Khúc bi tráng bên dòng Gianh trước ngày ngừng bắn

Khúc bi tráng bên dòng Gianh trước ngày ngừng bắn
TP - Ngày 13-1-1973, hàng loạt bom Mỹ đánh trúng một bệnh viện dã chiến ở thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), cướp đi sinh mạng của 156 bộ đội, TNXP, cán bộ, công nhân ngành GTVT và người dân địa phương, khi chỉ còn ba ngày nữa là ngừng bắn trên toàn miền Bắc. Đã 40 năm trôi qua, nhưng cái ngày bi tráng ấy vẫn khắc sâu trong tâm khảm những người còn lại.
Nơi trạm xá dã chiến đóng ở thôn Quyết Thắng bị bom Mỹ đánh trúng ngày 13-1-1973
Nơi trạm xá dã chiến đóng ở thôn Quyết Thắng bị bom Mỹ đánh trúng ngày 13-1-1973.

Lũy thép Nam sông Gianh

Nằm ở phía Nam cửa Gianh, những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, xã Thanh Trạch được xem là địa bàn chiến lược trên tuyến đường chi viện cho chiến trường miền Nam.

Cảng Gianh, bến phà Gianh đóng trên địa bàn xã là những điểm nút giao thông tối quan trọng mà ta thì cố giữ, địch thì cố phá, nên nơi đây đã diễn ra những trận chiến giằng co, khốc liệt.

Ông Nguyễn Tiến Quân, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Thanh Trạch, kể: “Ngày đó, cán bộ và nhân dân xã Thanh Trạch không chỉ xe chưa qua nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu xương, mà còn cưu mang, đùm bọc, nhường cơm, sẻ áo cho hàng ngàn lượt bộ đội, TNXP, cán bộ công nhân của ngành GTVT... đồn trú làm nhiệm vụ thường xuyên ở đây. Bom đạn triền miên, hi sinh mất mát từng giờ, nhưng cán bộ, nhân dân xã Thanh Trạch đã cùng nhau sát cánh bên những đơn vị đóng trên địa bàn kiên gan bám trụ để chiến đấu với giặc”.

Theo ông Quân, hàng trăm người dân xã Thanh Trạch đã bị bom Mỹ sát hại. Đầu tháng 9-1967, máy bay Mỹ ồ ạt tấn công toàn xã Thanh Trạch, giết chết gần 100 người dân và cán bộ, công nhân của các đơn vị đóng trên địa bàn. Đau thương nhất đến từ trận bom sáng 13-1-1973.

Ông Quân nhớ lại: “Hồi đó, tôi mới 13 tuổi, đang học cấp hai. Là ngày chủ nhật nên bọn trẻ chúng tôi được nghỉ học. Mới sáng sớm đang ngái ngủ thì nghe tiếng bom rền vang, chiếc giường run lên bần bật hất tung tôi xuống đất. Tôi nhảy tót xuống hầm chữ A trú ẩn. Bom nổ liên hồi không dứt, đất đá trong hầm rơi lả tả. Chừng mười lăm phút, tôi nghe người làng ý ới gọi nhau cháy tàu, cháy cảng rồi, nhanh lên ra cứu ơi bà con. Với bản tính hiếu động của trẻ con, tôi bám gót cha mình chạy theo ra cảng Gianh. Phía đó bom vẫn nổ vang trời, từng cột khói đen bốc lên ngùn ngụt, mùi khét của thuốc bom cay xè sống mũi”.

Nói rồi, ông Quân khịt khịt mũi, giọng trầm hẳn xuống: “Hôm đó là lần đầu tiên trong đời và mãi đến giờ tôi chứng kiến cảnh tang thương không thể tưởng tượng nổi. Phải đến cả trăm người chết và bị thương được mọi người lôi ra từ đống đổ nát, khói lửa. Hàng trăm người bất chấp máy bay Mỹ điên cuồng bay lượn trên trời nhả bom liên tục, lao vào cứu người, cứu hàng”.

Người chết ba lần

Chúng tôi lặn lội tìm về thôn Tuấn Dị, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) tìm gặp ông Lê Tuấn Kéo, người đã quên mình cứu đồng đội, suýt nữa cũng hi sinh trong cái ngày định mệnh ấy.

Theo thống kê của Đảng bộ xã Thanh Trạch, các trận bom ngày 13-1-1973 đã giết chết 156 người, gồm 110 liệt sỹ thuộc các đơn vị bộ đội phòng không, TNXP, GTVT và 46 người dân của thôn Quyết Thắng, trong đó có 12 trẻ em.

Là cán bộ đoàn xã, biết được quyết định của tỉnh Hải Hưng điều động 300 thanh niên để thành lập Đội TNXP vào Nam phục vụ chiến đấu, ông Kéo xung phong lên đường vào ngày 3-6-1972.

Đại đội TNXP của Hải Hưng ngày đó có phiên hiệu 283, gồm hai Đại đội là 2831 và 2832. Ông Kéo được cử làm chính trị viên và bí thư chi bộ Đại đội 2832.

Cả 300 TNXP của Hải Hưng được điều về Nam sông Gianh, đóng quân ở xã Thanh Trạch, cùng với Đội TNXP Cù Chính Lan của Nghệ An, tiểu đoàn pháo cao xạ 214, trạm ra đa của tiểu đoàn Sông Gianh, Đoàn 309 cảng Gianh... làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở đây.

Nhiệm vụ chính của TNXP là cùng với Đoàn 309 cảng Gianh đi tàu nhỏ ra biển vớt gạo thả trôi từ tàu Hồng Kỳ (Trung Quốc), vận chuyển vào cảng Gianh rồi bốc xếp lên ô tô, hoặc thuyền nhỏ ngược sông Gianh lên đường mòn Hồ Chí Minh để chuyển vào Nam.

Khoảng 7 giờ ngày 13-1-1973, như thường lệ, các đơn vị đóng quân ở Thanh Trạch đang làm nhiệm vụ bốc dỡ hàng hóa thì một loạt máy bay F4H, F105, AD6 bất ngờ lao tới ném bom xối xả xuống cảng Gianh, pháo từ hạm đội ngoài biển kết hợp câu vào nổ tung trời.

Ông Kéo (trái) và một đồng đội bị mù mắt trong trận bom ngày 13-1-1973
Ông Kéo (trái) và một đồng đội bị mù mắt trong trận bom ngày 13-1-1973.

“Quá bất ngờ, không kịp trú ẩn nên anh em thương vong khá nhiều, người thì trúng mảnh bom, người thì bị cháy sém do lửa. Thấy anh em quằn quại trong khói lửa, lúc đó những người còn sống sót như chúng tôi cũng không còn nghĩ đến tìm nơi ẩn nấp mà cứ thế lao vào cứu chữa dưới làn bom đạn, người trước ngã xuống, người sau lại lao vào không màng đến sống chết”, ông Kéo kể.

Sau một giờ, đến khoảng 8 giờ sáng, khi mọi người đang cáng liệt sỹ và thương binh vào trạm xá dã chiến đóng ở thôn Quyết Thắng cách đó chừng 1km, mới đi được nửa chặng đường thì một trận bom thứ hai ném trúng giữa đội hình. Lại thêm nhiều người chết và bị thương.

Theo ông Kéo, trận này, người dân Thôn Quyết Thắng chết nhiều vì họ chủ công trong đội hình vận chuyển thương binh, liệt sỹ về trạm xá.

Đến khoảng 11 giờ trưa, khi tất cả thương binh, liệt sỹ đều được chuyển về trạm xá dã chiến, loạt bom thứ ba của máy bay Mỹ lại ném trúng trung tâm của trạm xá.

Trận này chúng dùng đủ loại bom, từ bom tấn, bom tạ, bom bi, bom hơi, bom napan... Gần như toàn bộ thương binh, liệt sỹ và y bác sỹ ở đó bị hất tung lên trời, trạm xá gần như bị xóa sạch không còn dấu vết.

Ông Kéo ngậm ngùi nhớ lại: “Sau khi cùng mọi người sắp xếp xong ở trạm xá, tôi quay trở ra để điểm danh anh em xem ai còn, ai mất, đồng thời có lời trấn an, động viên mọi người trước thảm cảnh vừa diễn ra. Ai ngờ, vừa ra khỏi trạm xá chừng 20m, tôi nghe rào một tiếng và không còn biết trời đất gì nữa. Sau một lúc được mọi người cấp cứu, tỉnh lại mới biết mình bị sức ép của bom hất tung, bay xa cả chục mét. Xung quanh là một cảnh tượng rợn người. Trên những ngọn cây quanh đó là ruột gan, tay chân... treo lủng lẳng, dưới đất thì vương vãi hàng trăm xác người cháy sém, lõa thể, mất đầu, mất chân”.

Nhấp một ngụm trà, hai mắt ngấn lệ, ông Kéo so sánh: “Trong một bài hát chống chiến tranh của Trịnh Công Sơn có câu người chết hai lần, thịt da nát tan nghe đã đau thương lắm rồi, nhưng những trận bom Mỹ ném xuống Thanh Trạch ngày 13-1-1973 đã làm nhiều người phải chết đến ba lần, thịt xương của họ không chỉ nát tan...”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG