Dưới tán bàng vuông Cồn Cỏ

Âu thuyền trên đảo Cồn Cỏ
Âu thuyền trên đảo Cồn Cỏ
TP - Đảo Cồn Cỏ nằm ngoài khơi vĩ tuyến 17, địa danh nổi tiếng trong chống Mỹ, có ba 'đặc sản' đã trở thành biểu tượng: Cây phong ba, cây bàng vuông và cua đá.
Cồn Cỏ nhìn từ xa
Cồn Cỏ nhìn từ xa.

Bàng vuông là giống bàng rất lạ. Hàng mấy chục cây bàng cổ thụ trăm tuổi giống như trong đất liền, lá đúng lá bàng, nhưng quả của nó thì to nặng như quả thanh trà ở Huế, phần đít quả lại vuông (hoặc lục giác) chứ không như quả bàng nhỏ xíu hình ô van dẹt mà ta thường thấy. Hoa bàng vuông to bằng cái đĩa, cánh trắng và tím li ti rất đẹp.

Giống bàng vuông này ở đảo Trường Sa Lớn cũng có, nhưng Côn Đảo và các đảo gần bờ như Phú Quốc, Bạch Long Vĩ thì không. Có lẽ Cồn Cỏ cùng mạch đất với Trường Sa, mạch đất đảo Việt Nam. Đâu như người ta đã tìm thấy bàng vuông trên ngút ngàn Trường Sơn? Điều lạ lùng là nơi đầu sóng ngọn gió, mùa đông rét buốt, mùa hè không một giọt nước mưa mà bàng vuông vẫn xanh tươi, nở hoa, sai quả. Ngồi dưới tán bàng vuông Cồn Cỏ tôi cứ miên man suy nghĩ về sức sống mãnh liệt, bền bỉ của cây cỏ và con người nơi đây…

Những năm máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc, ở làng tôi còn nghe cả tiếng bom từ Cồn Cỏ vọng về. Những ngày đó tôi đọc thơ Hải Bằng: Mặc phi cơ oanh tạc/Mặc chiến hạm bao vây/Cồn vẫn trổ xanh cây/ Đá vẫn phun ra lửa…

Rồi thơ của Hồ Khải Đại: Sóng gọi hồn ta về với đảo nhỏ/Đảo nhỏ anh hùng Cồn Cỏ ta ơi/Chiến hạm nổi bốn bề sóng gió/Mang trái tim như ngọc chói ngời! Tuổi học sinh, tôi đã thuộc những câu hát của Văn An: Sừng sững chòi cao trên hòn đảo nhỏ/Như ngọn hải đăng bốn mùa sóng gió/Thái Văn A đứng đó…/Yêu đảo như quê giây phút chẳng rời…

Cây bàng vuông trong khuôn viên UBND huyện đảo
Cây bàng vuông trong khuôn viên UBND huyện đảo.

Đảo chứa chan trong ký ức như thế, nên tôi luôn mong ước một lần ra đảo. Sau năm 1975, suốt gần 30 năm Cồn Cỏ vẫn là đảo quân sự, người dân không được ghé vào, trừ những người được phép viếng thăm hoặc ngư dân đi đánh cá gặp bão, được bộ đội đảo cứu hộ. Đảo như bị lãng quên trong cuộc sống kinh tế thị trường. Mãi đến ngày 1-10-2004, Cồn Cỏ mới có quyết định chính thức thành lập huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Trị, nghĩa là đảo chính thức trở thành đảo dân sự.

Đảo Cồn Cỏ cách Cửa Việt hơn 20 hải lý, cách Cửa Tùng 18 hải lý, mùa hạ biển lặng như hồ, thế mà tàu chạy mất hai tiếng đồng hồ mới đến đảo. Từ xa thấy đảo hai phần tách rời nhau, đến gần hóa ra không phải. Đảo Cỏ hiện ra xanh lam thẫm dáng con hổ vồ mặt trời. Càng tới gần, thấy Cồn Cỏ càng mướt xanh đầy sức sống.

