Những đôi giầy quận 4

Những đôi giầy quận 4
TP - Với thời trang, những gì làm bằng tay đều có giá trị cao. Những đôi giầy da thật và làm bằng phương pháp thủ công rất đẹp ở quận 4 TPHCM thì ngược lại, dù thời cao điểm
Đìu hiu cửa hàng giầy ở quận 4. Ảnh: T.N.A
Đìu hiu cửa hàng giầy ở quận 4. Ảnh: T.N.A.

các xưởng làm giầy ở quận 4 mỗi năm làm khoảng 1 triệu đôi giầy phục vụ cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Có nhiều câu chuyện vượt ra khỏi đôi giầy.

Nghề truyền đời

Người dân miền Nam nói rằng người Bắc và người Huế khéo tay nên có nghề đóng giầy đẹp. Nghề này đòi hỏi sự công phu, nhẫn nại, nhưng cũng không thể thiếu chút khéo léo và tài hoa. Bố chị Lan vào Sài Gòn từ thời Pháp thuộc, nghiên cứu nghề giầy và mở tiệm ở quận 4.

Chị nói: “Trước năm 1975 tiệm chúng tôi rất đông khách. Hòa bình, có ông bạn làm giầy rủ sang Mỹ nhưng bố tôi ở lại, tham gia hợp tác xã, bao nhiêu máy móc góp vào cho nhà nước cả”.

Ông cụ đã mất, trong nhà ai cũng rất thạo nghề nhưng chỉ một vài người theo nghiệp bố, vì chỉ đóng giầy bán thì không sống được.

Họ giữ một cửa hàng nhỏ tại gia, với mấy kệ giầy, giá bán chỉ từ 400.000 đồng/đôi trở xuống. “Mỗi đôi chỉ lời mấy chục nghìn - chị Lan nói - cửa hàng đủ tiền nuôi dưỡng mẹ tôi. Các anh chị em, mạnh ai lo người nấy”.

Bảng giá giầy dép khâu tay ở quận 4, TPHCM
Bảng giá giầy dép khâu tay ở quận 4, TPHCM.

Có năm họ nhận được hợp đồng với ngành đường sắt, bán vèo mấy trăm đôi. Nhưng thường ngày khách vắng lắm.

“Trước kia chúng tôi nuôi thợ trong nhà, nhưng giờ khách vắng, thợ về nhà thợ. Cứ đặt hàng theo hợp đồng họ ở nhà làm theo mẫu mã và nguyên liệu của chúng tôi, đến hẹn thì giao hàng”.

Theo thời gian, tuổi tác người thợ cũng cao, công việc đình trệ. Sửa đôi giầy có khi phải đợi đến ngày hôm sau mới nhận lại. Chị Lan nói: “Những người thợ thủ công giỏi không còn nhiều”.

Khi tới quận 4 tôi mới biết nhiều người làm giầy tại đây quê gốc Hải Dương. “Chúng tôi là dân của làng giầy mấy trăm năm bác ạ. Khi vào Sài Gòn bèn chọn xứ quận 4 để tiếp tục nghiệp tổ” - họ nói vậy.

Tôi từng về thăm làng làm giầy cổ ở Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Lịch sử làng nghề ấy có mấy trăm năm, người phố Hàng Da ở Hà Nội phần nhiều đều gốc gác hoặc học nghề ở Tứ Kỳ. Bây giờ gặp ở đất Sài Gòn phương Nam con cháu học trò làng ấy vẫn kiên trì nối nghiệp tiền nhân.

"Uống sinh tố hay mua giầy?"

Mỗi khi khách vào cửa hàng, chị Tuyết lại hỏi: “Anh chị uống sinh tố hay mua giầy?”. Số là hàng hóa ế ẩm quá nên chị Tuyết dựng một cái tủ kính đựng hoa quả bán sinh tố ngay cạnh đấy.

Chị Tuyết nói với tôi: “Mấy năm gần đây kinh tế suy thoái, các mặt hàng đều ế ẩm huống chi là giầy”.

Chủ cửa hàng giầy thu nhập từ… bán sinh tố
Chủ cửa hàng giầy thu nhập từ… bán sinh tố .

Chị nói bán mỗi đôi chỉ lời vài ba chục ngàn. “Mặt bằng là của gia đình, không phải thuê cửa hàng, mà còn không chịu nổi!”.

Tiệm giầy Sài Gòn của chị có hơn 200 mẫu giầy làm thủ công, tất cả đều mang nhãn mác Sài Gòn. Khách vào uống sinh tố khá đông nhưng rồi đi luôn.

Chị Tuyết nói: “Hàng Trung Quốc tràn ngập, giá rẻ, hàng chợ, hàng xi giả da, kiểu dáng mẫu mã đủ chủng loại… rất hút thanh niên bây giờ. Khách hàng của chúng tôi lại khác. Phần lớn khách của chúng tôi là trung niên, những người thích dùng giầy da thật, bền, khâu bằng tay, kiểu dáng vừa vặn với khuôn chân và họ thích chung thủy với những thương hiệu mà mình đã chọn. Những người như thế giờ không còn nhiều”.

Một cửa hiệu giầy khá đông khách là tiệm Khánh Hội. Như hình ảnh người ta thường thấy ở các showroom bây giờ, đèn đóm sáng choang, nhân viên khá đông, mẫu mã rất bắt mắt được bày nhan nhản.

Khung cảnh trái ngược với những kệ giày đơn điệu cũ kỹ thậm chí tối tăm của các tiệm giầy quanh đó.

Điều dễ nhận ra của tiệm Khánh Hội là họ bày bán khá nhiều chủng loại giày không do họ sản xuất, chúng mang những tên hiệu nước ngoài.

Chị Nga phụ trách cửa hàng nói: “Cái khó là chúng tôi chủ yếu phục vụ khách nữ. Khách nữ thích ngắm càng nhiều chủng loại càng tốt”. Có lẽ chủ nhân cũng tự tin rằng sau khi so sánh các nhãn mác, giá cả, chất lượng… khách hàng sẽ yên tâm hơn để mua giầy quận 4?

Đi trên giá trị phi vật thể

Một đôi giày khâu tay dưới ánh đèn vàng khè và một đôi giầy sản xuất bằng dây chuyền tự động khác nhau ở điểm nào? Nghề đóng giầy thủ công truyền thống của quận 4 Sài Gòn liệu tồn tại đến bao giờ khi thực tế là “cho thuê cửa hiệu lãi hơn bán giầy”?

Chị Tuyết cho biết: “Nguyên liệu bây giờ khác hồi xưa, nếu sản xuất ra không bán được thì 3 năm đế giày sẽ tự hủy, bỗng dưng mất luôn cả vốn”.

Chị Lan nói cửa hàng giầy sát bên nhà chị đã giải nghệ sau nhiều năm theo nghiệp, như một lời từ giã quyết liệt, để người ta thuê mặt bằng bán bánh mỳ.

Chị Lan giới thiệu mẫu giày nữ làm bằng da thật giá 250.000 đồng
Chị Lan giới thiệu mẫu giày nữ làm bằng da thật giá 250.000 đồng.

Tôi từng nghe nói người Sài Gòn trước kia “sống gấp” nhưng khách hàng Việt kiều tóc bạc vẫn thích mua giầy quận 4 bởi nó bền.

Thanh niên ngày nay nhiều khi mua giầy đi trong vài tháng, đế còn mà quai đứt, thẳng tay vứt không biết tiếc. Chị Tuyết nói: “Không chừng mình làm giầy bền đi mãi không hư hỏng, khách hàng lại khó chịu, bực mình”.

 Nếu có một niềm tự hào đối với người dân quận 4 thì đó chính là nghề làm giầy thủ công.

Anh Ngọc là một người kinh doanh băng đĩa nhạc. Gia đình vợ anh có nghề làm giầy. Anh nói: “Nếu có một niềm tự hào đối với người dân quận 4 thì đó chính là nghề làm giầy thủ công”.

Anh Ngọc nói tay nghề và đẳng cấp của dân quận 4 là điều đã được khẳng định. Chẳng hạn ông Vũ Văn Chầm, một người dân làm giầy quận 4 đã xây dựng nên thương hiệu VinaGiày nổi tiếng khắp nơi.

Nhưng, không phải gia đình nào, doanh nghiệp nào cũng muốn phát triển theo hướng “công nghiệp hóa và hiện đại hóa”, với các dây chuyền, nhà máy sản xuất hàng loạt.

Chị Lan nói: “Sau năm 1975 tất cả các tiệm giầy vào hợp tác cùng sản xuất thì tạo ra các sản phẩm rất chán”.

Nghề làm giầy thủ công quý ở chỗ đo chân đóng giày, tất cả đều làm bằng tay và dựa vào uy tín của từng nghệ nhân, từng cửa hiệu chứ không phải nhờ vào độ tự động hóa của nhà máy.

Quận 4 có khoảng 400 hộ làm giày và hầu như mỗi hộ đều có bí quyết của riêng mình để tồn tại.

Anh Ngọc nói, với người thực sự biết đi giầy thì không bao giờ một đôi giầy làm bằng máy có thể đẹp hơn một đôi giầy khâu tay.

Người dân quận 4 từng sưu tầm rất nhiều kiểu dáng giầy trên thị trường quốc tế về để nghiên cứu và so sánh kỹ thuật, mỹ thuật thì đều tự hào với nhau rằng: “Giầy Việt Nam đẹp hơn, tốt hơn”.

Có thể tôi sẽ đồng ý với anh Ngọc cả hai điều, rằng không gì đẹp bằng giầy khâu tay và không nơi nào làm giầy thủ công đẹp hơn Việt Nam.

Nhưng thực tế lại vẫn có người bỏ cửa hàng giầy để chuyển sang bán bánh mỳ. Sự lựa chọn giữa bánh mỳ hay là giầy vẫn còn là bài toán khiến người quận 4 suy ngẫm.

9 - 2012

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG