Ngọt ngào như hạnh phúc

Ngọt ngào như hạnh phúc
TP - Cô dâu xinh đẹp cầm micrô hát “Em sẽ yêu anh, yêu mãi thôi” trong tiếng reo hò cổ vũ của nhiều bạn trẻ khuyết tật đến từ cơ sở massage của chú rể mù. Ngay cả những người từng quyết liệt chống đôi trẻ kết hôn cũng nghẹn ngào chạm ly chúc mừng. Bởi tình yêu trong sáng và bền bỉ của họ đã cuốn phăng mọi rào cản, định kiến!

> Hạnh phúc 'nhuốm bệnh' sau 4 tháng

Hạnh phúc đơn sơ của gia đình Hưng - Thuyết
Hạnh phúc đơn sơ của gia đình Hưng - Thuyết.

Anh có muốn cưới em không?

Trưa cuối tuần đầu tháng tám, hội trường giáo xứ Đông Sơn cách TP Buôn Ma Thuột 30km đông vượt dự kiến khiến họ nhà trai phải cấp tốc kê thêm bàn. Nông dân đến từ các thôn xã quanh vùng, nam nữ tu sĩ đến từ các nhà dòng trong ngoài tỉnh và rất nhiều bạn trẻ khuyết tật, những đôi vợ chồng “mù mắt sáng lòng” đón xe đò xe buýt, vượt những chặng đường dài về vùng đồng ruộng bạt ngàn ngô lúa này để chúc phúc cho đôi uyên ương đặc biệt.

Chú rể Xuân Long khi còn là cậu học trò lớp bốn, trong một lần đùa giỡn với em trai đã không may bị tai nạn vỡ nhãn cầu, thành người mù mắt, nặng tai. Là anh cả trong nhà đông em, chính Long đã phải tự động viên, tự rèn tinh thần lạc quan, ý chí ham học và bản tính hài hước để cha mẹ vơi bớt đau buồn, các em noi gương anh mà phấn đấu. Nhờ bộ chữ nổi Braille và cách giảng dạy ân cần của các giáo viên thiện nguyện ở cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân, Long học được hết cấp II rồi dò dẫm vào đời nuôi thân bằng nghề massage vật lý trị liệu.

 Trong đám cưới tưng bừng xóm đạo, cô dâu quá xinh khích lệ tinh thần chú rể bằng tiết mục đơn ca lạc giọng, hát ngang phè nhưng vẫn khiến nhiều người phải rân rấn nước mắt.

Thị trường phố núi không đủ chỗ cho hàng trăm bạn trẻ khiếm thị kiếm tiền nhờ đôi tay đấm bóp, Long dạt về đồng bằng làm thuê cho Hội người mù tỉnh Khánh Hòa. Ở đây, Long tình cờ quen Bích Trầm- nữ sinh trường Cao đẳng sư phạm mầm non trung ương 2, khi cô đi kiếm việc làm thêm. Càng gần gũi chuyện trò, Trầm càng cảm mến chàng trai khiêm nhường tốt tính. Còn Long không khỏi rung động trước sự đồng cảm và những cử chỉ săn sóc dịu dàng ý nhị của Trầm.

Sau lần nhờ Trầm chở ra bến xe về thăm nhà, Long tương tư Trầm tới lăn lóc phờ phạc, Long hoảng hốt cầu cứu sư phụ: Thầy ơi, thầy sẵn kinh nghiệm, bày em cách tỏ tình với Trầm, không em chết mất!

Không rành văn chương chữ nghĩa, bóp trán toát mồ hôi, “sư phụ” mới bày được Long nhắn một tin rất… sến vào điện thoại của Trâm: Em như thảm cỏ, anh như cơn mưa muốn tưới mát cuộc đời em! Giữa chiều, đang đứng lớp, điện thoại rung dồn dập thúc sư phụ chân tươi chân héo chạy ra ngoài nghe đệ tử reo hò: Hiệu nghiệm quá thầy ơi! Trầm đồng ý bật đèn xanh cho em tiến tới rồi!

