Con yêu cha!

Con yêu cha!
TP - Nhà văn Đỗ Văn Phác, một người dạy học và viết văn ở Thanh Hóa, từng là cộng tác viên của báo Tiền Phong, đang trong cơn trọng bệnh. Tiền Phong trân trọng giới thiệu bài của nhà văn Đỗ Hoàng Diệu viết về cha.
Con yêu cha! ảnh 1
 Hai cha con nhà văn Đỗ Văn Phác - Đỗ Hoàng Diệu - (Ảnh tư liệu gia đình)   

Cha tôi bình dị như tên của ông: Đỗ Văn Phác. Văn ông càng bình dị hơn. Cổ tích làng, Chuyện tình trên sông, Hương đất, Quả ngọt, Khi đàn bà ra tay.

Ông kể những chuyện đời thường, những bi kịch ông chứng kiến trong gần bảy mươi năm bằng giọng văn mô phạm truyền thống. Không ma mị, không giật gân, không huyền ảo, không cay chua.

Có người nói tôi là bản sao của ông, một bản sao đối nghịch. Tôi hằng ước cha tôi cứ thế bên cạnh tôi, cứ thế sống, cứ thế viết, bù cho cuộc đời cái chân chất, hiền lành mà tôi không có hay tôi đã đánh rơi đâu đó trong cuộc sống hiện đại.

Nhưng giờ đây, Thượng đế đang để mặc ông ngồi trên sóng, rải tuyệt vọng vào lòng sâu thẳm, buông neo cuộc đời. Mà gió thì giật, mưa thì rát trên mặt biển đêm vàng vọt trăng già. Tôi nhỏ bé và yếu ớt đứng từ xa, chỉ biết nguyện cầu.

Quãng thời gian này năm trước, khi nhà thơ PhạmTiến Duật qua đời, nhiều bạn bè nhát cha tôi: “Ông Duật trùng ngày tháng năm sinh với ông (14-1-1941), coi chừng!”.

Lúc ấy, tôi cười, cho rằng chuyện nhảm. Không ngờ thế giới này có những liên hệ lạ thường, khiến ta bất lực tìm lời giải.

Dạy học, cha tôi vô cùng nghiêm khắc. Học trò sợ, nói cha tôi ác. Ít ai hiểu, bên trong ánh mắt nghiêm nghị ấy, bên trong lời lẽ đe nạt ấy, lòng ông cuồn cuộn bão.

Hoàn cảnh gia đình, thời cuộc đã dập tắt mọi ước mơ kẻ sĩ. Ông lẳng lặng ngồi trên đỉnh sóng đời mình, nghĩ tới những đứa con và tương lai.

Thượng đế thương cha, con cái không đến nỗi nào. Nhưng lúc có thể an nhàn, sung sướng được, khối u đó lại xuất hiện. Nó chặt đứt nhiều mong ước nơi tôi.

Khi vị bác sĩ chỉ cho tôi vị trí khối u trên phổi cha vào một buổi chiều đầu tháng năm, tôi gần như hóa dại. U đỉnh phổi phải. Cũng khối u đó, vị trí đó đã mang nhà thơ tài hoa họ Phạm xa rời cuộc sống. Và cha tôi…

Chiều hôm đó, cổng Bệnh viện Việt - Pháp vắng lặng lạ lùng. Hoàng hôn bỗng đến sớm trong một ngày dài, đỏ loang chân trời. Tôi gọi điện thoại cho ai đó, tôi nói, tôi khóc, rồi tôi đi. Loạng choạng.

Tia mặt trời cuối cùng như con dao lửa quét nóng bao ký ức xa xôi. Cha tôi đó, chữ đẹp như công múa, bé tí đã viết văn tự thuê khắp vùng.

Cha tôi đó, mười sáu tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, anh cả một đàn em năm đứa. Bỏ học, làm thuê, đói, rét. Bắt đom đóm bỏ chai, đọc sách trong ổ rơm. Học sư phạm, dạy trường làng, mơ ước những đường bay.

Cha tôi đó, ôm tôi trong lòng, đọc truyện ngụ ngôn La- phông- ten mỗi tối ấu thơ. Cha tôi đó, chiếc xe đạp cọc cạch chở tôi băng đèo đến ngôi trường miền núi Như Xuân, ôm chặt tôi trong mùa đông giá rét khu tập thể rách bươm…

Tháng Năm nghiệt ngã, mùa hè nóng sớm hút lên cao từng hy vọng. Cha tôi nghĩ mình chỉ bị lao phổi. Tôi hòa vào niềm tin của cha, chờ đợi kết quả xét nghiệm. Hai lần âm tính.

Phạm Ngọc Tiến đến thăm, nói gọi ngay cho Nguyễn Quang Vinh, rất nhiều người đang uống thuốc ông thầy Vinh giới thiệu. Vinh nhiệt tình, gửi ngay thuốc.

Ông uống, tin, rất tin. Tôi nhen niềm hy vọng. Lần xét nghiệm thứ ba,  không thể chờ bệnh viện thông báo kết quả, tôi đến thẳng khoa Giải phẫu bệnh học, Đại học Y Dược. Kết quả không rõ ràng.

Tôi lao sang Bệnh viện K. Chồng tôi trong tư thế sẵn sàng mang bệnh phẩm bay sang Singapore. Tất cả nỗ lực như con rối đặt trong tay số phận. Thượng đế đã sắp đặt, có lẽ từ khi con người mới hoài thai, một số mệnh.

Không nghiện thuốc lá, không nghiện rượu, không tiếp xúc hóa chất độc hại, chỉ phấn trắng và cây bút nhả mực đen, căn bệnh quái ác đến từ đâu?

Ngày tôi nhận giải thưởng sáng tác đầu tiên trong cuộc đời, năm tôi 11 tuổi, cha tôi không vui. Ông mong con gái quăng mầm mống của đa đoan bất hạnh đó vào cõi hư vô. Nhưng tôi chỉ là một đứa trẻ.

Hết trung học, trục xuất giải Tác phẩm Tuổi xanh, trục xuất ham muốn văn chương khỏi tâm hồn, tôi quả quyết học luật. Cha tôi còng lưng viết báo nuôi con.

Buổi phát thanh Văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam những năm 90, bút ký Đỗ Văn Phác phát thường xuyên. Chiếc xe Babetta cà khổ, ông thuộc mọi cung đường.

Ông không biết, dù đã bị trục xuất, văn chương vẫn âm thầm lén lút cùng con gái. Tôi không thể cưỡng. Cũng như ông không thể làm việc gì khác kiếm tiền ngoài việc viết. Nhưng cha tôi, tôi, chúng ta làm sao viết được số mệnh của chính mình.

Phải điều trị hóa chất, không thể buông xuôi. Cha tôi sợ. Sợ thuốc làm mình suy kiệt, sợ Bệnh viện K. Tôi sợ Bệnh viện K hơn cả cha. Bạn bè chỉ bảo, tôi tìm được bác sĩ tận tình khoa Ung bướu, Bệnh viện E.

Thuốc và thuốc, uống và uống, tiêm và tiêm. Đông tây y kết hợp cúng bái. Bác sĩ Việt kiều nổi tiếng Nguyễn Ý Đức gọi điện về căn dặn: “Liệu pháp tinh thần là quan trọng nhất”.

Cha tôi dần bình tĩnh, đón nhận nghiệt ngã. Mọi người nói tôi trở thành bác sĩ, thuộc lý thuyết làu làu chỉ sau vài tháng cha phát bệnh. Hà Nội – Thanh Hóa, đi về hàng tuần, tôi thuộc tên nhiều bảng hiệu trên quốc lộ Bắc- Nam. Mọi con đường tôi đi đều có hình bóng cha.

Cha tôi đó, gò mình trên xe, gập ghềnh phà Ghép,  đạp tung mưa lũ đến thị xã thăm con gái chín tuổi đang tập huấn để thi học sinh giỏi quốc gia. Con gái nhớ nhà, đòi về, cha lắc đầu.

Cha đạp xe đi trước, con cuốc bộ theo sau. Ba mươi cây số, về tới đầu làng, hai bàn chân tôi thành miếng da lợn ngâm a xít. Cha lặng người. Tôi bật khóc. Từ đó, tôi có quyền làm điều mình thích trong nhiều trường hợp, trong đó có viết văn.

Quốc lộ 1A, đi thẳng, đi  mãi. Nếu đã đi, có thể cha tôi không còn là người viết văn tỉnh lẻ bình dị, và tôi chẳng nảy nòi ngang bướng làm động đậy lá mùa thu văn đàn.

Năm 1978, Cần Thơ ra Thanh Hóa xin người. Làm sếp văn hóa văn nghệ, sẽ được cấp ngay một căn biệt thự trung tá quân đội cũ để lại. Bao nhiêu là mời mọc trong cái đói rơi đói rụng miền Bắc lúc bấy giờ.

Mẹ mếu máo bàn lùi: “Vào trong đó, nếu thầy con Trâm có mệnh hệ gì, mẹ con tôi lấy ai mà nương dựa? Ở đây, còn anh em, họ mạc”. Cũng chính lí do ấy, trước đó mấy năm, cha từ chối đầu quân về báo Tiền Phong.

Mẹ nghĩ xa, nhưng mẹ nghĩ đúng. Cha tôi đau ốm liên miên từ thời trai trẻ. Lẻo khoẻo ngoằng ngoằng, dài lưng tốn vải ăn no lại nằm. Nhà quê ai cũng bảo cha rồi yểu mệnh. Mẹ chăm cha như chăm đứa con đặc biệt ốm yếu.

Di chúc mới viết, cha nói mẹ không chỉ là người vợ, mà còn là người mẹ trong cuộc đời cha. Viết rồi nói, cha thổn thức khóc mỗi lần nghĩ đến mẹ lẻ bóng sau này.

Ông nội tôi mất trong bệnh viện, không đám ma. Thời đó, nhiều người sống chỉ tồn tại, chết không tang ma. Một mình cha, thiếu niên 16 tuổi, ôm bát hương cuốc bộ 30 cây số giữa một đêm mùa đông về căn nhà lá, nơi chỉ còn lại năm đứa em mồ côi.

Năm ngoái, sau 50 năm ông mất, cha tôi làm đám tang ông. Cha quỳ trước bàn thờ, khóc nức trẻ thơ. Những ngày tháng cuối cùng, ông nội tôi chỉ thèm bát cơm vắt ngang con cá trích mà bất lực.

50 năm sau, cha tôi kính cẩn nâng mâm đầy cá thịt, mời ông về, nhưng lẫn vào nhang khói, chỉ là niềm ảo vọng. Bây giờ, cha tôi không thèm cơm, không thèm cá. Cha cần những bàn tay nồng ấm sẻ chia. Cha viết Cổ tích làng.

Trần Đăng Khoa còn nhớ đã cùng Nguyễn Khắc Trường chấm  truyện ngắn ấy  giải cao nhất trong một cuộc thi. Giờ đây, tôi mong ước bà tiên ông bụt, mong ước điều thần diệu.

Ngày xưa có người lóc thịt cánh tay mình để mẹ ăn, cứu mẹ qua cơn đói. Tôi chắc chắn mẹ tôi, các anh chị tôi và tôi sẵn sàng làm điều đó bây giờ nếu khối u kia chịu thoái lui. Cũng như hàng triệu người vợ, người con trên Trái Đất này sẽ làm điều đó vì người thân yêu.

Người đời đúc kết: “Ở hiền gặp lành”. Nhiều người đang gào lên là không phải. Nhưng tôi nghĩ, cha tôi biết ông đang gặp lành. Vì ông có phần trong tim rất nhiều người.

Hai tuần trước, cha tôi đột quỵ, bước vào giai đoạn khó khăn. Một tuần trước đó, báo  Văn Nghệ in bút ký của cha viết về người học trò yêu quý. Anh dù gặp bất hạnh nhưng vẫn vươn lên, đứng trên cao cuộc sống đảo điên.

Cha nói cha viết vì vợ anh bị ung thư gan, cha thương anh quá. Cha nói có lẽ đó là bút ký cuối cùng trong cuộc đời. Cha không biết, cha là một bút ký mãi mãi không kết thúc trong lòng người thân, bạn bè.

Phạm Xuân Nguyên thăm cha, cười cười nói nói say say, ôm cha vào lòng. Nói ông Văn Phác phải lạc quan, phải cười nhiều, đôi khi cuộc sống vẫn có những hoang đường thành sự thật.

Khuôn mặt cha hồng đỏ. Tôi biết cha đang chiến thắng, sẽ chiến thắng khối u trên đỉnh phổi phải của mình.Tối mùa đông ấm sực, đôi mắt cha nghẹn lòng.

Cha yếu đuối. Tôi thấy cha khóc nhiều lần. Cha nói trời sinh ra vậy. Thế mà cha đã ngồi trên sóng biết bao năm để giữ thăng bằng cho chị em tôi, không hề say mửa. Để rồi cuối cùng, hư vô sẽ thả neo…

Cha không là nhà văn nổi tiếng. Cha không quá đặc biệt. Cha giống hàng triệu người cha yêu con khác trên đời. Và cũng như triệu triệu người cha khác, phải từ biệt con cái về hư vô.

Những tác phẩm cha để lại có thể không nhiều người nhắc. Nhưng cha đã đến thế giới này, đã sống một cuộc đời và để lại nhiều mầm sống. Biển chẳng bao giờ hết sóng. Cha ngồi sóng náu lặng một đời.

Tôi đang ngồi sóng, hàng vạn người đang ngồi sóng. Lần lượt, tất cả sẽ buông neo. Lần đầu tiên, tôi nói thành lời: “Con yêu cha”!

Đêm 3 tháng 12 năm 2009                                                                                                                 

MỚI - NÓNG