Đây là những cây cầu vượt nhẹ lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam. Ông Vũ Hồng Phương, Tổng Giám đốc Công ty CP cơ khí 4 và xây dựng Thăng Long- nhà thầu chính dự án đã trao đổi với PV nhân sự kiện quan trọng này.
Được biết, đây là những cây cầu vượt nhẹ lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, ông có thể cho biết những đặc điểm công nghệ và quy mô chính của dự án này?
2 cầu vượt nhẹ này thuộc Dự án thi công cầu vượt Láng Hạ - Thái Hà và Tây Sơn - Chùa Bộc để hạn chế ùn tắc giao thông. Đặc điểm công nghệ chính của cầu là có kết cấu bằng cọc thép, phần thân trụ, xà mũ cũng được làm toàn bộ bằng kết cấu thép. Khẩu độ mặt cầu có chiều ngang 9m, chiều dài cả cầu và 2 đường đầu cầu là 247m.
Tổng mức đầu tư của mỗi cầu là khoảng 67 tỷ đồng. Cả 2 cầu Láng Hạ- Thái Hà và Tây Sơn- Chùa Bộc đều được khởi công vào ngày 19-1-2012. Theo hợp đồng ký kết với chủ đầu tư thì thời gian thi công là 180 ngày. Tuy nhiên, tính đến ngày thông xe, đưa vào khai thác 26-4-2012 thì nhà thầu thi công chưa tới 100 ngày, về đích trước kế hoạch hơn 80 ngày.
Vậy 2 cây cầu vượt nhẹ này có tính năng và ưu điểm nổi bật nào so với công nghệ thông thường, thưa ông?
Như trên đã đề cập, mặc dù là những cây cầu vượt nhẹ lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, tuy nhiên thời gian thi công rất nhanh, vượt xa tiến độ so với yêu cầu. Điều này có được là do hầu hết công việc chính đều đã công xưởng hóa, chế tạo trong nhà máy và chỉ chủ yếu lắp ghép tại hiện trường nên thời gian phong tỏa giao thông ít, không ảnh hưởng quá nhiều tới lưu thông của các phương tiện.
Ưu điểm nổi trội thứ hai là các cây cầu vượt nhẹ được thiết kế thanh mảnh, rất phù hợp với cảnh quan, kiến trúc trong đô thị. Bên cạnh đó, một ưu điểm lớn khác là cầu vượt nhẹ chủ yếu bằng kết cấu thép nên có thể dễ dàng tháo dỡ, di dời để phù hợp với những thay đổi trong tổ chức giao thông.
Là công nghệ mới, thời gian triển khai rất ngắn, nhà thầu đã phải chuẩn bị những gì để thi công đáp ứng được tiến độ, chất lượng công trình?
Công ty CP cơ khí 4 và xây dựng Thăng Long là một trong những đơn vị đứng đầu trong ngành GTVT về năng lực chế tạo dầm thép. Từ năm 1998 đơn vị đã đầu tư một dây chuyền công nghệ của Pháp trị giá 6 triệu USD về lĩnh vực này. Trước đây, Công ty CP cơ khí 4 và xây dựng Thăng Long đã thi công một số cầu đi bộ bằng dầm thép như cầu Nguyễn Văn Cừ, tỉnh lộ 430,...
Những cây cầu này chỉ phải thi công ngoài hiện trường trong vòng 1 đêm là hoàn chỉnh. Nắm bắt được nhu cầu triển khai công nghệ dầm thép trong tương lai nên Công ty CP cơ khí 4 và xây dựng Thăng Long đã thành lập riêng một bộ phận chuyên nghiên cứu và chế tạo, thi công hiện trường những cây cầu vượt nhẹ trong thành phố nhằm đạt được những tiêu chí: thời gian thi công nhanh nhất, phạm vi phong tỏa hiện trường nhỏ nhất, trong quá trình thi công đảm bảo an toàn tuyệt đối, chất lượng công trình cao nhất.
Năm 2011, do áp lực giao thông trong nội đô ngày càng lớn nên UBND thành phố Hà Nội đã quyết định đầu tư một số cây cầu vượt nhẹ theo công nghệ này. Những tiêu chí đặt ra hoàn toàn phù hợp với năng lực và khả năng thi công của Công ty CP cơ khí 4 và xây dựng Thăng Long.
Thực tế, kết quả triển khai thi công của nhà thầu ngoài hiện trường đã vượt xa so với mong đợi. Ngay sau khi được giao nhiệm vụ thi công cầu vượt Láng Hạ- Thái Hà, Tây Sơn- Chùa Bộc, nhà thầu đã tập trung thi công 3 ca liên tục, kể cả trong những ngày Tết Nguyên đán. Trong nhà máy luôn duy trì khoảng 120 công nhân chế tạo, còn ngoài hiện trường khoảng 30 người thi công lắp đặt.
Chính vì vậy, tiến độ, chất lượng công trình luôn được đảm bảo và có thể thông xe đưa vào khai thác sớm. Được biết, thành phố Hà Nội trong thời gian tới sẽ tiếp tục chuẩn bị đầu tư nhiều công trình theo công nghệ dầm thép, với thế mạnh về năng lực và kinh nghiệm thi công của mình, Công ty mong muốn sẽ được tham gia thi công ngày càng nhiều hơn để giải tỏa áp lực giao thông cho nội đô Hà Nội.
Theo GTVT