Người dám chống lại lời nguyền của biển

Người dám chống lại lời nguyền của biển
TP - Tàu đánh cá TH 90789 TS trị giá tiền tỷ nằm im lìm nhiều ngày nay trong cảng cá Hòa Lộc (Hậu Lộc - Thanh Hóa). Chủ nhân của nó đang chạy ngược chạy xuôi để vay mượn tiền đổ dầu cho tàu ra khơi. Người dân địa phương đồn thổi: chủ tàu đang bị “thần” biển phạt vì tội cướp mồi!? Còn chủ nhân chiếc tàu vẫn quyết ra khơi, bám biển.

> Ngư dân Phú Yên cứu năm ngư dân Philippines
> Cứu tàu cá và bảy ngư dân sắp chìm trên biển

Anh Nguyễn Văn Tuy tại khoang lái của chiếc tàu cứu 14 mạng người. Ảnh: Hoàng Lam
Anh Nguyễn Văn Tuy tại khoang lái của chiếc tàu cứu 14 mạng người. Ảnh: Hoàng Lam.

Một ngày cuối tháng 3/2013, tại cảng cá Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) thưa thớt tàu nằm bến, vì đang là đợt trúng mùa hải sản của ngư dân. Ấy vậy mà chiếc tàu mang số hiệu TH 90789TS, công suất 450 CV của anh Nguyễn Văn Tuy (SN 1972), ở thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc lại nằm im lìm trong bến.

“Cả họ nhà tôi chẳng ai theo nghề biển. Vậy mà không hiểu sao tôi lại mê đi biển đến mức bỏ nhà trốn trên tàu đánh cá của hàng xóm để được ra biển khi mới 15 tuổi. Từ việc đi làm thuê, rồi góp tiền mua tàu khai thác chung với ngư dân địa phương, tôi thấy cuộc sống nghề biển có thể đủ nuôi sống cho 2 vợ chồng và 5 đứa con. Nay thì thấy lo lắng…”- Nguyễn Văn Tuy bắt đầu câu chuyện duyên nghề biển.

Anh Tuy lo lắng, muốn bỏ nghề biển một phần bởi khó khăn về kinh tế, phần vì lo những lời nguyền của biển mà xưa nay ngư dân đi biển ở địa phương hay truyền tai nhau, kể lại sau hai lần anh cứu 2 tàu cá gặp nạn, cứu được 14 người sống, đưa được 1 người chết vào bờ.

Lần thứ nhất vào ngày 7/1/2013, khoảng 11h, tàu của anh đang đánh bắt ở vùng biển Nghệ An - Thanh Hóa thì nghe tiếng kêu cứu. Anh liền cho lao động trên tàu nhổ neo, chạy lại nơi vọng âm thanh kêu cứu, vớt được 3 người của tàu mang số hiệu NA 93051TS, đang gặp nạn.

Trên tàu này có 8 ngư dân ở xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Anh Tuy trực tiếp lái tàu, hô hào các ngư dân trên tàu của mình tìm kiếm thêm hơn 2 tiếng, sau đó vớt tiếp được 4 người. Người thứ 8 vớt được trong tình trạng đuối nước, nguy kịch- đó là anh Công Thế Tịnh (42 tuổi, ở xã Quỳnh Thọ).

Anh Tuy đang chuẩn bị ngư lưới cụ ra khơi
Anh Tuy đang chuẩn bị ngư lưới cụ ra khơi.

Anh Tuy cùng mọi người đưa người nguy kịch vào ca bin tàu, hô hấp nhân tạo, xoa bóp nhưng khoảng 20 phút sau, anh Tịnh qua đời. Anh Tuy kể, lúc đó anh hoang mang vì nhìn thấy sự sống và cái chết giữa trùng khơi, sóng nước quá gần nhau, mong manh.

Dù chi hết hơn 60 triệu đồng tiền mua dầu cho chuyến đi và mới khai thác được vài chục ki lô gam hải sản, nhưng anh Tuy vẫn đưa nạn nhân Tịnh và các ngư dân Nghệ An bị thương vào bờ.

Không nhận tiền cảm ơn, hỗ trợ chi phí dầu của gia đình nạn nhân, anh Tuy còn vay mượn để trả công cho anh em đi cùng chuyến và cùng người nhà nạn nhân làm lễ cầu hồn cho người xấu số. Anh Tuy bộc bạch: “Người ta gặp nạn mất tàu, mất người, mình có đói kém, nợ nần thêm thì lương tâm cũng không cho phép cầm tiền của họ”.

Nhiều ngư dân ở Ngư Lộc luôn quan niệm rằng: Những người gặp nạn trên biển là vì “thần” biển muốn đưa đi. Người nào mà giành lại những người đó thì “thần” biển sẽ không phù hộ cho khai thác, thậm chí bắt đền lại tính mạng…

Người dám chống lại lời nguyền của biển ảnh 3

Sau chuyến cứu người lần thứ nhất, nhiều anh em làm nghề đã bỏ tàu của anh Tuy đi làm cho tàu khác, vì sợ theo tàu anh sẽ phải thế mạng cho “thần” biển.

Dừng khai thác, đưa tàu đi sửa, làm lễ, cuối tháng 2/2013, vợ anh Tuy đi vay được 40 triệu đồng để anh lại ra khơi. Chuyến đi biển mới được vài ngày, chưa có kết quả thì khoảng 19h ngày 2/3/2013, qua bộ đàm trên tàu, anh nghe tiếng kêu tàu bị chìm, cứu chúng tôi. Anh Tuy chỉ kịp hỏi tọa độ và kéo dù đánh cá, lái tàu về nơi có người kêu cứu.

 Người ta gặp nạn mất tàu, mất người, mình có đói kém, nợ nần thêm thì lương tâm cũng không cho phép cầm tiền của họ.

Anh kể, lúc đó nước mắt anh chảy dài, vì vừa sợ không kịp cứu, tìm thấy người bị nạn, vừa ám ảnh về chuyến cứu người lần trước. Sợ nhất là khi nghĩ đến những câu chuyện về “thần” biển lưu truyền tại quê hương.

Chiếc tàu gặp nạn mang số hiệu TH 90991TS, công suất 320CV, do anh Phạm Văn Hạnh (41 tuổi, ở xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc) vừa là chủ tàu, vừa là thuyền trưởng; trên tàu có 8 lao động. Chiếc tàu này gặp nạn tại vùng biển Vịnh Bắc bộ, cách đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) khoảng 5 hải lý về phía Đông Nam. Thời tiết hôm đó rất lạnh, có mưa gió, sóng to.

“Tôi buông xuôi và thầm nghĩ nếu số mình phải chết thì đành chấp nhận, chứ không thể làm ngơ khi người khác đang kêu cứu. Sau đó, tôi khấn tổ tiên, trời phật cho tôi cứu được người. Sau nhiều giờ vật lộn với sóng to, gió lớn, mưa rét, tàu chúng tôi vớt được 7 ngư dân trên tàu của anh Hạnh. Còn một người thì bị chìm theo tàu khi tàu bị lật úp trước đó. Đưa người bị nạn vào đảo Bạch Long Vĩ để báo cáo với cơ quan chức năng, tiếp đó tôi lại cùng mọi người quay lại để tìm người bị mất tích là anh Lê Văn Thường (34 tuổi, trú tại xã Minh Lộc) trong vòng 2 ngày nhưng không thấy” - anh Tuy nói.

Thêm một chuyến đi biển tốn kém chi phí xăng dầu, ăn uống, trả công cho lao động trên tàu cả thảy hết hơn 100 triệu đồng vì cứu người. Chuyến khai thác này của anh Tuy chẳng những về tay không, mà còn lại nợ nần thêm. Nhưng cũng như lần trước, lần này, anh Tuy kiên quyết không nhận tiền hỗ trợ từ phía người nhà nạn nhân.

Vợ anh Tuy là chị Hoàng Thị Xuyên tâm sự: “Lo nợ nần, lo cho 5 đứa con ăn học. Rồi ám ảnh chuyện người chết khiến anh Tuy mất ngủ hàng đêm. Có nhiều đêm, anh ấy ngồi uống rượu một mình, rồi khóc. Anh nói cứ ngủ là gặp người bơi trên biển kêu cứu. Anh ấy sợ bóng đêm và một mình. Có lúc, nhà tôi tính chuyện bán tàu để trả nợ. Nhưng bén duyên với nghề biển, tình yêu biển của anh ấy lớn lắm, nên anh Tuy vẫn quyết tâm ra khơi. Tôi luôn ủng hộ anh ấy, vì tôi tin anh Tuy đã vượt qua lời nguyền của những người đi biển. Cứu được người là đại hồng phúc rồi mà”.

Ghé thăm chiếc tàu đánh cá của gia đình anh Tuy, nơi các ngư dân bị nạn được anh cứu từng nằm, chúng tôi cầu mong trời đất, người xấu số phù hộ cho anh để anh lại yên tâm ra biển, yên tâm cứu người khi gặp nạn.

“Dù có nhiều khó khăn phía trước, nhưng tôi mong những người đi biển hãy biết đoàn kết, giúp đỡ nhau khi gặp nạn, gặp khó khăn. Còn được ra biển, tôi vẫn còn cứu người gặp nạn, dù lời nguyền có là sự thật”- anh Tuy vừa tâm sự với tôi, vừa treo cờ Tổ quốc lên tàu và chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến vươn khơi, bám biển những ngày tới.

“Dù có nhiều khó khăn phía trước, nhưng tôi mong những người đi biển hãy biết đoàn kết, giúp đỡ nhau khi gặp nạn, gặp khó khăn. Còn được ra biển, tôi vẫn còn cứu người gặp nạn, dù lời nguyền có là sự thật”. Anh Tuy nói

Sau 2 lần cứu tàu, người gặp nạn, anh Tuy được chính quyền xã Ngư Lộc và UBND huyện Hậu Lộc tặng giấy khen, ghi nhận thành tích mà từ trước đến nay chưa có người dân nào ở địa phương đạt được.

Ông Nguyễn Hải Năm - Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc khẳng định: “Nếu anh Tuy không kịp thời, nỗ lực tìm kiếm, cứu người khi nghe tín hiệu kêu cứu thì có lẽ 14 ngư dân của Nghệ An và Thanh Hóa đã bỏ mạng ngoài khơi. Chính quyền địa phương đã đến động viên tinh thần anh Tuy, đồng thời đã làm các hồ sơ cần thiết để anh Tuy được hỗ trợ tiền dầu cứu nạn trên biển theo quy định của Nhà nước.

Hiện nay, bản thân anh Tuy và gia đình cũng đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng, đơn vị, cá nhân động viên, chia sẻ với anh Tuy, để anh tiếp tục được đi biển, làm được nhiều việc ý nghĩa cho gia đình và xã hội”.

Chiều 31/3, ông Bùi Hồng Tài, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hoá cho biết: Trường hợp tàu của anh Nguyễn Văn Tuy ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc vừa cứu sống được 14 người gặp nạn, bơi trên biển, đưa một người bị nạn chết vào bờ sau hai chuyến ra khơi cho thấy tấm lòng và quyết tâm cứu người gặp nạn của anh Tuy rất đáng khâm phục. Chúng tôi sẽ tham mưu cho cơ quan chức năng để có những động viên, khích lệ đối với hành động quyết tâm cứu người của anh Tuy.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.