Anh Hồ Mỹ (thôn Plây Aloa): Đâu đâu cũng làm vàng, chúng tôi không còn đất làm rẫy. |
Sau một tuần trở ra từ các bãi vàng, chúng tôi đặt câu hỏi cho lãnh đạo UBND huyện Phước Sơn: Cấp phép khai thác vàng như hiện nay, được hay mất? Ông Hoàng Hoa - Chánh Văn phòng UBND huyện Phước Sơn, trả lời: Được cái ổn định.
Theo ông Hoa, từ những năm trước, khi chưa được cấp giấy phép khai thác vàng, dân tứ xứ đổ về làm tự do gây nên tình trạng hỗn loạn, từ đó tình hình an ninh trật tự, tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm không thể kiểm soát được. Nay đã cấp giấy phép, doanh nghiệp nào cũng lo quản lý địa bàn nên đỡ hơn.
“Tuy nhiên, không thể nói rằng có được mà không mất. Cái mất có thể ta không nhìn thấy hết, không đo đếm được, đó là ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên, đến cuộc sống người dân. Nhưng tôi vẫn khẳng định, được nhiều hơn mất” - ông Hoàng Hoa nói.
Bản làng nguy cơ sạt lở. Ảnh: Nam Cường |
Ông Chánh văn phòng huyện đã đúng ở bề nổi, trên những con số nhìn và thấy được trên báo cáo là, không còn tình trạng đào đãi trái phép, không còn nạn ma túy, mại dâm chém giết tranh giành lãnh địa trên bãi vàng, và quan trọng nhất, cấp phép cho DN, nhà nước được tiền thuế.
Năm 2009, các DN khai khoáng, chủ yếu là vàng, nộp ngân sách nhà nước gần 2,9 tỷ đồng, trong đó nộp ngân sách địa phương 920 triệu đồng. Chấm hết! Đúng là tình hình bãi vàng giờ đây không còn vô tổ chức như thế kỷ trước, nhưng như chúng tôi đã nói, luật riêng ở những bãi vàng Phước Sơn là tất cả dưới tay cai bãi.
Thượng tá Đào Quang - Trưởng CA huyện Phước Sơn thừa nhận tình hình an ninh trật từ thời gian gần đây ở Phước Sơn đi vào ổn định, kể cả trong lẫn ngoài bãi vàng. Tuy nhiên, theo Thượng tá Quang, nỗi lo lớn nhất bây giờ là nạn dùng cyanua trong đào đãi vàng tràn lan.
Được biết có 15 DN được cấp phép khai thác vàng ở Phước Sơn, trong đó phân nửa DN được phép sử dụng cyanua nồng độ cho phép. Tuy nhiên, mới đây, CA huyện phát hiện 2 DN ở làng Hồi (xã Phước Hiệp) sử dụng cyanua gấp 6 lần cho phép, sau đó đổ thẳng ra sông.
Thượng tá Quang cũng cho hay, từ đầu năm đến nay CA mai phục bắt hàng chục vụ buôn bán trái phép cyanua với khối lượng lên đến hàng tấn. Ai cũng biết, chất kịch độc này có tác dụng rất lớn trong việc phân loại giữa vàng và quặng, nhưng nếu đổ thẳng ra sông, môi trường nước, môi sinh và tài nguyên sẽ bị tàn phá nghiêm trọng.
Cyanua bắt được ở CA huyện Phước Sơn. |
Trên thực tế, sau những gì chúng tôi tận thấy ở các dòng sông, từ Vu Gia đến Thu Bồn hoặc tất cả các nhánh sông khác, có thể kết luận, nhiều con sông ở thượng nguồn Quảng Nam đang biến thành sông chết.
Cấp phép vô tư, khai thác vô tận
Một cán bộ UBND huyện Phước Sơn cho hay, hiện người dân đang rất bức xúc trước việc Cty vàng Phước Sơn đã hết giấy phép, thăm dò khai thác tại mỏ vàng Đăk Sa (xã Phước Đức) nhưng vẫn chưa gia hạn, và con số 4.200 ha đất rừng cấp cho đơn vị này là quá lớn.
Trước đây, nước sông, suối trong vùng xanh sạch lắm, dân làng đi rẫy khát là vục đầu xuống uống được. Nhưng giờ nước sông đục ngầu, đặc hoá chất, chân tay không dám rửa nói gì đến uống. Bây giờ muốn lấy nước sạch phải đi đến những con suối sâu mới có được - Ông Đinh Văn Vía ( 63 tuổi) thôn 3, Phước Chánh, Phước Sơn) cho biết |
Tuy nhiên, ông Hoàng Hoa cho hay, địa phương khó làm gì được, chỉ biết kiến nghị bởi đây là giấy phép do Bộ TNMT cấp. Tuy nhiên, DN này lại kham không nổi, để tình trạng khai thác trái phép diễn ra tràn lan, rồi sau đó làm đơn xin trả lại 30%.
Trước quyền lợi của địa phương bị ảnh hưởng, ông Phạm Thế Quyền - Chủ tịch huyện Phước Sơn đã ký công văn gửi UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị thu hồi 4 ngàn ha. Câu chuyện chưa dừng lại, giấy phép thăm dò của Cty Phước Sơn chỉ có hạn đến 9-1-2010. Nhưng đến nay, trung bình mỗi ngày xe Cty vẫn chở 250 tấn quặng xuống nấu vàng ở Bồng Miêu (Phú Ninh - Tam Kỳ).
Câu chuyện khai thác vàng và cấp phép khai thác tiếp tục nóng bỏng tại phiên họp lần thứ 24 HĐND tỉnh Quảng Nam khoá 12. Nhiều cử tri đề nghị xem xét thu hồi một phần diện tích đã được cấp phép khai thác cho Cty TNHH vàng Phước Sơn do diện tích đã cấp cho Cty này khiến nhân dân không còn đất sản xuất.
Trước đây Cty này được Bộ cho phép thăm dò vàng gốc khu vực xã Phước Đức và Phước Xuân với diện tích 42km2 (4.200ha). Thời gian thăm dò đến hết ngày 9-1-2010 tại giấy phép số 67/GP - BTNMT ngày 10-1-2008. Khi giấy phép thăm dò sắp hết hạn, Cty lập thủ tục xin gia hạn. Tuy nhiên, hồ sơ không có cơ sở để gia hạn theo quy định của Luật khoáng sản.
Do đó ngày 29-4-2010, Cục địa chất và Khoáng sản Việt Nam có công văn số 698/ĐCKS-KS thông báo nội dung việc thăm dò của Cty đã hết hạn, nếu Cty có nhu cầu thuê đất để thăm dò hoặc khai thác khoáng sản thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép và Cty phải bồi thường thiệt hại cho nhân dân theo đúng quy định pháp luật.
UBND tỉnh Quảng Nam kết luận: Các quyền liên quan đến giấy phép thăm dò của Cty TNHH Phước Sơn đã chấm dứt và Cty phải di chuyển toàn bộ tài sản của mình ra khỏi khu vực thăm dò, san lấp, hoàn thổ trả lại hiện trạng ban đầu.
Cũng theo UBND tỉnh, kết quả phân tích môi trường tháng 4-2010 cho thấy riêng đối với hàm lượng chì vượt 1,54 lần. Đối với chất lượng nước mặt tại 15 vị trí ảnh hưởng của việc khai thác vàng tại Đăk Sa, nhiều vị trí có các thông số vượt so với quy chuẩn như: Sắt, Cadminum, chất rắn lơ lửng ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân địa phương.
Sông suối tan hoang . |
Thực tế, hiện nay Cty vàng Phước Sơn vẫn ngày ngày khai phá, chở quặng ra khỏi địa phương. Đại biểu HĐND Trần Văn Miên khẳng định khai thác vàng tràn lan hiện nay là do khâu quản lý. Có nhiều vị trí tại Phước Kim (Phước Sơn) điểm khai thác chỉ cách xã chưa tới 500m nhưng vẫn ngang nhiên khai thác vàng trái phép.
“Mỗi một năm có hơn 11 nghìn tấn Cyannua được sử dụng khai thác vàng sẽ ảnh hưởng như thế nào? Cty vàng Phước Sơn hết thời gian khai thác thăm dò khi nào mới di dời ra ngoài” - Ông Miên bức xúc.
Ông Dương Chí Công - GĐ Sở TNMT tỉnh cho hay Quảng Nam là một trong những tỉnh có nhiều giấy phép khai thác khoáng sản nhất cả nước, toàn tỉnh có hơn 100 đơn vị có giấy phép khai thác khoáng sản, trong đó, đặc biệt là vàng. Tuy nhiên, ông Công cho rằng hiện rất khó quản lý nạn khai thác tràn lan, đặc biệt là những đơn vị không phép, dân tự phát chiếm bãi.
Quảng Nam nhiều rừng, lắm tài nguyên, đặc biệt Phước Sơn là núi vàng. Loạt phóng sự chúng tôi tạm khép lại ở đây khi những câu chuyện buồn, những hệ lụy mà vàng mang lại cho người dân, cho môi trường ở đây cũng như vùng hạ du vẫn còn tiếp diễn.
Anh Hồ Văn Nưa, dân Phước Thành, sống dưới dòng sông Nước Mắt cho biết: “Cá tôm ở sông chết hết vì nước thải từ mấy bãi vàng phía trên chảy về. Giờ muốn có tôm cá ăn phải ra chợ mua đắt đỏ lắm. Mà cá dưới xuôi mang lên sao ngon bằng cá trên mình được!”. Trong ký ức của anh Nưa và nhiều người dân sống dọc sông Nước Mắt, những xâu cá tươi rói, chỉ cần bủa lưới vài lần là đủ ăn cả mấy ngày giờ chỉ còn trong kí ức. Dòng Nước Mắt ô nhiễm, sông suối đang chết dần cuộc sống của người dân trong những thung lũng vàng lại trở nên túng quẫn và thiếu thốn. Cái được về kinh tế chỉ là cái được trước mắt, hệ lụy lâu dài mà dân nghèo đang hằng ngày gánh chịu ai là người tính đến? |