Tất tả những ngã rẽ

Tất tả những ngã rẽ
TP - Hơn 3.000 TNXP Thái Bình bị phơi nhiễm chất độc da cam nhưng oái oăm hiện giờ anh chị em vẫn chưa được hưởng chế độ chính sách gì. Biết bao hoàn cảnh số phận thương tâm. Nhiều chị em xuân sắc qua đi, về quê tật bệnh đành ở già. Hàng chục chị ngậm ngùi xuất giá đi tu...

> Mẹ Lụt

13 LS TNXP núi Nấp
13 LS TNXP núi Nấp.

Những câu hỏi của chị Chiến

Chị Nguyễn Thị Hồng Chiến, thường vụ Hội Cựu TNXP Thái Bình, đi TNXP cùng đợt với chị Sửu. Chị Chiến người làng Nguyên Xá. Cái làng độc đáo xứ Bắc lấy họ làm tên làng. Không biết có phải họ Nguyễn nhiều nên làng thành tên? Sau này tránh kỵ húy với các chúa Nguyễn và vua Nguyễn, đổi thành Nguyên Xá.

Những sư thày chùa Thanh Long Tống Thị Nhuần nguyên là đội viên TNXP. Rồi sư bác Vũ Thị M. trụ trì chùa Phương Vĩnh, Kiến Xương, nguyên đội viên TNXP thuộc C4 Đoàn 286 vv... Mỗi một vị xuất gia như thế là trúc trắc những ngả rẽ của thân phận số phận như người ta nói chả mấy hanh thông?

Ngạc nhiên khi biết thêm người thổi kèn trong trận đánh phá càn nổi tiếng 19-8-1950 của làng Nguyễn là người cậu ruột chị Chiến. Trận ấy, người du kích Huy Trừ thổi kèn và anh dũng hy sinh.

Người em trai là Huy Quán tiếp việc thổi kèn cũng hy sinh. Người anh trai cả là Huy Trì thay hai em tiếp tục nổi hiệu kèn xung trận. Chiếc kèn ấy hiện được lưu tại Bảo tàng Quân đội. Đầu làng Nguyên Xá có bức tượng người thổi kèn khá hoành tráng. Nguyên Xá của chị Chiến cũng nổi tiếng đặc sản bánh cáy thương hiệu Thái Bình.

Xong nhiệm kỳ 1965 đến 1968, chài chãi trên những cung chặng trọng điểm giao thông ác liệt ở phía Bắc, chị Chiến có thể về quê nhà. Nhưng chị đã xung phong tiếp một nhiệm kỳ TNXP nữa vào tuyến trong, đó là đường 20 Quyết Thắng có địa điểm sau này trở thành Hang Tám Cô.

Chị Chiến, chị Quỳ (ngoài cùng bên trái và phải) với gia đình mẹ Lụt
Chị Chiến, chị Quỳ (ngoài cùng bên trái và phải) với gia đình mẹ Lụt .

Chị Chiến ở không xa chỗ Hang Tám Cô nhưng bám trụ ở Trà Ang - một trọng điểm ác liệt hơn. Giọng chị như có nước mắt về những thiệt thòi mất mát của TNXP thời hậu chiến. Hơn 3.000 TNXP Thái Bình bị phơi nhiễm chất độc da cam nhưng oái oăm hiện giờ anh chị em vẫn chưa được hưởng chế độ chính sách gì cả (?) Biết bao hoàn cảnh số phận thương tâm.

Nhiều chị em xuân sắc qua đi, về quê tật bệnh đành ở già. Hàng chục chị ngậm ngùi xuất giá đi tu. Số có gia đình thì nhiều chị sinh con không bình thường, dị dạng...

Chị Chiến giọng bức xúc: Tại sao cùng một địa phương như Thái Bình, anh em bộ đội chuyển ngành phục viên phơi nhiễm chất độc da cam được hưởng tiêu chuẩn đãi ngộ này khác nhưng TNXP lại không được? Đối tượng TNXP bị chất độc da cam của những địa phương tỉnh thành khác được hưởng chế độ còn Thái Bình lại không? Nhiều năm rồi đề nghị nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì?

Tôi tìm gặp ông Trương Công Ánh, Chủ tịch hội cựu TNXP Thái Bình hỏi thêm chuyện chế độ của các cựu TNXP Thái Bình lại thua thiệt và trục trặc. Ông Ánh cười buồn rằng, đến như ông từng giữ cương vị Phó Ban TNXP Ban 67 nhiều năm ở chiến trường ác liệt (Ban 67 là tiền thân của Tổng Cty xây dựng Cienco5; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tổ chức T.Ư Tô Huy Rứa từng là quân số của Ban 67) mà hiện giờ vẫn chưa có chế độ gì! Bởi lẽ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định phải có danh sách gốc từ cấp trung đoàn trở lên thì mới giải quyết được!? Không biết vì lý do gì các cựu TNXP Thái Bình, kể cả ông Chủ tịch Hội Trương Công Ánh đã không có tên trong danh sách như Bộ LĐ,TB&XH đã quy định?! Ông Ánh cho rằng, quy định và đòi hỏi ấy là vô lý vì điều kiện chiến trường khi ấy không thể đáp ứng được.

Cho nên 3 dạng quyền lợi tối thiểu của anh chị em dằng dặc hằng bao nhiêu năm vẫn không được giải quyết. Một, nếu bị thương thì giải quyết chế độ thương tật, đủ tiêu chuẩn thì được coi như thương binh. Hai, giải quyết chế độ trợ cấp một lần. Ba, những người độc thân không nơi nương tựa (nhất là chị em) được giải quyết chế độ trợ cấp thường xuyên.

Tôi chưa rõ duyên do những trục trặc này do đâu, lỗi tại ai, công đoạn nào. Ông Ánh cho biết thêm, Hội Cựu TNXP Thái Bình đang đôn đáo phối hợp các cơ quan có trách nhiệm cố gắng đòi quyền lợi hợp pháp chính đáng cho anh chị em.

Tự dưng nhớ thêm chất giọng bình thản pha kính nể và cả chút tiếc nuối của chị Chiến khi nói về anh Sáu Phong nào đó... Nếu không có sự quan tâm sâu sát kịp thời dẫu muộn còn hơn không thì hai năm trước, việc phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho các cô gái Truông Bồn ở Nghệ An và 13 LS TNXP Thái Bình hy sinh ở Núi Nấp Thanh Hóa và nhiều đơn vị cá nhân khác cứ mãi bị quên lãng. Thì ra chị đang nhắc đến nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết!

Một thời sắc nước hương trời

Cũng như chị Chiến, chị Nguyễn Thị Quỳ gánh trọn hai nhiệm kỳ TNXP. Nhiệm kỳ đầu phải phơi mình dưới tầm bom ác liệt ở các trọng điểm Núi Nấp, Núi Nhồi, Hàm Rồng, Ga Minh Khôi, Núi Gôi và hàng chục trọng điểm GTVT những Bãi Cháy Quảng Ninh những Phà Đen Hà Nội, ga Hải Phòng, Cầu Đuống vv... Nhiệm kỳ 2 bắt đầu từ năm 1968, đơn vị TNXP của chị tại đường 12 Trường Sơn ngoài những trận oanh tạc bất thần luôn là tầm ngắm tầm rơi của các đợt bom tọa độ khủng khiếp.

Bám trụ hơn một năm trên những cung đường Trường Sơn, trận oanh tạc ác liệt ở Cha Lo Quảng Bình năm 1969, đơn vị chị 21 người hi sinh, bị thương cũng 21 người.

Riêng chị Quỳ bị thương, phải cắt một phần phổi và gần nửa lá lách, thủng 6 đoạn ruột. Lây lứt hết các trạm phẫu tiền phương các bệnh viện dã chiến, chị được đưa ra Thanh Hóa điều trị, sau này được xếp hạng thương tật 2/4.

Qua những bươn chải gian nan, thương tật, sốt rét, chất độc hóa học suốt 7 năm ở các chiến trường ác liệt là thế nhưng chị Quỳ ở tuổi quá lục tuần vẫn giữ được vóc dáng ưa nhìn. Nói vậy để biết hơn 40 năm trước chị Quỳ phải thuộc dạng sắc nước hương trời? Chuyện tình của chị nghe éo le.

Những ngày bom đạn ác liệt ở Trường Sơn, mối tình đầu đã đến với chị. Đó là một bác sỹ thuộc Binh trạm 14 đường Trường Sơn. Anh quê ở Vụ Bản, Nam Định. Chị Quỳ nhận tin anh hy sinh khi đang điều trị ở Hậu Lộc, Thanh Hóa. Rồi chị ra quân và xây dựng gia đình với một cựu binh, được cử đi học trường tài chính và chuyển về Sở Nông nghiệp Thái Bình.

Năm 1982, chị Quỳ phải về hưu non do vết thương cũ hành hạ. Thi thoảng chị em đồng ngũ ngày trước lại tụ tập chỗ nhà chị, chuyện trò xem ai có khó khăn gì thì tùy cơ mà sẻ chia giúp đỡ... Năm 1995, chị được cử làm Trưởng Ban liên lạc TNXP thị xã Thái Bình. Mười năm sau chị là Phó chủ tịch Hội cựu TNXP của tỉnh. May mắn chị còn có một mái ấm với bốn cháu nội một cháu ngoại.

Đi tu

Chị Quỳ bấm trên bàn tay không hết số chị em TNXP phải ngoặt cuộc đời sang một lối rẽ khác: đi tu. Mới tính sơ sơ đã có 15 chị. Sư thày Hoàng Thị Phương trụ trì chùa Cau Đẻ (chùa mà có cái tên đến ngộ?) ở Vũ Hội, Vũ Thư, Thái Bình là TNXP, trước cùng đơn vị với chị Chiến.

Mãn nhiệm hai kỳ TNXP, chị Phương được chuyển ngành về một xí nghiệp cầu đường. Rồi trở về quê hai bàn tay trắng lại tật bệnh. Tuổi xuân rơi rụng hồi nào... Thấy chị cứ ở vậy, một lần chị Chiến gạn hỏi, chị Phương khóc tâm sự rằng cái Lan cùng đại đội về quê lấy chồng sinh ba lần.

Lần thứ nhất con cổ dính liền vai. Lần thứ hai thì con nửa người nửa vượn. Lần ba thì một cục đỏ hon hỏn. Mình đã làm đường ở nhiều vùng chất độc hóa học thì tránh thế nào được.

Sư thày Đàm Thủy trụ trì một ngôi chùa ở Hưng Hà, Thái Bình. Hồi trước, chị Thủy xinh xắn mau mắn. Về quê bố mẹ mất cả. Mấy người thân tranh nhau đón Thủy về ở cùng. Nhưng Thủy đâu biết người ta đương chăm chắm vào cái cục tiền chế độ mà cô mang về quê ấy.

Chả mấy chốc cục tiền vơi vèo đi. Thế là những nguội lạnh những gằn hắt. Một lần nhục chịu không nổi, Thủy tìm ra bờ sông. Đương sắp lao đầu xuống dòng nước xiết thì may một nhà sư đi ngang qua...

... Đi cùng doanh nhân Lê Doãn Thăng tình nguyện đến với cựu TNXP Thái Bình là nghệ sĩ ưu tú Mạnh Hà. Ông ca sĩ kiêm công việc quản lý (một thời là GĐ Đoàn ca múa nhạc T.Ư) nổi danh cùng thế hệ Trung Kiên, Trung Đức, Thu Hiền với giọng ca bốc lửa những ca khúc Chiếc gậy Trường Sơn, Những ánh sao đêm, Hà Tây quê lụa... Ông đương trao đổi gì đó với các cựu nữ TNXP chuẩn bị cho chương trình văn nghệ Tiếng hát át tiếng bom sắp tới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG