> Các bước kiểm tra xe máy cơ bản
Ai đi xe máy cũng biết cách vào cua, rẽ trái và rẽ phải, nhưng kỹ thuật cua rẽ lại chủ yếu theo bản năng tự nhiên.
Thông thường khi vào cua, bạn không chỉ đánh lái mà còn phải nghiêng người, nghiêng xe. Nhưng nhiều người đi xe máy không ý thức được việc nghiêng xe của mình ảnh hưởng lớn tới khả năng ôm cua.
Nghiêng xe không đúng cách nhiều khi cũng gây ra những tai nạn, mà nếu bạn nắm được kỹ thuật, mọi việc sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Ôm cua và tốc độ
Lực ly tâm ảnh hưởng rất lớn tới khả năng ôm cua của chiếc xe. Tốc độ càng cao thì bạn càng cần phải có quãng đường cua rộng hơn hoặc phải ôm cua sát hơn.
Để an toàn, bạn chỉ nên ôm cua ở tốc độ dưới 40 km/h, bởi bạn không phải là chuyên gia và cũng không được tập luyện cho những pha ôm cua ở tốc độ cao.
Hãy luôn nhớ, thời tiết và điều kiện mặt đường ảnh hưởng tới khả năng cua của bạn. Trời mưa hay đường trơn trượt, cát hay đất, hãy giảm tốc độ đến mức thấp nhất có thể để vào cua, để đảm bảo an toàn.
Ôm cua và giảm tốc
Cần tuyệt đối tránh việc vừa ôm cua vừa sử dụng phanh. Việc này sẽ khiến bạn dễ dàng mất lái và trượt ngã bởi hiện tượng trượt bánh do bó cứng phanh bánh trước hoặc bánh sau.
Hãy giảm tốc trước khi vào cua một đoạn, sử dụng phanh động cơ nếu được để chủ động về tốc độ. Khi vào khúc cua, tốc độ nên là dưới 40 km/h, và sau khi ôm hết đoạn cua, hãy tăng tốc.
Nếu phải sử dụng phanh, hãy phanh nhẹ nhàng, phanh đều cả bánh trước bánh sau, tuyệt đối không phanh bất ngờ. Có thể sử dụng phanh bóp nhả liên tục để giảm tốc, để bánh xe không bị bó cứng.
Cách ôm cua số 1: Nghiêng đều
Nghiêng đều là khi bạn vào cua, cả người và xe bạn đều nghiêng so với mặt đường. Nói cách khác, người và xe bạn nằm trên một trục và cùng nghiêng một góc so với mặt đường.
Đây là cách cua tự nhiên, đơn giản, ai đi xe máy cũng đều thực hiện dù có ý thức hay vô thức.
Cách cua này hoàn toàn tự nhiên nên cũng dễ luyện tập, thông dụng nhất, tuy nhiên không có ưu điểm nào nổi trội. Đây là cách ôm cua cơ bản, sử dụng được trong bất cứ tinh huống nào.
Cách ôm cua số 2: Nghiêng nhiều hơn xe
Với cách cua này, khi bạn ôm cua, người bạn sẽ nghiêng sang bên cần rẽ nhiều hơn xe. Như vậy xe sẽ có độ bám đường cao hơn do ít nghiêng, qua đó an toàn hơn.
Cách ôm cua này thường sử dụng trong thời tiết mưa, đường trơn trượt, đường dốc. Đây là cách cua có độ an toàn cao nhất.
Bạn cũng có thể sử dụng cách ôm cua này khi muốn có góc quan sát lớn hơn để vượt ô tô trong một số trường hợp. Nghiêng người và cua nhẹ để quan sát phía trước ô tô, chọn thời điểm thích hợp để tăng ga vượt xe.
Cách ôm cua số 3: Nghiêng ít hơn xe
Đè mạnh xe sang bên cần ôm cua để xe nghiêng một góc lớn, đồng thời giữ người nghiêng ít hơn xe để lấy cân bằng.
Cách ôm cua này khiến bạn có thể ôm được những góc cua gấp, với tốc độ cao hơn. Tất nhiên phương pháp này cũng nguy hiểm hơn, bạn sẽ phải thực hành rất nhiều nếu muốn thực hiện được cách ôm cua này ở tốc độ cao. Lốp xe tốt và hệ thống giảm xóc hoạt động trơn tru sẽ tăng độ an toàn đáng kể.
Những kinh nghiệm trên sẽ giúp bạn hiểu thêm về kĩ thuật ôm cua, sử dụng trong nhiều trường hợp khi lái xe. Điều quan trọng nhất là hãy luôn làm chủ tay lái và tốc độ.
Chúc các bạn lái xe an toàn.