Nài voi - nghề 'độc' nguy cơ thất truyền

Nài voi - nghề 'độc' nguy cơ thất truyền
TP - Chăn voi là một trong dăm nghề độc đáo nhất hiện nay. Thế nhưng, đàn voi nhà còn quá ít, nên nghề nài voi vốn đã hiếm việc làm, giờ còn đứng trước nguy cơ chẳng bao lâu nữa, sẽ thất truyền…

> Thả voi sứt về rừng
> Bắt được voi rừng sau 7 ngày truy tìm

Vui buồn cùng voi

Buôn Đôn (Đắk Lắk) những ngày đầu tháng 6 nắng gay gắt, hợp đồng chở khách du lịch bằng voi giảm hẳn. Quản tượng khu du lịch sinh thái Bản Đôn rỗi việc ngồi túm tụm trong lều ngóng khách đến đặt tour.

Nài voi Y Mắt trên lưng voi rừng Cu Sứt để cắt dây trói
Nài voi Y Mắt trên lưng voi rừng Cu Sứt để cắt dây trói .

Nài voi Y Thế thở dài: “Cả tuần nay nắng cháy cây, khô đất, khách đến khu du lịch giảm thì khách đi voi càng hiếm. Gần hết ngày rồi vẫn chưa có  khách nào”. 

Được cha, một thợ săn voi, truyền nghề từ 6 tuổi, Y Thế  là một trong những nài voi giỏi và có nhiều kinh nghiệm. Trước đây nhà Y Thế có voi, kinh tế gia đình ổn định nhờ việc chở khách du lịch. Khi voi mất, nài cũng thất nghiệp. “Nhà có 4 người, hai con nhỏ đang tuổi đi học, nguồn thu nhập chỉ trông chờ vào nương rẫy, làm vất vả quanh năm chẳng đủ ăn, không kiếm việc làm thêm con sẽ phải nghỉ học dở chừng”, Y Thế chia sẻ. Nhờ người quen xin làm công nhân cao su cho một doanh nghiệp, nhưng khao khát được trở lại nghề nài khiến Y Thế đến khu sinh thái xin nài thuê. Vượt qua nhiều nài khác, Y Thế trúng tuyển.

 Giá như để lại 1 - 2 con bầu bạn thì giờ cũng đỡ buồn. Nhớ voi, nhớ nghề nên có người gọi đi chữa bệnh, cúng voi tôi đi ngay. Bữa trước được Vườn quốc gia Yok Đôn mời cúng cho voi Cu Sứt dính bẫy, tôi mừng lắm! ...

Gru Y Khiă

Tiếp quản voi đực một ngà tên Keng nổi tiếng khó tính ở khu sinh thái Bản Đôn hay làm các nài dở khóc dở mếu, Y Thế kể: Đã có lần tôi bị ngã đau vì hôm đó nó làm việc quá sức. Tôi đang dừng lại tháo bành, Keng bất ngờ lắc nhẹ, tôi rơi từ trên mình voi xuống đất đau ê ẩm. Mùa động đực nó hung dữ hơn, không ai dám đến gần. Khách đông đến mấy cũng phải để nó nghỉ trong rừng.

Mỗi con voi có một tính nết, một cách tiếp cận rất riêng mà chỉ nài voi mới hiểu. Một khi nài đã cưỡi lên lưng, voi bướng bỉnh mấy cũng đành ngoan ngoãn nghe theo hiệu lệnh.

Nài voi Y Then quản lý nàng voi hay ghen tên Y Đok ở khu vực Cầu Treo kể:  “Voi đực hung dữ chỉ mùa động đực. Còn nàng voi Y Đok của tôi nổi nóng bất kỳ lúc nào! Những hôm tôi vào rừng đón muộn là nó vùng vằng chẳng khác gì thiếu nữ hờn giận. Phải vừa mềm mỏng, vuốt ve, lại vừa phải dọa nạt, lừa thế tót lên lưng khống chế, nó mới chịu nghe lời. Nài voi không khéo dễ gặp tai nạn như chơi! Y Then đã từng phải nghỉ việc cả tháng vì bị voi đá gãy tay”.

Còn với khách du lịch không quen đà chao đảo như đưa võng theo mỗi bước voi đi rất dễ bị “say voi” chẳng khác gì say tàu xe. Thậm chí có người chỉ chịu đựng được một đoạn là hoa mắt, nôn ói ngất xỉu phải đưa xuống.

Thời oanh liệt nay còn đâu?

Ở Buôn Đôn, số Gru- cách đồng bào M’Nông gọi trân trọng đối với thợ săn voi giỏi - chỉ còn lại có 2 người. Vượt gần trăm cây số, chúng tôi mới tìm được đến nhà Gru Y Khiă ở Buôn Tunr, xã Ea Wer. Từ khi nhà nước cấm săn voi, các Gru hầu như đều phải giải nghệ. Không có con nối dõi, vợ chồng Gru Y Khiă xấp xỉ tuổi thất thập vẫn lam lũ kiếm sống.

Nài voi Ama Bích dạy voi Khăm Bun khi mới săn về
Nài voi Ama Bích dạy voi Khăm Bun khi mới săn về.

