Trường Thanh rời đất Hà Thành vào năm 1964, lên xứ Lạng lập nghiệp bằng nghề dạy học. Rồi chính mảnh đất này đã cột chặt đời ông với một cô gái Tày huyện Bắc Sơn.
Chính trong lúc bế tắc, trong tiềm thức lại hiện rõ những hình ảnh của các bậc tiền bối, những hình tượng bất tử mà ông tôn thờ. Nó đánh thức lương tâm, trách nhiệm của người cầm bút để chiến thắng mặc cảm lỗi lầm, để tiếp tục gieo mầm sáng tạo và cống hiến trên cánh đồng văn chương. |
Có lần Trường Thanh tâm sự: “Bà nhà tôi, Hoàng Thị Phát đã dạy cho tôi các phong tục, tập quán của người bản địa, giảng giải những sự tích đầy bí ẩn của từng ngọn núi, con suối. Nhưng cảm động hơn, bà là con gái của Chỉ huy trưởng đội Du kích Bắc Sơn, từng đi tù cùng mẹ khi mới ba tuổi.
Vào đêm khuya, thanh vắng, bà nhà tôi hay kể cho tôi về tấm lòng kiên trung của người chiến sĩ cách mạng, về những chiến công oai hùng. Tôi bắt đầu thấy say mê với đề tài lịch sử. Rồi như một định mệnh, tôi cầm bút viết”.
Tác phẩm đầu tay có tên Người thợ cả, ông viết về người chiến sĩ cách mạng bất chấp đòn roi của kẻ thù để vươn lên, đánh đổ áp bức, bóc lột của thực dân.
Ông gửi truyện ngắn dự thi báo Văn nghệ Việt Bắc. Truyện không những được đăng, còn đoạt giải ba. Được đà, ông sáng tác nhiều thể loại, thơ, truyện ngắn, ký, kịch bản sân khấu.
Ngồi trong ngôi nhà số 71, đường Nguyễn Thái Học, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, nhà văn Trường Thanh, nói: “Tôi vừa có chuyến thăm lại quê hương Chi Lăng lịch sử, thăm lại đồng nghiệp và các em học sinh. Nơi đó, tôi có một thời gian sống, công tác thật đẹp. Cũng từ mảnh đất này, tôi đã viết cuốn sách Kỳ tích Chi Lăng”.
Có lẽ, bạn đọc cả nước biết đến Trường Thanh bắt đầu từ cuốn sách này. Những ngọn núi, con suối được ghi danh, xếp hạng di tích, gắn chặt với chiến công oanh liệt trong các trận chiến chống quân Tống - Nguyên - Mông, mà đỉnh cao chói lọi là chiến thắng Chi Lăng, chém đầu Liễu Thăng.
Những câu chuyện không ghi vào chính sử nhưng lưu truyền trong dân gian như: Núi Phượng Hoàng, Núi Mặt quỷ, Mã Yên Sơn, Thành cổ Chi Lăng...cùng với hình tượng nghĩa binh Tày - Nùng có lòng hiếu nghĩa, chí anh hùng, các mối tình trong sáng, tuyệt đẹp, đã được nhà văn thổi hồn, tạo nên những trang sách giàu sáng tạo, độc đáo.
Mấy thế kỷ qua, chưa có ai viết, và rồi mảnh đất này đã chọn Trường Thanh làm người kể chuyện lịch sử, làm sống lại những truyền thuyết, tưởng sẽ bị mai một.
Trường Thanh hào hứng cho biết: “Tôi chỉ là ông giáo làng yêu thích văn học, đã trụ lại ở đây trên con đường thiên lý của đời mình để viết sách. Tôi mày mò hằng tháng trời, đi đến từng con suối, ngọn núi, xin gặp già làng, trưởng bản để sưu tầm, ghi chép tư liệu.
Rồi nhiều đêm thức trắng với 52 mẩu chuyện, in rải rác trên Văn nghệ Việt Bắc từ những năm thập kỷ bảy mươi của thế kỷ trước. Sau đó năm 1981, Nhà xuất bản Thanh Niên đã tập hợp in thành hai tập sách mang tên Kỳ tích Chi Lăng.
Cuốn sách ra đời, lập tức gây tiếng vang, bởi giá trị thời sự và văn học. Tổng Bí thư Trường Chinh khi đó đã viết thư khen ngợi: “Cuốn Kỳ tích Chi Lăng bác đã đọc xong. Bác rất thích những di tích lịch sử và những mẩu chuyện anh hùng, liệt sĩ mà cháu kể trong đó. Bác mong có dịp đến thăm ải Chi Lăng anh hùng và đồng bào trong vùng”.
Một số tác phẩm mới xuất bản |
Từ đó, Trường Thanh bắt đầu được lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn và giới văn chương trong cả nước chú ý. Và một thời gian sau, ông được điều chuyển sang làm lãnh đạo Hội VHNT tỉnh.
Có sân chơi rộng lớn, nhà văn tung hoành với những cuốn sách mang đề tài lịch sử, đến nay đã có 18 đầu sách, trong đó có bảy cuốn tiểu thuyết. Nhiều tác phẩm được tái bản nhiều lần, được dựng thành phim như: Hoa trong bão, Hoa đưa hương nơi đất anh nằm, Ai lên xứ Lạng…
Giải mã chính mình
Trước khi về hưu, nhà văn Trường Thanh đảm nhiệm chức Tổng Biên tập Tạp chí Xứ Lạng, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Lạng Sơn, là ông nghị Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa 11.
Ông được coi là “thuyết khách” số một ở miền biên ải này, chính vì thế, ngoài chuyện viết văn, làm thơ, ông còn là “ông mai, ông mối” của hàng trăm đôi lứa.
Song ít người biết, Trường Thanh có lắm thăng, trầm. Ngày trai trẻ, Trường Thanh lăn lộn với đủ cách mưu sinh, từ làm thợ sửa chữa đồng hồ ở Móng Cái, Cẩm Phả (Quảng Ninh), rồi lưu lạc lên tận khu gang thép Thái Nguyên và mỏ Apatít Lào Cai để làm cửu vạn.
Thời làm nghề giáo, có lúc ông làm Hiệu trưởng lúc lại làm anh đánh trống trường. Cuộc đời ông như con tạo xoay vần, dù khó khăn, gian khổ đến đâu, bản chất vươn lên trong con người Trường Thanh luôn mãnh liệt.
Hàng đêm, bên ngọn đèn trên gác xép, có hai mái đầu bạc, người cặm cụi viết sách, người kề cận chăm sóc từng ly nước, chén cơm. Thêm một lần nữa, bà Hoàng Thị Phát lại giúp ông lấy lại dũng khí của người chuyên sáng tác về đề tài lịch sử cách mạng. Bốn cuốn sách liên tục được xuất bản: Ngôi nhà của cha, Một thời biên ải, Hương Ngàn và Hoa bất tử.
Nhà văn Trường Thanh tự giải mã cuộc đời mình, bằng tâm sự gan ruột: “Chính trong lúc bế tắc, trong tiềm thức lại hiện rõ những hình ảnh của các bậc tiền bối, những hình tượng bất tử mà ông tôn thờ. Nó đánh thức lương tâm, trách nhiệm của người cầm bút để chiến thắng mặc cảm lỗi lầm, để tiếp tục gieo mầm sáng tạo và cống hiến trên cánh đồng văn chương.
Nói rồi, ông tặng tôi cuốn tiểu thuyết Hoa bất tử. Đây là cuốn sách mà nhà văn Trường Thanh đã chuẩn bị tư liệu, ấp ủ trên bốn mươi năm để đến giữa năm 2008 mới bắt đầu cầm bút viết liền một mạch sáu tháng và phát hành đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (4/11/1909- 4/11/2009).
Hoa bất tử là pho sử ghi chép về thân thế, sự nghiệp của Hoàng Văn Thụ, cũng như mối tình huyền thoại giữa người chiến sĩ gang thép ấy với nữ chiến sĩ cộng sản Phạm Thị Vân (mật danh Hoàng Ngân).
Nhiều chi tiết đắt giá, được nhà văn khắc họa như “Trước khi ra pháp trường, Hoàng Văn Thụ còn nhờ bạn tù gửi chiếc áo len do Hoàng Ngân đan cho Tổng Bí thư Trường Chinh, và gửi thư vĩnh biệt cùng bài nhơ “Nhắn bạn” nổi tiếng cho người vợ chưa cưới thân yêu của mình”. Nhà văn Trường Thanh rưng rưng nhớ lại và kể.
Ông cho biết, từ những năm đầu của thập kỷ 60 của thế kỷ trước, khi đi dạy học, được đến mảnh đất Bắc Sơn, Văn Lãng (quê hương của Hoàng Văn Thụ), ông đã chú ý đến bài thơ “Nhắn bạn”, rồi ông may mắn được gặp các bậc tiền bối cách mạng.
Năm 1994, Trường Thanh và một số thành viên trong Ban Biên tập cuốn sách “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Lạng Sơn” được tỉnh cử đi công tác ở Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc), được tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu nhiều tư liệu quý về Bác Hồ, về đồng chí Hoàng Văn Thụ.
Rồi hai tháng rong ruổi đi các tỉnh: Hà Nội, Hà Tây, Bắc Giang, Hải Phòng, Hưng Yên đã cho ông nhiều tư liệu quý.
Mặc dù, tuổi cao, sức đã giảm, song Trường Thanh vẫn hăm hở cóp nhặt tư liệu, và viết sách. Ông sung sướng khoe cuốn tiểu thuyết Phò mã Động Giáp kể về một gia đình người Tày, họ Giáp ở Lạng Châu vào thế kỷ thứ X, có tới ba ông cháu, cha con làm phò mã vương triều Lý, được giao trọng trách cai quản, chấn hưng vùng đất biên cương.
Tuy mới viết được chừng 200 trang sách, chiếm chừng một nửa, song Tạp chí “Người Hà Nội” (Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội) hiện đã đăng ba kỳ liên tiếp.
Ngày 12/6/2009, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị đã viết thư gửi nhà văn, trong đó có đoạn: Tôi xin bày tỏ sự trân trọng trước tâm huyết và thành quả sáng tạo mà ông đã dành cho đề tài lịch sử - cách mạng trong suốt ba thập kỷ qua. Tôi cũng mong muốn và chúc ông kịp hoàn thành cuốn tiểu thuyết Phò mã Động Giáp để ra mắt nhân dân thủ đô và cả nước vào dịp Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Nhà văn hít một hơi thật sâu, rồi xin phép lên gác để tiếp tục cày trên cánh đồng văn chương của mình. Ông bảo, bây giờ thời gian gấp gáp lắm, ông phải tranh thủ giải mã tiếp những kho báu trên mảnh đất biên cương Tổ quốc.
Xứ Lạng, thu 2009