Cồn Cỏ là hải đảo duy nhất ở thềm lục địa Việt Nam có hệ sinh thái đa dạng. Rừng ở đây xanh tốt, là loại rừng nhiệt đới với ba tầng cây cỏ và dây leo, nên Cồn Cỏ thực sự là hòn đảo xanh bốn mùa. Thời trước, chiến tranh chống Mỹ, rừng Cồn Cỏ có nhiều loại gỗ quý như lim, gụ, sến, táu… Nhưng bom Mỹ mỗi ngày năm bảy lần trút xuống đảo đã hủy hoại phần lớn rừng trên đảo.

Cầu cảng, âu thuyền Cồn Cỏ đã xây dựng một lần rồi, nhưng bị cuồng phong đánh vỡ, nay Quảng Trị đầu tư 10 tỷ đồng để làm lại. Công trường xây dựng đang sôi động. Ngoài khơi này sóng gió kinh hoàng. Đây là nơi các tàu Kiểm ngư, Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển, tàu đánh cá của dân cập đảo. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là ở Cồn Cỏ đã bắt đầu xây dựng những con phố ngang dọc. Phố rộng, có cả bùng binh, cột đèn đường, đang chờ đổ nhựa.

Bàng vuông, đặc sản Cồn Cỏ
Bàng vuông, đặc sản Cồn Cỏ.

Chúng tôi rẽ vào quán BIN của vợ chồng anh Vĩnh, chị Na (hai người đã có một con trai 17 tháng), một trong những hộ gia đình thanh niên xung phong ra đảo đợt đầu hiện đang thuê một khu đất để mở quán giải khát, ngay trên bờ biển. Quán bán đủ các loại bia, nước giải khát và có cả nước đá.

Đảo chưa có tàu chở hành khách vô đất liền hằng ngày nên tất cả hàng hóa, đá lạnh đều do tàu đánh cá của bà con Cửa Tùng, Cửa Việt chở giúp ra. Vĩnh và Na cho biết, trên đảo hiện có năm quán giải khát và nhậu bình dân như thế. Quán của Vĩnh nuôi cả lợn cỏ thả rong trong vườn.

Đảo đã có lớp mầm non của hai cô giáo Hoàng Thị Thắm, Hoàng Thị Hiếu với 12 cháu, độ tuổi từ 1 đến 5. Nghĩa là cháu lớn nhất sinh năm 2005. Trường mầm non Hoa phong ba trên đảo Cồn Cỏ được xây dựng khá đẹp ở trung tâm làng Thanh niên.

Anh em bộ đội trên đảo kể rằng, Hoàng Thị Hiếu (23 tuổi), quê tận Đắk Lắk, thế mà dám xung phong ra đảo, gan thật. Cô Thắm bảo: So với đất liền, điều kiện dạy và học ngoài đảo còn khó khăn lắm. Chẳng hạn, cùng một lớp nhưng có nhiều độ tuổi, nên phải dạy theo từng nhóm, trong lúc thiết bị, đồ dùng dạy học không đủ; ở đây nắng chang chang mà nước ngọt lại hiếm nên việc tắm rửa cho các cháu hằng ngày rất vất vả. Nhưng nhìn ngôi trường xinh xắn, nghe tiếng trẻ con ríu ran, tôi cứ bâng khuâng nghĩ đến một thế hệ công dân "Cồn Cỏ xịn" đầu tiên đã ra đời. Các em sẽ lớn lên với đảo như cây phong ba, cây bàng vuông tràn trề sinh lực!

Âu thuyền trên đảo Cồn Cỏ
Âu thuyền trên đảo Cồn Cỏ.

Anh Lê Quang Lanh, Bí thư kiêm Chủ tịch huyện đảo luôn nở nụ cười. Anh mộc mạc, chân chất như một ngư dân, nói năng kiệm lời, tiếp chúng tôi ở Văn phòng huyện đảo vừa xây xong, mùi vôi vữa còn nồng. Anh tâm sự: Huyện đảo thành lập sáu năm rồi, nhưng chúng tôi mới có chỗ ở và làm việc trên đảo hơn năm nay. Hiện giờ vẫn phải có một văn phòng đại diện ở Đông Hà. Anh em cán bộ cứ phải đi tàu thủy ra vô theo công việc. Có khi vài tuần mới vào một lần.

