cuốn đi hàng nghìn sinh mạng ở Philippines, cơn Đại hồng thủy nhấn chìm Bangkok...), nỗ lực của thế giới nhằm cứu Trái Đất (COP-17) rơi vào thất bại.

2011 cũng là năm đánh dấu những biến chuyển quan trọng ở biển Đông khi các nước trong khu vực như Philippines, Việt Nam đã lên tiếng khá mạnh mẽ cũng như hoạt động ngoại giao tích cực để bảo vệ chủ quyền của mình và vấn đề đã thu hút sự quan tâm lớn hơn nhiều so với trước kia của thế giới – những yếu tố góp phần bước đầu kìm hãm những tác nhân gây mất ổn định.

Và năm 2011 cũng nổi bật với sự ra đi của một số nhân vật nổi tiếng. Cái chết của ông Gahdafi để lại những dấu hỏi về phương diện đạo lý và một nước Libya bộn bề những vấn đề cần giải quyết.

Việc tiêu diệt Bin Laden tuy có làm cho nước Mỹ và những nước luôn bị chủ nghĩa khủng bố đe dọa phấn khởi nhưng không loại bỏ được bóng ma của những kẻ liều chết.

Ở một bình diện khác, diễn biến quan hệ liên Triều sau sự ra đi của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il lại làm dấy lên nỗi lo về sự mất ổn định trên bán đảo và khu vực Đông Á cực kỳ nhạy cảm của thế giới.

Nhìn lại, thấy năm 2011 để lại một di sản đáng ái ngại. Tuy nhiên, bình tĩnh soi xét cũng có thể thấy một số điểm tựa mang hy vọng cho năm 2012.

Tuy nước Mỹ phục hồi còn loạng choạng vào cuối năm 2011 với những thương tích nợ công và tỷ lệ thất nghiệp cao vẫn còn trên mình, tuy châu Âu ốm yếu đang trông chờ vào sự phối hợp hiệu quả của các thể chế kinh tế lớn để sớm thoát khỏi khủng hoảng.

Nhưng với những thỏa thuận đạt được của các nhà lãnh đạo châu Âu về vấn đề giải cứu nợ công, với những động thái cuối năm của hai đầu tàu như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương châu Âu và một số định chế tài chính lớn khác, nhiều khả năng trong năm 2012, giới hoạch định chính sách sẽ có những hành động phối hợp “vô tiền khoáng hậu” để ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng nợ công nhấn chìm toàn bộ nền kinh tế thế giới.

Một điểm tựa lớn cho sự phục hồi của thế giới năm 2012 chính là châu Á-TBD. Sau khi nhẹ nhàng vượt qua suy thoái trong năm 2011, khu vực này được dự báo sẽ vượt bão còn tốt hơn so với các khu vực khác trong năm 2012.

Châu Á-TBD đang được đánh giá khu vực phát triển an toàn nhất trên thế giới và sẽ tham gia mạnh mẽ vào sân chơi kinh tế thế giới như các đầu tàu kinh tế lớn khác. Sự lên ngôi về kinh tế tác động mạnh đến vị thế chính trị. Châu Á-TBD đang có vai trò ngày một lớn hơn trong các vấn đề chính trị quốc tế.

Những mối ưu tư lớn về an ninh mà thế giới phải tháo gỡ vẫn là chủ nghĩa khủng bố, vấn đề hạt nhân Iran, biến động Trung Cận Đông và quan hệ liên Triều. Trừ chủ nghĩa khủng bố, các điểm nóng còn lại đều có các cường quốc đứng sau nên người ta hy vọng vào những giải pháp thăng bằng.

2012 cũng là năm mà ba cường quốc Mỹ, Nga và Trung Quốc tiến hành bầu cử. Trong khi Trung Quốc với chiến lược và quy hoạch lãnh đạo cấp thượng đỉnh luôn rõ và nước Nga dường như vẫn chưa có nhân vật chính trị nào khả dĩ đọ được với ông Putin thì tình thế của ông Obama đang là 50-50 tuy uy tín của ông trong những ngày cuối năm ở xu thế tăng. Sau các cuộc bầu cử, chính sách ngoại giao của các cường quốc nói trên sẽ có những biến động ở mức độ khác nhau tạo ra những tác động tương ứng trong cục diện chính trị thế giới.

Tuy nhiên, với xu thế đa phương hóa toàn cầu, sự trỗi dậy của châu Á-TBD sẽ là một yếu tố tích cực góp phần làm thế giới vận động theo chiều hướng công bằng và hòa hợp hơn. Các giải pháp ngoại giao và hòa hoãn sẽ tiếp tục giành lợi thế trong một thế giới đa cực vì hòa bình và phồn vinh của toàn nhân loại.

Tất nhiên, khó khăn vẫn còn và không thể hóa giải tất cả chỉ trong một thời gian ngắn. Nhưng khép lại năm 2011 nhiều bất ổn và rủi ro, năm 2012 được kỳ vọng là một năm bình yên và thịnh vượng hơn cho toàn nhân loại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Techcombank cùng 33 anh tài “hâm nóng” không khí tại Vinhomes Ocean Park 3, bất chấp nhiệt độ ngoài trời 15 độ
Techcombank cùng 33 anh tài “hâm nóng” không khí tại Vinhomes Ocean Park 3, bất chấp nhiệt độ ngoài trời 15 độ
Ngay từ sáng sớm, khu vực tổ chức concert Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai tại Vinhomes Ocean Park 3 đã đón một lượng lớn khán giả tập trung, háo hức chờ đến giờ check-in. Người hâm mộ đã sẵn sàng cho một bữa tiệc âm nhạc bùng nổ, “thủng nóc, bay trần, tung trời” cùng 33 Anh tài, ban tổ chức và nhà đồng đầu tư – ngân hàng Techcombank.
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.