Nghe Trầm hỏi: Anh có muốn cưới em không ? Long mừng suýt khóc ! “Đèn xanh” bật trọn năm cho đôi tình nhân kiên trì tìm hiểu và thuyết phục, khó nhất là đối với họ hàng phía Trầm. Với quyết tâm không gì lay chuyển nổi, sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, Trầm ngược lên Đắk Lắk xin việc làm. May mắn, trường Mầm non Họa Mi gần nơi Long hành nghề vừa khuyết đúng một chỗ, Trầm được nhận, liền tìm thuê nhà, ngày ngày đưa rước Long đến nơi làm việc trước khi tới lớp. Trong đám cưới tưng bừng xóm đạo, cô dâu quá xinh khích lệ tinh thần chú rể bằng tiết mục đơn ca lạc giọng, hát ngang phè nhưng vẫn khiến nhiều người phải rân rấn nước mắt.

Và con tim đã vui trở lại

Sư phụ của Long là Nguyễn Thái Dương, Chủ nhiệm CLB Thanh niên khuyết tật tỉnh Đắk Lắk. Sau cơn sốt bại liệt tuổi ấu thơ, chân phải teo ngắn, Dương hay bị bạn bè ghẹo về dáng đi chấm phẩy. Vượt qua vô số trở ngại về gia cảnh nghèo khó và định kiến xã hội, khi tốt nghiệp xuất sắc khoa sư phạm chuyên ngành Ghi-ta Cổ điển tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk, Dương không được cấp bằng chỉ vì lãnh đạo nhà trường khi đó nhận thức không đúng chính sách của nhà nước về việc bảo đảm công bằng cho người khuyết tật.

Đám cưới Hưng và Thuyết
Đám cưới Hưng và Thuyết.

Không có bằng cấp, Dương chỉ có thể xin dạy nhạc cho học sinh khuyết tật ở Vi Nhân với mức lương mang tính tượng trưng. Những ngày làm việc ở đây, Dương đem lòng yêu cô giáo Mai Thùy. Nỗi đau lớn nhất của anh lúc bấy giờ, là sự ngăn cản quyết liệt của gia đình cô giáo Mai Thùy đã có bằng Cao đẳng Tật học, chỉ vì sợ con gái mình khổ khi “yêu phải thằng què, không tiền, không sự nghiệp”! Lắm phen những bạn trai mù lòa còn phải che chắn bảo vệ Dương trước những mối đe dọa hành hung.

Phố núi nhiều người thích lui tới Vi Nhân, không chỉ vì tay nghề massage của hơn chục bạn trẻ mù mắt sáng lòng, mà còn vì tình người nơi đây thật nồng ấm. Bạn trẻ khuyết tật nào cũng sẵn chất hài hước lạc quan. Nhóm nhạc “Nhịp sống” toàn những ca sĩ, nhạc công, vũ công khiếm thị, khiếm thính nhưng đầy tài năng do “bầu Dương” gây dựng từng đồng hành cùng nhiều chương trình xã hội của báo Tiền Phong ở khu vực Tây Nguyên.

Rồi với rất nhiều sự can thiệp, trong đó có Ban đại diện báo Tiền Phong với lãnh đạo trường Cao đẳng VHNT Đắk Lắk, kết quả là Dương được cấp bằng tốt nghiệp. Từ đó Dương và Thùy được nhận vào dạy chính thức ở trường Hy Vọng - tên gọi tắt của Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh. Và chuyện tình của họ cuối cùng cũng kết thúc có hậu bằng một đám cưới đơn sơ nhưng rộn rã năm 2006, tạo động lực vui sống cho nhiều bạn trẻ khuyết tật gạt bỏ mặc cảm.

Lần lượt sau đó, nhiều chàng trai mù lòa trưởng thành từ Vi Nhân đã cưới được các cô vợ đẹp cả nết lẫn người: Gia Hưng cưới thôn nữ Vũ Thị Thuyết; Sương cưới Thu Ba nữ văn thư một trường học tận Bình Phước; Hoàng cưới cô phó Chủ tịch Hội Người mù ở tỉnh Nghệ An; Văn Ân cưới cô Hoàng Thị Tiến dạy nhạc họa phổ thông cơ sở; Xuân Quyền vừa lãnh bằng cử nhân Tật học đã có người yêu là giáo viên dạy trẻ khuyết tật ở Đồng Nai. Tổ ấm của chàng khiếm thị nào cũng sinh được những đứa con lành lặn khỏe mạnh. Dù mức thu nhập của những mái ấm đơn sơ ấy chỉ đủ sống đạm bạc nhưng luôn rộn rã tiếng cười và ngập tràn hạnh phúc.

Cô dâu Bích Trầm cầm tay chú rể Xuân Long trong nghi thức rót rượu hồng
Cô dâu Bích Trầm cầm tay chú rể Xuân Long trong nghi thức rót rượu hồng.

Trên 2 chặng đi - về hơn 60 cây số chở các chàng khiếm thị Vi Nhân đến Đông Sơn mừng hôn lễ Long- Trầm, tôi hỏi: Vợ chàng nào tuyệt nhất ? Tất cả nhất trí cộng điểm cho Thuyết vợ Hưng. Thái Dương lém lỉnh: Vợ em nhất về cân nặng, khi mới cưới cô ấy 52, giờ lên 73 ký rồi. Còn vợ Hưng nhất cả về đảm đang lẫn chiều chồng, chị ạ.

Giữa tuần rủ Văn Ân đi cùng, chúng tôi vượt đèo Hà Lan về huyện Krông Buk thăm mái ấm Thuyết-Hưng. Mỗi lần chào vợ ra đón xe buýt chạy lên Vi Nhân thăm cho đỡ nhớ, Gia Hưng thường xách theo chai rượu, nhúm mồi để đàn hát thâu đêm với những người bạn từng giúp đỡ kèm cặp anh trong bao năm đèn sách. Đó là như thầy Dương, thầy Ân. Hưng là người mù đầu tiên học xong chương trình sư phạm Nhạc-Đoàn-Đội của trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Hưng có giọng ca trầm ấm, gợi cảm tới mức từng đè nát mọi tranh cãi hẹp hòi về người mù kém sắc để đoạt giải nhất Tiếng hát truyền hình tỉnh. Hôm mừng đám cưới Long- Trầm, khi hát tới đoạn cuối “Và con tim đã vui trở lại”, giọng Hưng vang rền át cả dàn nhạc điện tử đang mở to quá mức cần thiết, khiến cả hội trường vỗ tay kéo dài như sấm dội…Sau mấy năm xuôi ngược xe buýt mỗi ngày cả trăm cây số dạy học ở Vi Nhân, Gia Hưng lui về mở phòng massage tại nhà. Bé Gia Hiến khi vừa mở mắt chào đời đã cho dòng họ có nhiều người mù lòa bẩm sinh niềm vui thấy được một đứa cháu lành lặn, nay đã lên năm, leo trèo hiếu động không ngừng. Bé thường giành dắt tay ba ra sau vườn xem mẹ tắm cho heo.

Đời bỗng đẹp lạ thường khi chúng tôi nghe tiếng cười giòn giã của vợ chồng Hưng - Thuyết hòa lẫn trong tiếng nước phun đổ xòa mát rượi…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
TPO - Lầu ông Hoàng là một di tích tham quan nổi tiếng tọa lạc trên ngọn đồi tuyệt đẹp ở phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Mặc dù đã được tỉnh Bình Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng đến nay Lầu ông Hoàng có nhiều hạng mục bị xuống cấp, chưa được nâng cấp và trùng tu đúng mức.