Vụ các cô gái Việt bị “chào hàng” tại Malaysia:

Nhiều cặp vợ chồng bị môi giới lừa đảo

Nhiều cặp vợ chồng bị môi giới lừa đảo
TP - Nhiều ông chồng Malaysia đã “mua” các cô gái VN về làm vợ, khi họ được đem ra “chào hàng” trong các quán cà phê vào tháng 12/2005, vừa lên tiếng tố cáo người môi giới đã lừa đảo khi đưa cho họ giấy đăng ký kết hôn giả.
Nhiều cặp vợ chồng bị môi giới lừa đảo ảnh 1
Anh Leong (trái), người môi giới, cùng vợ tại văn phòng MCA

Tờ The Star, Sun2surf (Malaysia) đưa tin, anh Chew Miang Chee, 41 tuổi, là thợ ống nước, cùng ít nhất 3 ông chồng khác vừa tìm đến Văn phòng Khiếu nại và dịch vụ công của Hiệp hội người Malaysia gốc Hoa (MCA) do ông Michael Chong làm Chủ tịch để trình bày chi tiết về việc họ bị lừa và nhờ các tổ chức cũng như chính quyền giúp đỡ.

Ngay sau đó, MCA đã tổ chức cuộc họp báo để chính các ông chồng bị người môi giới lừa đảo nói rõ mọi chuyện.

Anh Chew đã rất vui mừng khi người vợ Việt Nam tên là Trần Thị Mỹ P., 22 tuổi, hạ sinh cho anh 1 cậu con trai vào ngày 5/12 vừa qua. Tuy nhiên, niềm vui chẳng được bao lâu khi anh không thể đăng ký khai sinh cho con vì giấy chứng nhận kết hôn của vợ chồng anh được Cục Đăng ký quốc gia phát hiện là đồ giả.

Anh Chew nói: “Chúng tôi không biết giấy chứng nhận kết hôn là giả cho tới khi đi xin khai sinh cho con. Vì vậy chúng tôi không phải là vợ chồng hợp pháp”.

Theo 2 tờ báo trên, anh Chew và 3 người bạn khác là anh Fong Kok Heng, 38 tuổi, Tan Kock Hwa, 33 tuổi và Tey Ley Hwa, 33 tuổi, đều thông qua sự giới thiệu của một người bà con tên là See để tiếp cận với Raymond Teh - một trong những người chuyên môi giới cho đàn ông Malaysia muốn tìm vợ Việt Nam.

Chew và 3 người bạn của mình đều rất tin tưởng Raymond Teh vì người này từng chắp mối cho See lấy vợ Việt Nam và đã có 2 con mà không gặp rắc rối về chứng nhận hôn nhân, đăng ký khai sinh cho con trở thành công dân Malaysia.

Chew và 3 người bạn đều chọn các cô vợ người Việt từ cuộc “chào hàng” do Teh tổ chức diễn ra trong một quán cà phê ở thành phố Muar, cách thủ đô Kualar Lumpur 150 km về phía Đông Nam.

Để có được vợ Việt Nam, mỗi người trong nhóm của Chew phải trả tổng cộng 17.000 RM (4.800 USD) , trong đó 13.800 RM (3.900 USD) giao cho người môi giới.

Không phải tất cả người môi giới đều lừa đảo

Theo tờ The Star, nhiều người môi giới hôn nhân cho các cô gái Việt Nam lấy chồng Malaysia tỏ ra không hài lòng khi bị xem như những kẻ lừa đảo.

Anh Leong Fon Seng, 44 tuổi, người hành nghề môi giới ở thành phố Ipoh trong 1 năm qua, đã tới văn phòng MCA để giải thích: “Chúng tôi không phải là kẻ lừa đảo. Chúng tôi kinh doanh hợp pháp”.

Leong cũng phản đối việc đưa các cô gái ra “chào hàng” như một số kẻ môi giới vô đạo đức đã làm. Anh nói: “Tôi không dùng cách này để “bán” các cô gái. Tôi mời đàn ông đến nhà mình nói chuyện với các cô gái và chỉ cho phép đăng ký kết hôn sau khi cả 2 phía đều đồng ý”.

Cũng theo Leong, mỗi người đàn ông Malaysia phải trả khoản phí 7.500 RM (2.000 USD) cho môi giới ở Việt Nam và họ sẽ đưa cho bố mẹ của cô gái một số tiền như là của hồi môn. Bản thân Leong cũng cưới một cô gái Việt Nam tên là Nguyễn Thị Thu H. làm vợ.

Phát biểu trước báo chí, anh Chew cho biết, người môi giới đã đưa nhóm của anh cùng các cô vợ Việt Nam tới Cục Đăng ký quốc gia tại thành phố Muar, nhưng không cho vào trong mà bắt họ đứng chờ bên ngoài.

Sau đó, các cặp vợ chồng này được người môi giới trao giấy chứng nhận kết hôn như một thủ tục cuối cùng của dịch vụ môi giới mà không hề biết rằng đó là đồ giả.

Anh Tan Kock Hwa có vợ là chị Trần Thị Trúc M, 20 tuổi, đang mang thai tháng thứ 8, nói: “Vợ tôi sắp sinh và tôi không biết sẽ phải làm gì”.

Anh Tey Ley Hwa, công nhân nội thất, cũng vấp phải tình cảnh tương tự than phiền: “Vợ tôi, Vương Thị Ngọc L., 28 tuổi, đang mang thai tháng thứ 4. Mọi việc đều tốt đẹp cho tới khi chúng tôi biết sự thật (giấy chứng nhận kết hôn giả) cách đây 3 tuần”.

Anh Fong Kok Heng và vợ, chị Lê Thị Ngọc Y., 21 tuổi bày tỏ hi vọng chính quyền Malaysia sẽ bắt giữ người môi giới và giúp họ giải quyết rắc rối trong việc không thể đăng ký khai sinh cho con trở thành công dân Malaysia.

Ông Michael Chong - Chủ tịch MCA, cũng chính là người đã tiết lộ việc các cô gái Việt Nam bị “chào hàng” trong quán cà phê - tin rằng còn có nhiều đàn ông Malaysia khác bị người môi giới này lừa đảo.

Ông Chong hứa sẽ báo cho cảnh sát biết về vụ lừa đảo và hi vọng cảnh sát sẽ tiến hành điều tra một cách thấu đáo để tìm hiểu rõ sự việc. Ông Chong nói: “Chúng tôi cũng sẽ nhờ tới sự giúp đỡ của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Datuk Tan Ho để giải quyết vụ việc này”.

Theo ông Chong, Cục Đăng ký quốc gia đã đồng ý chứng nhận kết hôn cho những cặp vợ chồng chưa có tên trong sổ đăng ký. Ông Chong còn nói rằng con của những cặp vợ chồng này có thể được đăng ký khai sinh để trở thành công dân Malaysia.

Với trường hợp của anh Chew, ông Chong hứa rằng MCA sẽ giúp anh tìm được sự cảm thông từ Cục Đăng ký và Bộ Nội vụ để có thể đăng ký khai sinh cho đứa con trai đầu lòng sinh ngày 5/12.  

Trong khi ông Chong tỏ ra lạc quan, tờ The Star cho biết đàn ông Malaysia lấy vợ nước ngoài sẽ gặp rắc rối nếu giấy chứng nhận kết hôn của họ là giả. Ông Ishak Momamed, Cục trưởng Cục Di trú Malaysia, cho biết các ông chồng Malaysia cần phải đảm bảo rằng giấy chứng nhận kết hôn là thật và thậm chí phải nộp đơn đăng ký để vợ của họ trở thành công dân Malaysia.

Ông Ishak cảnh báo: “Chúng tôi sẽ có biện pháp đối với những người vợ nước ngoài trao cho chúng tôi tài liệu giả. Nếu bị phát hiện là vợ bất hợp pháp, họ sẽ phải về nước”. Theo ông Ishak, đến nay Cục Đăng ký vẫn chưa có liên lạc với Cục Di trú để giải quyết những rắc rối kể trên.

MỚI - NÓNG