Mùa đông, sóng lớn, gió mạnh có khi cả bốn năm tháng mới vô Đông Hà thăm vợ con. Anh em ở đây thường có hai bộ quần áo. Bộ để mặc khi trằn lưng lao động xây dựng đảo, còn có bộ đàng hoàng hơn để vào Đông Hà đi họp, đi bát phố. Kinh tế đảo hiện nay chưa có gì. Chỉ mấy cái quán dịch vụ, đàn bò thì do bộ đội nuôi. Đa số quân và dân đảo đều tăng gia tự túc, trồng rau khoai, rau cải, bầu bí, sắn khoai, nuôi lợn... Bí đỏ trồng ở đảo mỗi năm thu được vài ba tấn quả. Ở Trạm đèn biển có bốn cán bộ trực mà mùa này thu hoạch bí đỏ để đầy cả nửa gian nhà.

Cồn Cỏ mùa hè khan nước lắm. Người ta gọi là "đảo không chim", vì chim ở đảo không có nước để uống, nên chúng bay đi chỗ khác. Vấn đề nước ngọt là sinh tử nhất. Cơ quan, doanh trại bộ đội cũng như nhà dân trên đảo đều phải có bể chứa nước mưa. Một mùa mưa hứng cho đủ nước dùng cả năm. Nên phải xây dựng các bể chứa nước dưới nền hoặc trên tầng, có nhiều gia đình xây bể chứa nước rất lớn, hơn cả diện tích xây nhà.

Mùa đông, sóng lớn, gió mạnh có khi cả bốn năm tháng mới vô Đông Hà thăm vợ con. Anh em ở đây thường có hai bộ quần áo. Bộ để mặc khi trằn lưng lao động xây dựng đảo, còn có bộ đàng hoàng hơn để vào Đông Hà đi họp, đi bát phố 

Thời chiến tranh, bộ đội có đào giếng, nhưng nước bị lơ lớ mặn. Hình như đất đảo không có mạch nước ngầm, nên giếng đào không bao giờ đầy nước, phải chắt từng lon. Hồi đó, tất cả nước cho bộ đội phải tiếp tế từ đất liền cùng với lương thực, vũ khí.

Anh Tiến, con rể dì ruột tôi ở làng Vịnh Mốc, người từng mấy năm ròng tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ kể rằng: Đêm mới đẩy thuyền ra biển. Trên thuyền, ngoài gạo, đạn còn có mấy phi nước lớn. Có gió nam thì căng buồm, không có gió thì chèo, đến bốn giờ sáng thì cập Bến Nghè, giao hàng xong là chèo thuyền về ngay, không được lên đảo.

Những năm 1965 - 1968 chiến tranh khốc liệt nhất, hàng mấy trăm ngư dân các xã biển Vĩnh Giang, Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch, Vĩnh Thái... đêm đêm đóng khố Thạch Sanh đưa con thuyền như niêu cơm đầy ắp tin yêu ra đảo. Nhiều người trong số họ đã anh dũng hy sinh trên đường ra đảo hoặc từ đảo trở về… tất cả đã trở thành muối mặn, thành gió nắng Cồn Cỏ - Cửa Tùng…

Một đêm tôi lần ra phía bờ đất đỏ ngồi lặng ngắm biển đêm hướng về phía Cồn Cỏ. Tôi phát hiện ra dưới bờ đất có những ngôi mộ không tên. Hỏi người dân Vĩnh Quang, họ bảo đó là mộ của những người đi tiếp tế cho Cồn Cỏ bị chết giữa biển, trôi dạt vào. Không ai biết tên tuổi, quê quán của họ. Vì đi tiếp tế cho đảo là không mang bất cứ giấy tờ gì trong người. Người dân ở đây lặng lẽ thắp nhang cho họ. Người lính đảo hôm nay còn nhắc đến những cái tên như đồi Hà Nội, cao điểm Hải Phòng, bến Sông Hương… do lính đặt để nhắc đến Cồn Cỏ một thời là của cả nước và vì cả nước.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG