Nhà máy xử lý rác 'chết' chìm trong rác

Dây chuyền phân loại rác nhập từ Đức trị giá 30 tỷ đồng đang im lìm. ẢNH: HOÀ HỘI
Dây chuyền phân loại rác nhập từ Đức trị giá 30 tỷ đồng đang im lìm. ẢNH: HOÀ HỘI
TP - Cách đây 4 năm, Nhà máy xử lý rác thải Phương Thảo được xây dựng ở xã Hòa Phú (Long Hồ, Vĩnh Long), được xem là hiện đại nhất ĐBSCL. Nhưng hiện nhà máy đang chìm khuất trong núi rác lộ thiên bên cạnh, với mùi hôi thối nồng nặc.

Trăm tỷ trùm mềm

Bãi rác Hòa Phú hình thành từ năm 1997, cách quốc lộ khoảng 200m, đã gây ô nhiễm trầm trọng cho khu dân cư đông đúc gần đấy. 

Tỉnh Vĩnh Long tha thiết kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác và cuối năm 2009, Cty Cổ phần Đầu tư Phát triển Phương Thảo (Cty Phương Thảo) hưởng ứng, xây dựng nhà máy xử lý rác thải ngay tại bãi rác, vốn đầu tư 238 tỷ đồng, trên diện tích 8 ha. 

Cuối năm 2011, nhà máy hoàn thành đưa vào chạy thử nghiệm với công suất thiết kế 300 tấn/8 giờ, có 65 công nhân, hệ thống dây chuyền phân loại rác nhập từ Đức, làm ra phân compost.

Tuy nhiên, giữa Cty Phương Thảo và UBND tỉnh không thống nhất được giá xử lý rác. Mãi đến tháng 4/2013, UBND tỉnh Vĩnh Long mới ký hợp đồng cho Cty Phương Thảo xử lý rác mỗi ngày 100 tấn với giá 240.000 đồng/tấn, kéo dài chỉ 6 tháng. 

Bà Liêu Cát Phương Thảo, Tổng giám đốc Cty Phương Thảo, cho biết, tổng mức đầu tư xây nhà máy là 238 tỷ đồng. Trong đó, Cty vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam 127 tỷ đồng, lãi vay cộng lãi phạt đã trên 160 tỷ đồng chưa kể vay từ các tổ chức tín dụng khác. Với giá xử lý rác 240.000 đồng/tấn, mỗi ngày nhà máy xử lý 100 tấn, thu được 24 triệu đồng, “càng hoạt động càng lỗ”.

Bà Thảo đề nghị tăng thêm nguyên liệu cho nhà máy bằng thỏa thuận giá xử lý hơn 350.000 tấn ở bãi rác cũ tích tụ hơn chục năm trước và tiếp nhận rác của TP Cần Thơ (đang khó khăn vì đóng cửa bãi rác cũ). 

UBND tỉnh Vĩnh Long chấp thuận cho xử lý 200 tấn rác cũ/ngày nhưng vẫn với giá xử lý rác cũ nên không hợp lý. Bà Thảo nhấn mạnh, nhiều nhà máy rác ở các tỉnh phía Nam xử lý rác với giá gấp rưỡi hoặc gần gấp đôi của Vĩnh Long mà khó khăn. Còn nhận rác từ Cần Thơ thì UBND tỉnh Vĩnh Long không chấp thuận. Từ đó, Nhà máy “trùm mền”. Ngày 29/12/2013, bà Thảo gửi đơn đến Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải “đề nghị cứu giúp”.

Dân chết ngạt?

Bây giờ, bên cạnh nhà máy “trùm mền” là bãi rác lộ thiên do Cty TNHH Công trình Công cộng Vĩnh Long quản lý, đã có hơn 350.000 tấn rác cũ và hàng ngày tiếp nhận thêm hơn 100 tấn. Quan sát của PV Tiền Phong, núi rác lộ thiên đang dần che khuất nhà máy xử lý rác, bốc mùi hôi thối nồng nặc, rỉ ra nước đen đặc xung quanh.

Ông Trương Minh Động, 65 tuổi, sống gần bãi rác trên 20 năm, than thở: Lúc nào cũng ngửi mùi hôi thối, gia đình ông có 30 phòng trọ cho thuê với giá 350.000 đồng/tháng, nhưng chưa bao giờ cho thuê được quá 10 phòng. Còn ông Võ Văn Hoàng, 37 tuổi, chủ cơ sở cá giống ở gần bãi rác, nói cuối năm rồi, nhà máy xả nước thải làm ao cá trê giống của ông chết hết, lỗ hơn 30 triệu đồng.

Cũng cho rằng, nhà máy xử lý rác khi hoạt động gây ô nhiễm, ông Lê Văn Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú kể, trước đây người dân khổ sở vì ô nhiễm nên ủng hộ Nhà máy xử lý rác, nhưng nhà máy hoạt động thì vẫn ô nhiễm. “Cuối năm 2013, nhà máy xả nước thải chưa qua xử lý ra khu dân cư, dẫn đến dân kéo lên UBND xã khiếu nại”, ông Liêm nói.

Tranh cãi về chất lượng của nhà máy, ngày 27/12/2013, UBND tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức cuộc họp. Một số người cho rằng, dây chuyền thiết bị của Nhà máy xử lý rác Hòa Phú không đạt chất lượng, không làm ra được phân compost. Cty Phương Thảo phản ứng “cán bộ của tỉnh không đủ trình độ chuyên môn” và đề nghị “mời Bộ KH&CN, Bộ TN&MT kiểm tra, đánh giá”.

Phó Chủ tịch UBND xã Lê Văn Liêm lo lắng: “Nếu cứ đổ rác vào núi rác lộ thiên thì có ngày dân xung quanh sẽ chết ngạt?”.

Lãnh đạo Cty TNHH MTV Công trình đô thị TP Cần Thơ cho biết: “TP Cần Thơ đang gặp khó trong giải quyết lượng rác hơn 300 tấn/ngày của khu vực trung tâm thành phố, từ khi bãi rác Tân Long ở tỉnh Hậu Giang đóng cửa vào ngày 31/12/2013. Chúng tôi phải đổ tạm ở bãi rác Ô Môn, nhưng đã mấy lần người dân chặn xe, phản đối. Liên hệ đưa rác đến nhà máy ở Vĩnh Long xử lý thì gặp khó về chủ trương của tỉnh và giá cả chưa phù hợp”.

MỚI - NÓNG