Sửa lời Quốc ca: Hy hữu Lưu Hữu Phước

Sửa lời Quốc ca: Hy hữu Lưu Hữu Phước
TP - ...Câu chuyện với nhạc sĩ Văn Cao trưa ấy có ai đó điểm thoáng thời điểm tháng 7 năm 1976, Việt Nam chính thức thống nhất với việc đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam. Và sau đó Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam cũng long trọng tuyên bố Tiến quân ca là Quốc ca của CHXHCN Việt Nam.

> Sửa Quốc ca: Ngó người... ngẫm ta
> Quốc ca: 'Văn Cao có sửa thì sửa'

Ông bạn đồng nghiệp hỏi khẽ nhạc sĩ Văn Cao rằng thời điểm đó các báo lớn đăng Tiến quân ca là quốc ca nhưng không một báo nào đăng tên tác giả Tiến quân ca là Văn Cao cả?

Quên ( ?) tên tác giả nhưng người ta không quên chú lịch sử ra đời của Tiến quân ca và sự liên quan của ca khúc này với sự thành lập vùng tự do của Việt Minh với cao trào Cách mạng Tháng Tám! Một số báo cũng công phu chú thêm chi tiết những chỉnh sửa về lời và sự thông qua của Quốc hội năm 1955 v.v...

Nhưng suốt buổi, nghe vậy, tôi chỉ thấy nhạc sĩ cười lạt rồi thủng thẳng rằng, trước quên thì giờ nhớ... Rồi chất giọng khàn khàn của ông chợt bật ra từ đây người biết thương người trích từ Mùa xuân đầu tiên...

Nhân đương bàn về quốc ca không thể không đề cập một hiện tượng không phải là hy hữu nữa mà là độc nhất vô nhị chưa có tiền lệ nào trong lịch sử âm nhạc thế giới. Người đó có mặt trong Ban giám khảo cuộc thi sáng tác Quốc ca năm 1981 ấy... là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, tác giả của hai quốc ca của hai chính thể!?

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.

Lưu Hữu Phước (1921- 1989) từng nổi danh với Bạch Đằng Giang, Hội nghị Diên Hồng, Lên đàng... nhưng độc đáo vẫn là Tiếng gọi thanh niên và sau này là Giải phóng miền Nam, Hồn tử sĩ...

Như mọi người đều biết, năm 1965, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước trở lại chiến trường miền Nam. Và cũng năm đó ông viết ca khúc Giải phóng miền Nam. Ca từ cùng giai điệu hào hùng của bài hát này từng vang lên ở khắp hậu phương miền Bắc và các vùng nông thôn thành thị miền Nam trong những năm máu lửa.

Rồi sự kiện Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, thủ đô đóng ở Lộc Ninh (tỉnh Tây Ninh). Ca khúc Giải phóng miền Nam đã được sử dụng là Quốc ca chính thức của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam.

Tiếng gọi Thanh niên ra đời trong không khí Cách mạng Tháng Tám 1945. Giai điệu, tiết tấu đến ca từ như có lửa thúc giục nhiệt huyết quốc dân nhất là tuổi trẻ. Này thanh niên ơi tiến lên dưới cờ giải phóng/ Đồng lòng cùng đi sá gì thân sống...

 “Đúng tâm nguyện của ông nhà tôi là Quốc ca không của riêng ông nên tôi xin hiến tặng Nhà nước, Quốc hội. Đây không đơn thuần là một ca khúc âm nhạc nên gia đình chúng tôi không thể trao tặng cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà chúng tôi muốn trao tặng cho Quốc hội. Vì Quốc hội đã là cơ quan chính thức chọn Tiến quân ca thành Quốc ca Việt Nam năm 1946”. 

Nghiêm Thúy Băng,
phu nhân cố nhạc sĩ Văn Cao

Sau khi âm mưu của Pháp lập chính phủ Nam kỳ quốc thất bại, chính phủ này sử dụng lá cờ biến cải từ cờ quẻ Ly của chính phủ Trần Trọng Kim - cờ nền vàng với quẻ Ly có 3 sọc màu đỏ đứt quãng - thành lá “cờ Nam kỳ quốc” có nền vàng với 3 sọc màu xanh liên tục, tượng trưng cho 3 con sông ở Nam kỳ (Tiền Giang, Hậu Giang và Vàm Cỏ) và sau khi việc điều đình với chính phủ Hồ Chí Minh không thành, vào năm 1949, Pháp cho thành lập chính phủ Quốc gia Việt Nam, mời Bảo Đại về làm Quốc trưởng, Nguyễn Văn Xuân làm Thủ tướng, vội vàng lấy lá “cờ Nam kỳ quốc” - thay đổi màu của 3 sọc xanh thành 3 sọc màu đỏ trên nền cờ màu vàng – trở thành “quốc kỳ”.

Cũng vì hấp tấp thành lập nên họ vội vàng lấy ngay bài Tiếng gọi Thanh niên (đang bị thịnh hành thời đó) của Lưu Hữu Phước làm Quốc ca.

Thế mà cái sự vội vàng ấy lại được các tay tổ chính trị miền Nam chấp thuận và duy trì (?!) Bằng cớ là đến năm 1956, Ngô Đình Diệm do Mỹ đưa về Sài Gòn làm Thủ tướng, truất phế Bảo Đại để lên làm Tổng thống “Việt Nam Cộng hòa”với nền Đệ nhất Cộng hòa, rồi Nguyễn Văn Thiệu với nền Đệ nhị Cộng hòa – tiếp tục sử dụng quốc kỳ và quốc ca của “Quốc gia Việt Nam”.

Tất nhiên phần ca từ của Lưu Hữu Phước cũng được sửa sang còn phần nhạc thì vẫn để nguyên.

Ngay từ năm 1949, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã có đơn thư kịch liệt phản đối và sau này trong thời gian tập kết ngày Bắc đêm Nam, từ thủ đô Hà Nội, tiếng nói của nhạc sĩ trên làn sóng điện Đài Tiếng nói Việt Nam liên tục những lời nặng tiếng nhẹ bác bỏ kể cả giễu cợt này khác nhưng Tiếng gọi thanh niên của ông vẫn cứ bị người bên kia chiến tuyến sử dụng vào một mục đích khác! Cho mãi sau năm 1975, giai điệu Tiếng gọi thanh niên mới được lác đác trở lại với ca từ nguyên gốc của nó!

Nói đến nhạc sĩ tài danh này không thể không nhắc đến Hồn tử sĩ. Nguyên thủy ca khúc nổi tiếng này lúc đầu mang tên Hát giang trường hận để tưởng nhớ nhắc nhở tấm gương tuẫn tiết của vị anh hùng dân tộc Hai Bà Trưng.

Tiết tấu ca từ bi hùng ấy, không biết đến thời điểm nào đã trở thành giai điệu tưởng niệm vang lên ở các buổi tang lễ các chiến sĩ trận vong? Khúc tưởng niệm nổi tiếng này đã trở thành Hồn tử sĩ. Nghe nói thời gian đầu, quân đội Việt Nam Cộng hòa trong các lễ tang tử sĩ cũng từng sử dụng giai điệu bi ai, trầm hùng này?

Nhưng lần năm 1981 ấy, ca khúc Vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (nhạc của Lưu Hữu Phước, lời của Lưu Hữu Phước và Huỳnh Văn Tiểng) dự thi sáng tác Quốc ca đã lặng lẽ khuất âm suốt 32 năm nay! Hình như ở những tài danh, có những cái mốc mà trước đó từng tạo nên thì chính họ sau đó chẳng thể vượt qua?

Chợt nhớ năm 1944, khi quyết định chọn Quốc ca Liên Xô mới, Đại nguyên soái Xtalin đã quay sang nói với nhạc sĩ Shostakovich (một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của Liên Xô ở thế kỷ XX): Âm nhạc của đồng chí nghe rất du dương, hay, nhưng biết làm thế nào, nhạc của Alexandrov nghe trang nghiêm, hào hùng, thích hợp với quốc ca hơn.

Thay lời kết

Sửa lời Quốc ca: Hy hữu Lưu Hữu Phước ảnh 2
 

Nhân tại diễn đàn Quốc hội có người nhắc đến việc sửa lời Quốc ca, cũng kha khá những lời bàn cùng ý kiến này khác! Thôi thì việc trọng ấy cứ để Quốc hội bàn cho rốt ráo...

Tự dưng cuộc gặp nhạc sĩ Văn Cao mùa thu 1991 ấy thêm hằn trong tâm trí... Cũng chợt nhớ lần hầu chuyện trưa đó, khi chúng tôi gạn rằng, về nhạc và lời của Tiến quân ca nếu giờ cho biên tập lại, nhạc sĩ sẽ thêm bớt ở đoạn nào? Ông cười, lắc đầu: “Ngay trong cái đêm tình cờ lần đầu được nghe Tiến quân ca trong một ngõ vắng, tôi có nhận ra được vài chỗ nhịp điệu còn chưa hoàn chỉnh nhưng bài hát đã in ra rồi, bài hát đã phổ biến và không còn là của riêng tôi nữa...”.

Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước...

Đường vinh quang xây xác quân thù

Chợt nhớ thêm giai điệu Quốc ca Cộng hòa Pháp hiện vẫn đương dùng, bài La Marseillais, cái phần điệp khúc ấy...

Tiến lên! Tiến lên. Hãy để cho dòng máu nhơ bẩn (của kẻ thù) tưới đẫm những luống cày của chúng ta!

Và cũng nhớ luôn phát biểu của vị đại biểu Quốc hội nọ cách đây ít ngày tại một phiên họp của kỳ thứ 5 Quốc hội khóa XIII rằng, lời như thế nó sắt máu và không hợp với tình hình bây giờ...

Nhiều bạn đọc đã biết đến nghĩa cử mẫn tiệp của phu nhân cố nhạc sĩ Văn Cao, bà Nghiêm Thuý Băng, lần ấy đã chính thức có thư gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo đó, bà Nghiêm Thuý Băng với tư cách người đại diện gia đình, đang hưởng quyền thừa kế đã trân trọng hiến tặng Đảng, Quốc hội, Nhà nước và công chúng tác phẩm Tiến quân ca được sử dụng làm Quốc ca nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ 1946 đến nay.

Trong thư ấy, bà quả phụ nhạc sĩ Văn Cao đã bộc bạch: “Đúng tâm nguyện của ông nhà tôi là Quốc ca không của riêng ông nên tôi xin hiến tặng Nhà nước, Quốc hội. Đây không đơn thuần là một ca khúc âm nhạc nên gia đình chúng tôi không thể trao tặng cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà chúng tôi muốn trao tặng cho Quốc hội. Vì Quốc hội đã là cơ quan chính thức chọn Tiến quân ca thành Quốc ca Việt Nam năm 1946”.

Vậy bây giờ, sửa hay không là tùy ở Quốc hội? Bởi Quốc hội đã chọn Tiến quân ca là Quốc ca từ năm 1946. Và gần 70 năm nay Đoàn quân Việt Nam đi từng choán trong hồn cốt các thế hệ người Việt...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG