Rừng tàn, biển tiến

Rừng tàn, biển tiến
TP - Rừng ven biển đồng bằng sông Cửu Long đang mất dần. Còn biển thì đang xâm nhập sâu vào đất liền. Chưa bao giờ con đê biển bất lực và bị nghi ngờ như hiện nay.

Biển lùi

Trung tuần tháng 5-2012, chúng tôi đi cùng đoàn chuyên gia của Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên nước khảo sát rừng ngập mặn và đê biển ở ĐBSCL.

Huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) nằm trên hòn cù lao lớn nhất và cuối cùng của sông Hậu, một mặt giáp với biển Đông. Nơi bờ biển, huyện cách tỉnh Trà Vinh phía đông bắc bởi cửa Định An, còn phía tây nam cách huyện khác của tỉnh Sóc Trăng bởi cửa Trần Đề.

Trưởng phòng TN-MT huyện Cù Lao Dung Trần Kim Chưởng cho biết: “Xã An Thạnh Nam giáp biển mỗi năm được bồi thêm khoảng 50 ha”. Ông Chưởng nói thêm, trong lúc xã An Thạnh 1 của huyện ở đầu trên cùng cù lao, dăm năm nay mỗi năm lại bị xói lở mất 1.000-2.000 m2 ruộng vườn.

“Sông Mê Công đang diễn biến phức tạp từ khi có đập thủy điện ngăn dòng chính ở thượng nguồn”, nhận xét của Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia tư vấn độc lập, Thành viên nhóm Đánh giá môi trường chiến lược 12 dự án thủy điện dòng chính Mê Công.

Đất của xã An Thạnh Nam mỗi năm rộng thêm, nhờ giữ được 1.200 ha rừng bần phòng hộ ven biển. Nếu tính cả rừng bần phòng hộ ở xã An Thạnh 3 kế bên, mênh mông bãi biển nơi đây hút mắt một vẻ đẹp hoang sơ kỳ thú.

Người dân địa phương cho biết, phía đuôi cù lao, mấy năm nay xuất hiện cả vạn con dơi quạ, dơi ngựa, tín hiệu môi trường được cải thiện tốt.

Trong lúc đó, xuôi phương nam đến tỉnh Bạc Liêu tiếp theo, tình hình không được như thế. Rừng phòng hộ ở tỉnh Bạc Liêu, so với 3 năm trước đã giảm gần 10%, hiện còn khoảng 4.600 ha; nếu chia đều cho 56 km bờ biển của tỉnh thì chỉ được một dải lơ thơ không còn khả năng bảo vệ bờ biển. Nhưng có nơi rừng còn dày 1,3 km. Nhiều nơi rừng không còn.

Khu vực phường Nhà Mát (TP Bạc Liêu), trước đây mênh mông rừng ngập mặn. Đê biển đầu tiên, nay như đường phố có nhà cửa đông đúc. Đi về phía biển 1-2 cây số, gặp đê thứ hai, vài chục năm trước còn đường đất chạy giữa rừng hoang sơ, nay đã được tráng nhựa, hai bên san sát ao nuôi tôm. Tiếp tục tiến ra biển chừng 1 km, gặp con đê biển thứ ba, nhiều đoạn xây bằng bê tông đứng trơ trọi trước biển.

Ông Nguyễn Kim Huỳnh, 49 tuổi, một vợ 5 con ở phường Nhà Mát, đẩy te bắt tôm cá trên biển, chỉ đoạn đê bê tông ở ấp Giồng Nhãn đứng trơ trọi trước biển, nói, đê đã bể mấy lần do không chịu được sóng.

Ông kể, vào mùa gió chướng, sóng biển cao hơn đê hàng mét “đập không gì chịu nổi”. Trước đây bờ biển nhiều rừng thì nhiều tôm cá, nay ít rừng, mỗi ngày chỉ kiếm được trên dưới trăm ngàn đồng.

Tiến sĩ Dương Văn Ni, giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Đại học Cần Thơ, nói, rừng ngập mặn mà chỉ còn vài đám lơ thơ ngoài đê thì sẽ biến mất.

Tiến sỹ Ni giải thích, rừng ven biển là một hệ thống thực vật hỗn hợp đa dạng liền mạch sống theo diễn thế từ cao xuống thấp, có khả năng tiến và lùi, đê bê tông đã làm đứt mạch sống và chặn mất đường lùi của rừng.

Đê ở Gành Hào kéo nhà dân ra cùng đứng trơ trọi trước biển Ảnh: Sáu Nghệ
Đê ở Gành Hào kéo nhà dân ra cùng đứng trơ trọi trước biển. Ảnh: Sáu Nghệ.

Biển tiến

Con sông Gành Hào, đoạn ngăn cách tỉnh Bạc Liêu với tỉnh Cà Mau, dài khoảng 50 km, đổ ra biển làm nên cảng cá Gành Hào tấp nập tàu thuyền. Non trăm năm trước, hai bên cửa Gành Hào chủ yếu là rừng hoang “Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua”.

Bài hát “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang” của Vũ Đức Sao Biển có câu: “Gành Hào ơi, nửa đêm ai hát lên câu hoài lang/Vầng trăng nghiêng xuống trên vạt rừng tràm (…) Rừng nước mênh mông đêm Gàng Hào chợt thương nhớ ai”. Nay rừng hầu như không còn.

Rừng tàn, biển tiến ảnh 2

Ông Nguyễn Văn Bé ở ấp 1, thị trấn Gành Hào (Đông Hải, Bạc Liêu) kể chuyện dâu bể xảy ra trước mắt ông. Ông Bé sống ở thị trấn Gành Hào từ năm 1970, đã phải chuyển nhà nhiều lần vì bờ sông sạt lở: “Họng cửa Gành Hào ngày trước ngoài đó, có nguyên ấp 1 nhưng đã bị xói lở hết trơn rồi, xói lở mạnh nhất là từ cơn bão số 5, năm 1997.

  Có lẽ đã kết thúc thời kỳ biển lùi, mà theo dấu vết để lại thì có lúc hầu hết ĐBSCL hiện nay chìm trong nước biển. Đang bắt đầu thời kỳ biển tiến, sẽ nhấn chìm trở lại nhiều vùng đất ven biển

Chỗ tôi đang ở đây, trước gọi là ấp 2, có 3 dãy nhà cũng bị xói lở mất 2 dãy khoảng 100 căn. Khi bị xói lở, dân ấp 1 phải dời sâu vô bên trong nữa và ấp 2 cũ được đổi thành ấp 1 bây giờ”.

Sau đợt xói lở dữ dội, cửa biển Gành Hào được xây dựng con đê bê tông, vòng từ ngoài bờ biển vào theo bờ sông, gọi là “lá chắn bảo vệ thị trấn”. Ông Bé nói, trước mắt thấy cũng được bảo vệ an toàn nhưng lâu dài thì không biết thế nào. Nhà ông Bé sát bên đê, vào mùa gió chướng sóng biển cao hơn mặt đê 1-2 m đổ ầm ầm vào cửa nhà.

Cuối năm 2011, nước biển dâng cao ở tỉnh Bạc Liêu được đánh giá là “bất thường”, kèm theo sóng to đã làm chìm ngập cảng cá Gành Hào, cô lập hàng trăm hộ dân.

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Bạc Liêu, đỉnh triều cường tại cửa biển Gành Hào sáng 31-10-2011 là 2,14 m, vượt báo động ba 0,14 m, cao nhất trong vòng hơn 20 năm qua.

Tiến sỹ Lê Anh Tuấn ở Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Đại học Cần Thơ, nói các nghiên cứu đã khẳng định, nước biển còn tiếp tục dâng cao trong rất nhiều năm tới.

Mỏng mảnh thân đê

Cuộc hội thảo “Tham vấn định hướng chiến lược phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu” do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức ngày 30-4 tại Cần Thơ, cũng đặt việc nâng cấp đê biển là một giải pháp khẩn cấp. Các địa phương có biển ở ĐBSCL đều đang đặt kỳ vọng vào đê biển để chống lại nước biển dâng, hạn chế tổn thất do biến đổi khí hậu.

Vùng ven biển ĐBSCL chịu tác động rất mạnh của biến đổi khí hậu, và hậu quả còn nhân lên nếu khi dòng chính sông Mê Công bị đắp loạt đập thủy điện.

Những con đập đã xuất hiện trong các dự án mà chưa có cách gì ngăn cản sẽ hiện diện trong thực tế. Tăng xâm nhập mặn, lũ lụt, cạn kiệt phù sa đi kèm xói lở và giảm nguồn lợi thủy sản là những hậu quả dự đoán được.

Tất cả những điều đó càng làm cho bờ biển dịch chuyển liên tục, không đứng yên. Xây nhiều đê biển bằng bê tông để muốn bắt bờ biển đứng yên là không thể, mà còn làm chết bờ biển như đã làm chết rừng.

Các chuyên gia của Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên nước cho rằng, cần coi trọng đê biển nhưng để ứng phó với biến đổi khí hậu phải coi trọng nhiều giải pháp, sử dụng giải pháp hỗn hợp mới có hiệu quả.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nói, các địa phương phải đánh giá hiện trạng, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp khả thi, “chỉ tập trung đê biển, loại bỏ các giải pháp khác sẽ không thành công”.

Tiến sỹ Dương Văn Ni đặt vấn đề trực tiếp, làm đê biển nhưng không xem nhẹ rừng: “Ở những nơi phải lựa chọn giữa rừng ngập mặn và đê biển, theo tôi nên ưu tiên giữ rừng”.

Rừng là khu đệm bảo vệ đất và bảo vệ cả đê biển, cốt lõi sức sống của biển, yếu tố quyết định tài nguyên phong phú biển, các chuyên gia kết luận, nếu mất rừng thì sinh kế của người dân ven biển cũng mất.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng, hiện cấp trên phải “ôm” và làm thay việc cho cấp dưới quá nhiều, dẫn đến thừa cấp dưới mà thiếu cấp trên. Do đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là cách tốt nhất để giảm sự vụ cho cấp trên, để cấp trên lo việc lớn, còn cấp dưới chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, tránh phải ngồi chờ xin ý kiến, khiến cơ hội trôi đi.