Đường ống nước sạch sông Đà hai năm vỡ 4 lần

Đường ống nước sạch sông Đà hai năm vỡ 4 lần
TP - Ngày 18/12, việc khắc phục sự cố vỡ đường ống dẫn nước sạch sông Đà về Hà Nội đã xong. Tuy nhiên, những sự cố tương tự có thể vẫn xảy ra trong nay mai.

> Vỡ ống nước sông Đà, 70.000 hộ dân Hà Nội bị ảnh hưởng
> Tiềm ẩn nguy cơ mất nước diện rộng

Hai năm vỡ 4 lần

Chiều 18/12, hơn 70.000 hộ dân các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy và huyện Từ Liêm được cấp nước trở lại. Trước đó, khoảng 14h chiều ngày 16/12 xảy sự cố vỡ đường ống nước sạch tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất. Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Nước sạch Vinaconex Nguyễn Văn Tốn cho biết, ống bị vỡ nằm sâu dưới lòng đất khoảng 12m, nên việc khắc phục rất khó khăn.

“Vết vỡ rộng khoảng 30cm, chúng tôi đã đưa cả đoạn ống dài 12m vào thay thế. Cty đã phải huy động hơn 150 người cùng nhiều máy móc làm việc liên tục hơn 40 tiếng. Đến thời điểm này, việc nối ống đã xong”, ông Tốn nói.

Trong năm 2013, đường ống nước sạch sông Đà vỡ 3 lần. Tính từ khi đưa vào sử dụng tới nay, hệ thống đường ống này vỡ 4 lần. Sáng 21/11, đường ống bị vỡ ở khu vực dân sinh số 19 trên đại lộ Thăng Long, thuộc xã Phú Cát, huyện Quốc Oai.

Lần thứ nhất xảy ra vào tháng 2/2012, lần thứ 2 là 23/3/2013. Cứ mỗi lần vỡ ống, gần 70.000 hộ dân Thủ đô bị mất nước 2-3 ngày. Nguyên nhân khiến đường ống vỡ luôn được đơn vị quản lý xác định là do nền đất yếu, chất tải lớn làm đường ống bị biến dạng và vỡ. Có cơ quan liên quan còn đưa ra lý do công trình gần đường cao tốc nên đường ống bị rung và dịch chuyển gây nên sự cố.

Sẽ lắp đường ống thứ hai

Trước hiện tượng đường ống liên tục bị vỡ, ông Nguyễn Sỹ Trung, Kỹ sư trưởng Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (Viện Khoa học và Công nghệ GTVT), cho rằng, đường ống vỡ do được đặt trực tiếp trên nền đất yếu, không được xử lý. Bên cạnh đó, đường ống làm bằng composite, không chịu được lực tác động trực tiếp là lực uốn và biến dạng. Bởi vậy khi nền lún sụt không đồng đều, tuyến ống bị vỡ.

 “Tại nhiều cuộc họp, tôi đã cảnh báo chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, thi công dự án nước sạch sông Đà về địa chất yếu, nhưng họ vẫn tiến hành đặt ống mà không xử lý nền yếu” 

Ông Nguyễn Sỹ Trung, Kỹ sư trưởng Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (Viện Khoa học và Công nghệ GTVT)

Ông Trung nói: “Đường ống nước sông Đà được đặt cách vai đường Láng - Hòa Lạc 12,5m, độ sâu từ 4-6m so với mặt đất tự nhiên, không nằm trong phạm vi xử lý nền đường”. Bác bỏ giả thuyết nền đường cao tốc Đại lộ Thăng Long sụt lún đã ảnh hưởng đường ống, kỹ sư Trung nhấn mạnh, độ rung từ đường cao tốc do ô tô đi lại gây ảnh hưởng đường ống về mặt định lượng gần như bằng không.

Theo ông Trung, việc xử lý nền yếu đã được cảnh báo từ khi xây dựng, nhưng chủ đầu tư tuyến ống đã không nghe. “Tại nhiều cuộc họp, tôi đã cảnh báo chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, thi công dự án nước sạch sông Đà về địa chất yếu, nhưng họ vẫn tiến hành đặt ống mà không xử lý nền yếu”, ông Trung nói. Theo ông cách khắc phục toàn diện nhất là phải làm một tuyến ống nước thứ hai có quy mô tương tự.

Đại diện Cty Cổ phần Nước sạch Vinaconex cũng công nhận, về lâu dài, phải triển khai giai đoạn 2, với đường ống thay thế thứ hai (chạy song song với đường cấp nước cũ) để đảm bảo việc cấp nước liên tục. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đang gặp khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn với tổng kinh phí đầu tư xây dựng lên đến 3.000 tỷ đồng (vay từ Ngân hàng phát triển châu Á). Do đó, người dân có thể sẽ tiếp tục phải đối mặt cảnh mất nước sạch sinh hoạt trong giai đoạn dài sắp tới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
TPO - Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu cán bộ không để việc chơi pickleball ảnh hưởng đến công việc; Chi 25.000 tỷ đồng mở rộng hai tuyến đường huyết mạch ở TPHCM; Chủ nhà ở Đồng Nai cẩu ô tô để trên cổng làm kỷ niệm; Xác định số lượng voi rừng ở Đồng Nai,... là những tin tức phương Nam đáng chú ý tuần qua.