Nghe nhắc đến voi, đôi mắt Gru già sáng rực. Ông hào hứng kể chuyện nghề săn voi, nài voi đã theo ông theo suốt cả đời. Săn voi có nhiều luật lệ khắt khe. Trước khi vào rừng phải kiêng gần vợ để giữ cho mình thanh sạch. Phải cúng con gà, ché rượu để xin phép và cầu thần linh phù hộ cuộc săn thành công. Khi bắt được voi về phải làm lễ nhập buôn, đặt tên… Quy định “ cấp hàm” trong nghề săn voi cũng rất đặc biệt: “Hễ bắt được con voi hiếm 1 ngà bên phải sẽ được phong chức tương đương với người đã bắt được 5 con voi. Còn chẳng may bắt phải con voi đực không ngà hay chỉ có 1 ngà bên trái thì phải làm 2 con trâu cúng cả cho voi lẫn cho người”…  Gru Y Khiă khoe, hồi nghề săn voi chưa bị cấm, ngay trong đại ngàn này, ông đã bắt được 36 con voi rừng. Vào rừng bắt voi phải có phường săn gồm 2 - 3 voi nhà, có đợt đi 1 tuần, cũng có khi nằm rừng cả tháng. Bắt voi về thuần dưỡng xong,  phường săn thường bán voi, hoặc chia voi bù tiền theo công săn bắt. Người M’Nông sống vô tư, vô lo, làm bao nhiêu tiêu dùng vui chơi bấy nhiêu nên khi về già, không chỉ nài voi, Gru mà cho dù đến cỡ Vua Voi khét tiếng như Ama Kông cũng không còn sở hữu con voi nào.      

Gru Y Khiă luyến tiếc: “Giá như để lại 1 - 2 con bầu bạn thì giờ cũng đỡ buồn. Nhớ voi, nhớ nghề nên có người gọi đi chữa bệnh, cúng voi tôi đi ngay. Bữa trước được Vườn Quốc gia Yok Đôn mời cúng cho voi Cu Sứt dính bẫy, tôi mừng lắm!”...

Nài nào, voi nấy!

Mỗi con voi được quản lý bởi một nài. Sáng sớm vào rừng đón voi, cho voi ăn rồi buộc bành lên lưng voi để voi chở khách du lịch, chiều tối dỡ bành đưa voi vào rừng nghỉ.

Những nài voi dũng cảm trên voi rừng
Những nài voi dũng cảm trên voi rừng.

Học nghề nài voi phải bắt đầu bằng cách niệm thuộc lòng khẩu lệnh- tất nhiên bằng tiếng M’Nông: đi, dừng lại, quỳ xuống, lội nước, đi nhanh, đi chậm, quẹo phải, quẹo trái, bơi dưới nước... Sau đó đến học cách cùm chân, cột xích, lên xuống, sử dụng dùi sắt cán dài chích vào kẽ tai voi sao cho vừa đủ đau để voi chịu nghe lời, mà không gây thương tích. Nài voi phải yêu voi, hiểu voi và gắn bó cả đời với voi, có khi còn gần gũi với trọn một đời voi lâu dài hơn với… vợ!

Anh Y Lươm Knui, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na huyện Buôn Đôn cho biết: Nài voi là nghề truyền thống, cha truyền con nối. Tiếc rằng cái nghề này chẳng bao lâu nữa khó còn cơ hội lưu truyền. Còn ông Bình - nài voi khu sinh thái hồ Lăk khoe: Tháng 10 tới đây, đội voi huyện Lăk được mời đi Đăk Nông diễu hành trong lễ hội Cồng Chiêng Tây Nguyên.

Được theo chân những nài voi nhận lương ngành kiểm lâm của Vườn quốc gia Yok Đôn vào rừng sâu chứng kiến quá trình vật lộn gian nan để thả Cu Sứt- con voi đực non hoang dã từng bị dính bẫy, trọng thương đến sứt móng thủng vòi sau một tuần chăm sóc chu đáo- về rừng, tôi càng hiểu thấu vai trò không thể thiếu của những nài voi và Gru- thợ săn voi giỏi trong mục tiêu bảo vệ voi nhà lẫn voi rừng. Hai mươi năm trước, cũng chính những Gru này đã tham gia cuộc săn voi điên, áp tải những con voi hung dữ cuồng loạn từ Bình Thuận lên Tây Nguyên. Không chỉ dũng cảm có thừa, mà chính kinh nghiệm và những kỹ năng đặc biệt chỉ có thể tôi luyện được từ thời chuyên đi săn voi rừng trước đây các Gru mới dễ dàng ra lệnh được cho voi, điều khiển voi hành động theo ý muốn của con người. Tiếc thay, khi các Gru già yếu cuối cùng qua đời, nghề nài voi cũng mất, liệu còn ai khống chế được voi rừng, voi điên dẫu dự án Bảo tồn voi còn hiệu lực?        

Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Voi cho biết, cả tỉnh Đắk Lắk hiện còn 53 con voi nhà, thì huyện Buôn Đôn có 30 con, huyện Lắk 23 con, tất cả đều sống bằng nghề phục vụ du lịch. Cứ mỗi voi một nài, nên số người được hưởng lương nài voi cả tỉnh cũng là 53. Còn người được gọi là Gru chỉ còn có 3 cụ. Dự án Bảo tồn voi của 3 tỉnh Đắk Lắk- Nghệ An- Đồng Nai hiện vẫn tiếp tục chờ Bộ NN&PTNT làm thủ tục trình Chính phủ phê duyệt. Riêng Đắk Lắk sau khi rà soát, bổ sung đã đề nghị Chính phủ cấp 80 tỷ đồng để triển khai dự án trong 7 năm.

        
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG