Trên đường cáp treo cao và dài nhất thế giới

Trên đường cáp treo cao và dài nhất thế giới
TP - ...Cuối cùng, vị đại diện Sách kỷ lục thế giới Guinness, bà Lucia Sinigagliesi cũng không kịp có mặt tại Bà Nà sáng 25/3/2009 để trao Chứng nhận hai kỷ lục thế giới cho cáp treo Bà Nà.
Trên đường cáp treo cao và dài nhất thế giới ảnh 1
Cáp treo Bà Nà được sách Kỷ lục Guinness công nhận là cao và dài nhất thế giới. Ảnh: Trần Tuấn

Nhưng có vẻ điều đó không khiến hàng ngàn vị khách có mặt bớt đi hào hứng khi chờ đợi phút giây được bước lên làm một chuyến du ngoạn trên dây cáp treo một lúc giành hai kỷ lục thế giới, mà như thông cáo đã đăng tải trước đó tại trang web của Guinness, đó là: “Longest & Highest Non-Stop Cable Car”, tạm dịch là “Cáp treo chạy không ngừng dài nhất và cao nhất”.

Là cáp treo một dây dài nhất thế giới: 5.042 mét. Là cáp treo có độ chênh lệch cao nhất thế giới: 1.292 mét. Đơn giản là chuyến du ngoạn ngắm non bồng núi thúy cao chót vót tới gần 1,3 cây số giữa lưng trời, trên đoạn đường dài nhỉnh hơn 5 cây số!    

Dưới chân thác Suối Mơ cách mặt biển 35 m, sợi cáp bắt đầu rùng rùng chuyển động. Hơi hẫng một chút khi ra ngoài khoảng không, những cabin đủ màu sắc như đang bơi theo luồng gió mỗi lúc một hào phóng lùa qua khe cửa kính trên đầu đem theo một chút sương mây.

Đang độ cuối xuân, cơ man những lộc nõn trên tầng chóp đỉnh rừng nguyên sinh, nào xanh vàng đỏ trắng cứ trôi dần bên dưới. Thoắt ẩn hiện khe những suối với từng phiến đá khổng lồ mà giờ nom chỉ bé như đang bày nơi khuôn viên bể cá. Ai đó trong cabin thốt lên: “Giá mai mốt dưới kia người ta bủa rào vây lưới khoanh vùng lại và thả thú rừng cho đi lại nghênh ngang thì tuyệt”.

Con đường hiểm trở ngặt nghèo dài ngót hai chục cây số với 330 cú “giật cùi chỏ” (cua tay áo) mà cánh lái xe hay đùa “bất đáo Bà Nà phi... tài xế” đang trốn tìm đâu đó dưới bạt ngàn xanh kia, nhưng tôi biết, lúc này cũng đang có cả ngàn cặp mắt trên suốt 94 cabin lơ lửng tầng giời này đang dòm dỏi kiếm tìm.

Nhớ thời điểm trước năm 1997, lên Bà Nà chỉ có cách hì hục leo bộ ngót hai ngày trời theo con đường đất dốc đứng bốn, năm mươi độ do người Pháp để lại từ cả thế kỷ trước. Rồi sau này là những lần phóng xe máy luồn lách giữa đất đá lởm chởm những ngày mở đường với một bên là vách vực hun hút ghê người.

Khi đường sá hoàn thành, lại là những chuyến nôn nao vặn lưng trên xe ôtô theo từng cú giật vô lăng của các bác tài. Cũng không nhớ rõ bao nhiêu bận đã viết về Bà Nà. Viết với cảm khái hào hứng của một kẻ ham khám phá vùng đất vùng trời mới.

Nhưng thú thực, với tôi dần dà thay vào đó là nỗi ngao ngán trước sự bê tông hóa rầm rộ của Bà Nà về sau này với những nóc tôn xanh đỏ, với đủ kiểu kiến trúc, với cả những chầu karaoke nhão nhoẹt trên đỉnh núi vốn dĩ quá phí phạm để dùng vào việc ấy.

Người ta lúng túng và khó khăn trong việc khai thác kinh doanh Bà Nà, phần nhiều cũng vì đường sá hiểm trở, du khách thưa vắng. Đến nỗi có dạo không ít nơi râm ran cái câu: “Không đi không biết Bà Nà…”.

Nhưng bây giờ thì, một chuyến đi thế này không thể bỏ lỡ, bởi dù chỉ vỏn vẹn chỉ 15 phút ngồi trên lưng giời nhìn ngắm núi non là đã đến đỉnh, nhưng phải đi để tìm lại cái cảm khái ngày nào đã mất. 

Giữa bốn màn kính trong suốt lúc mờ lúc đậm hơi sương, thế nào lại nhớ tới thiên ký sự “Bà Nà du ký” của nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa đăng trên tạp chí Nam Phong số 163 - tháng 6/1931. Bà Huỳnh đã được sách kỷ lục Việt Nam ghi danh là nhà văn nữ đầu tiên của Việt Nam viết tiểu thuyết bằng Quốc ngữ.

Bà gốc Đà Nẵng, cũng là một trong những người phụ nữ tiên phong cắt tóc ngắn, đi xe đạp và làm báo mà Tiền Phong đã từng có bài giới thiệu. Trong bài ký có tuổi đời ngót tám mươi năm ấy, thấy kể ông bà Huỳnh và các trẻ lên chơi Bà Nà trên hai kiệu (loại kiệu 6 phu khiêng).

Tiện thể xin trích lục một đoạn thế này:“Đến như mấy người khiêng gánh nặng nề mà cũng không thấy đổ mồ hôi vì mệt nhọc, càng lên cao thì càng mát, thanh khí nhẹ nhàng, làm cho tinh thần khoan khoái, mường tượng như giữa tiết trời xuân ở xứ Hàn đới, khác hẳn với Tourane đương gần ngày hạ chí vậy.

Ngồi trên kiệu ngó xuống đường, bên thì sườn núi vắt vẻo, bên thì hố sâu thăm thẳm, những cây cao lớn mọc đầy la liệt, thành hàng ngay thẳng, ngó chẳng khác chi binh lính bồng súng đứng chào, còn các thứ ký sinh trùng như dây tơ hồng, chàm gởi, khô mộc, ổ rồng bám trên cành cổ thụ lủng lẳng, chằng chịt như treo đèn kết hoa, trông rất ngoạn mục, có chỗ đi qua mùi thơm sực nức, mà tìm không thấy hoa gì, có lẽ hoa lan mọc trong hang sâu chăng”.

Những người phu khiêng kiệu thời ấy, giờ có còn ai? Từ tháng 1/1901, đại úy thủy quân lục chiến Pháp Marin Debay, với nhiệm vụ tìm nơi nghỉ dưỡng cho người Pháp ở Trung kỳ theo yêu cầu của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, đã là người châu Âu đầu tiên đặt chân đến nơi này.

Trên đường cáp treo cao và dài nhất thế giới ảnh 2
Hầm rượu Debay trên đỉnh Bà Nà Ảnh: Tr.T

Ngày 2/10/1902, trong lúc xây cầu ở ngã ba tại độ cao 850m (km28), trung úy Dechert - một trong số cộng sự ít ỏi của Debay đã qua đời sau một tai nạn.

Cú tai nạn ấy, cùng với nhiều lý do khách quan, khiến Bà Nà lại chìm vào sương khói. Phải ngót hai chục năm sau, Bà Nà mới thực sự sôi động với trên 200 căn nhà và biệt thự cùng bưu điện, nhà băng, sân quần, sàn nhảy, rạp phim... mà đóng góp đáng kể là các nhà tư bản, nhà buôn lớn, trong đó có nhà Morin vốn lừng lẫy bởi khắp các khách sạn từ Bắc chí Nam hồi đầu thế kỷ XX.

Chính nhà Morin mà đại bản doanh thời ấy ở Đà Nẵng là vị trí khách sạn Bạch Đằng bên bờ sông Hàn ngày nay, là người đầu tiên kinh doanh đi lại lên Bà Nà bằng kiệu. Khách muốn đi phải đăng ký trước giờ khởi hành 48 tiếng. Mỗi hành khách có thể đem theo khoảng 30kg. Mỗi chuyến có thể nhận 10 hành khách.

Thời đó chỉ có giới thực nhiều tiền mới đi được lên Bà Nà, bởi  vì giá 1 ang lúa (6kg) chỉ có 5 xu, tính ra gần 4 tạ lúa cho một suất đi lên đến Bà Nà; còn theo thời giá bây giờ cứ tạm đem nhân cho 4 ngàn đồng mỗi ký cũng phải mất 2 triệu đồng mỗi người.

Nay thì 8 người ngồi một khoang cabin cho cái đường dây cáp thép lực lưỡng này nó “kiệu” lên tới đỉnh chỉ mất có 15 phút và 1 trăm ngàn đồng tiền vé đi về cho người lớn, 80 ngàn cho trẻ em. Ba trăm tỷ đồng đầu tư vào những cái “kiệu” lên giời này kể cũng đáng.

...Lâu lâu, những người ngồi trong cabin lại hơi ... thót tim mỗi khi đến đoạn lên dốc, thả dốc của đường cáp. Có cảm giác ù tai như đang ngồi trên máy bay. Cây cầu mang tên Debay giờ khuất lấp đâu đó dưới kia.

Tôi nhớ từng có vài đêm buốt lạnh ngồi bên Hầm rượu Debay ở khu Bà Nà By Night gần đỉnh núi. Hầm rượu bằng đá theo lối Pháp với thiết kế kiểu hang động rất kỳ thú được xây từ năm 1923, và được phục chế mở rộng vào năm 2000. Một hầm rượu, một cây cầu ghi công viên đại uý Pháp đã khám phá ra Bà Nà!

Lại nhớ câu chuyện khi nãy với những người vừa làm ra công trình cáp treo kỳ vĩ này. Vũ Huy Thắng - 42 tuổi, Giám đốc Cty Dịch vụ cáp treo Bà Nà, người Hà Nội, kể: “Thật khó để nhớ lại hết những khó khăn trong quá trình khảo sát lắp đặt tuyến cáp treo này. Địa hình dốc, mưa lũ kéo dài, kỹ sư, công nhân phải nằm lại rừng rất nhiều ngày, phải nhờ người dân địa phương giúp tìm vị trí.

Trên đường cáp treo cao và dài nhất thế giới ảnh 3
Lên Bà Nà bằng kiệu cách đây 100 năm. Ảnh: T.L

Để vận chuyển hơn 7.000 tấn vật liệu xây dựng và vật tư thiết bị, trong đó có 380 tấn thép trụ và 116 tấn dây cáp vào sâu giữa rừng núi hiểm trở địa thế hiểm nghèo, trong khi vì lý do giữ rừng nguyên sinh không thể mở đường công vụ cũng là cả một câu chuyện. Phải sang Thụy Sĩ, Áo tìm hiểu cách người ta vận chuyển thiết bị lên núi Alps làm cáp treo thế nào.

Không thể mua những thiết bị vận chuyển của họ vì quá đắt, tới 1,5 triệu euro, nên anh em đã lén “ghi nhớ” vào đầu để về tự chế ra thiết bị dùng cho Bà Nà. Rồi yêu cầu kỹ thuật của quá trình kéo cáp cũng rất ngặt nghèo, đỉnh của 22 trụ khi hoàn tất phải nằm trên một đường thẳng dài 5km với sai số không quá… 10 milimét! Bởi vậy, có những móng trụ phải mất cả tháng trời mới định vị được”.

Ròng rã tròn một năm trời thi công lắp đặt, đến 31/12/2008, ca bin đầu tiên được vận hành đúng tiến độ. Doppeelmayr (Áo)- nhà cung cấp cáp treo Bà Nà hiện tại cũng đã từng lắp đặt cáp treo tại Lâm Đồng, Bình Thuận, chùa Hương..., và đường cáp dài 700 m từ đồi Vọng Nguyệt lên đỉnh Bà Nà từ năm 2000. Hiện đường cáp Bà Nà cũ đã được gỡ, để chuẩn bị đầu tư lại đường cáp mới hiện đại hơn lên đến hàng trăm tỷ.

Đặng Minh Trường - Chủ tịch HĐQT Cty CP Dịch vụ cáp treo Bà Nà, một chàng trai sinh năm 1971 quê Hà Nội tỉnh bơ nói với báo giới: “Chúng tôi không khó khăn khi quyết định đầu tư vào Bà Nà”.

Sau nhiều thua lỗ, các doanh nghiệp đầu tư vào đây đã rút lui, nhường “sân chơi” Bà Nà lại cho công ty này. Một Bà Nà với những loại hình dịch vụ mới và chuyên nghiệp thực thụ, hy vọng sẽ không còn là chuyện xa vời. 

...Đã tới đỉnh, từ ca bin phía trước Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tươi cười bước ra vẫy chào mọi người. Nhớ câu tâm sự khi nãy của ông với mọi người trước lúc cắt băng khai trương dưới chân Suối Mơ, rằng mười năm trước ông đã có một đêm nghỉ tại Bà Nà, thấy mọi chuyện còn khó khăn. Nay thì chuyện người dân và du khách buổi sáng tắm biển, chiều lên Bà Nà hưởng không khí tuyệt vời của núi rừng đã thực sự thuận tiện, đơn giản hơn nhiều...

Bà Nà, 25/3/2009

MỚI - NÓNG