Độc dược 'tẩm' hoa quả nhanh chín, lâu hỏng

Độc dược 'tẩm' hoa quả nhanh chín, lâu hỏng
Không quá khó để mua các loại hóa chất này. Có loại trong suốt như nước cất, có loại sền sệt như hồ dán giấy tập học sinh.

Độc dược 'tẩm' hoa quả nhanh chín, lâu hỏng

> Hôn mê vì ăn lẩu hoa 

Không quá khó để mua các loại hóa chất này. Có loại trong suốt như nước cất, có loại sền sệt như hồ dán giấy tập học sinh.

Đủ loại “thuốc” tẩm trái cây

Chúng tôi cùng với anh T. (Long Khánh, Đồng Nai), một thương lái trái cây đường dài đến cửa hàng hóa chất “Kh” (Vạn Tượng, quận 5, TP.HCM) nằm trong chợ Kim Biên để mua hàng. Anh T vốn là khách hàng quen thuộc của cửa hàng. Mới gặp anh T, chị H, chủ cửa hàng đã đon đả nói: “Gớm, sao lặn lâu thế. Bây giờ miền Đông hết vụ sầu riêng, chôm chôm rồi… Em đang làm hàng gì?”. “Ôi, đủ thứ chị ơi… Hôm nay bà chị có thuốc nào mới 'quất' cho trái tươi lâu hơn không, giới thiệu cho thằng em với”, anh T đáp.

Chỉ tay vào mấy can nhựa 25 lít màu xanh, màu trắng dựng san sát phía trước cửa hàng, chị H nói: “Mấy loại đó chị mới nhập về từ Móng Cái. Em coi cái nào được chị giới thiệu cho. Cái nào cũng “tăng phọt” và giữ tươi trái cây cả”.

Sau khi quan sát, anh T chỉ vào một can nhựa có ghi một chữ gọn lỏn “bóng”, rồi nói: “Chị lấy cho em thứ đó đi”. “Ừ, loại đó em cho chị 80.000 đồng/lít. Nhưng nó không phải thuốc nước 'Gờ 4' của Trung Quốc (nhãn hiện Progibb T98, loại dùng cho các nhà vườn phun trái nhanh lớn) như trước đâu. Thứ này là loại dung dịch sền sệt như hồ (keo dán), mạnh hơn 'Gờ 4'. Đem thứ này 'tắm' cho chuối, mít, sầu riêng, bơ, nho, chôm chôm, sapo, măng cụt… chỉ trong vòng 1 ngày là chín ngay. Cứ 1 lít thuốc em pha cho chị ½ lít nước”, chị H quảng cáo.

Dung dịch sền sệt như hồ dán giấy tập học sinh pha với nước phun vào trái cây kích thích mau chín
Dung dịch sền sệt như hồ dán giấy tập học sinh pha với nước phun vào trái cây kích thích mau chín.
 

Sau khi coi mặt hàng, cò kè giá, anh T đồng ý mua 1 lít giá 70.000 đồng về dùng thử trên mít. “Thế còn loại nào bảo quản giữ cho trái cây tươi lâu để em còn chở ra Bắc. Hôm trước chị bán thứ gì mà phun sương vào trái cây mùi nồng không chịu được, có loại nào mùi dễ chịu hơn không?”.

Chỉ tay vào can màu xanh, chị H giới thiệu: “Loại đang đựng trong can màu xanh đó. Loại này không mùi, không màu. Mới có khách hàng ở Bình Thuận vào mua thử để "tắm” cho trái thanh long chở ra Bắc. Họ nói thứ này được lắm. 1 lít “thuốc” pha với 5 lít nước rồi đổ trong thùng. Sau đó, ngâm trái cây vào khoảng 3-4 giờ sau vớt ra, để qua đêm, trái cây sẽ chín ngon”.

Cứ rẻ là được

Có thể nói, tại các sạp hóa chất ở khu vực chợ Kim Biên có rất nhiều loại hóa chất để thúc chín trái cây. Từ bột trắng hoặc dung dịch sền sệt dùng pha với nước để phun trực tiếp lên trái cây, cho đến những loại “thuốc” đựng trong ống 5ml dùng tiêm trực tiếp vào quả. Tuy nhiên, do có dư luận về độc hại của các “thuốc” này nên ban quản lý chợ Kim Biên quản lý gắt gao hơn. Vì vậy, việc mua bán chúng chỉ diễn ra ngấm ngầm. Chủ các cửa hàng, quầy sạp tại đây chỉ bán cho những khách hàng quen mà thôi.

Theo PGS.TS Trương Vĩnh, Trưởng Bộ môn Công nghệ Hóa học (đại học Nông Lâm TP.HCM), thuốc làm trái cây mau chín thực chất làm tăng tốc độ chuyển hóa tinh bột thành đường. Còn thuốc bảo quản trái cây thì theo cơ chế ngược lại, tức làm chậm quá trình lên men bên trong, làm chậm quá trình chuyển hóa tinh bột thành đường nhằm giữ trái cây tươi lâu, không thối, dễ vận chuyển đi xa. Trên thị trường có nhiều loại hóa chất sử dụng vào mục đích này. Có loại chứa hoạt chất có tính bay hơi hoặc rửa trôi thì vô hại, nhưng có loại chứa hoạt chất “ngậm” bền vững vào trái cây thì có hại cho người dùng. Thực tế, thuốc của Trung Quốc do giá rẻ nên hoạt chất sử dụng bảo quản thường “ngậm” bền trong trái cây.

Hóa chất được đựng trong các can nhựa 10 lít, 25 lít, trong đó không ít loại dùng thúc chín trái cây và bảo quản trái cây nhưng hoàn toàn
Hóa chất được đựng trong các can nhựa 10 lít, 25 lít, trong đó không ít loại dùng thúc chín trái cây và bảo quản trái cây nhưng hoàn toàn "hai không"(không nhãn hiệu, không nhà sản xuất).
 

Sau khi quan sát dung dịch sền sệt mà thương lái T mua ở cửa hàng hóa chất Kim Biên, PGS.TS Vĩnh nhận định: “Đây là chất bảo quản có tính dẻo bám lên bề mặt trái tạo lớp màng hạn chế oxy, nước và CO2 “thấm” vào trái làm chậm quá trình hô hấp của trái cây. Nhờ đó, trái cây tươi lâu. Thành phần hoạt chất chính của loại dung dịch sền sệt này có thể là Chitosan, hoặc sáp tổng hợp. Nếu là Chitosan, một loại nguyên liệu chiết xuất từ vỏ tôm cá thì “thuốc” không gây hại, nhưng nếu là sáp tổng hợp thì có thể gây hại cho người dùng".

PGS.TS Trương Vĩnh cũng cho biết thêm, có khả năng “dung dịch sền sệt” được làm từ sáp tổng hợp do giá rẻ. Còn Chitosan thì giá đắt, 4 - 5 triệu đồng/kg nên khó được người mua chấp nhận. Ngoài ra, có các nhóm hóa chất khác có tác dụng chống mốc, chống nấm như Carbendazim, Benomyl, Tebuconazole… có khả năng bảo quản trái cây trong thời gian dài cũng được sử dụng. Tuy nhiên, đây là loại hóa chất diệt nấm thuộc nhóm cực độc, phân hủy chậm và có nguy cơ gây ung thư, hoặc vô sinh nếu dùng trái cây có chất này.

Toàn là độc dược

Nói về thuốc tiêm (chích) hoặc “ngậm” cho trái cây mau chín, PGS.TS Trương Vĩnh cho biết, hiện nay, các thương lái thường sử dụng Ethylen. Đây là chất bay hơi, có tác dụng kích thích làm trái cây mau chín, chuyển màu (cà chua từ xanh sang đỏ, mít từ xanh sang vàng…).

Nếu dùng Ethylen với nồng độ rất thấp sẽ làm trái chín chậm. Tuy nhiên, cần khẳng định đây không phải là loại hóa chất được sử dụng trong ngành thực phẩm do tính chất độc hại của nó đối với sức khỏe con người. “Vừa qua, tôi có đọc trên báo chí thông tin về một loại sản phẩm HPC 'trái chín' (một loại “phân bón lá” nằm trong danh mục cho phép của Cục Trồng Trọt) do một doanh nghiệp ở TP.HCM sản xuất và được bán trên thị trường với mục đích “tắm” cho trái mít, sầu riêng... mau chín. Tôi thật sự ngạc nhiên, bởi thành phần hóa học của sản phẩm này lại chính là… Ethylen?!”. Còn theo ông Nguyễn Bá Tùng, Phó chánh thanh tra Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai, “Gờ 4” nói ở trên thực chất là hóa chất GA4 được bán lén lút, “trao tay” trên thị trường dưới nhãn hiệu ProGibb T98.

Hóa chất này không nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được đăng ký sử dụng ở Việt Nam và cũng không nằm trong danh mục chất điều hòa sinh trưởng quy định tại phụ lục 4 của Thông tư số 36/2010/TT-BNNPTNT ngày 24/6/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định quản lý về phân bón. “Vì vậy, bà con nông dân kể cả thương lái không nên sử dụng hóa chất này để phun cho chuối và cây trái. Đây là việc làm lợi bất cập hại. Hậu quả người dùng trái cây có phun loại hóa chất này có thể ngộ độc, hoặc sinh bệnh về sau”, ông Tùng nói. Ngoài “Gờ 4”, hiện còn một loại “thuốc” nữa là GA3 - Gibberellic acid (công thức hoá học C19H22O6) có tác dụng sinh lý mạnh nhất đối với cây trồng.

“Thuốc chích vào trái mau chín nhằm chuyển hóa tinh bột thành đường nhanh hơn có thể gồm 2 loại, một là người ta dùng hóa chất có hàm lượng axit sulfuric hoặc HCl độc tính cao, 1 kg giá vài chục ngàn bán rộng rãi trên thị trường; hai là, sử dụng enzym - một loại protein có tính xúc tác mạnh được lấy từ cây cỏ thực vật, nó không độc, 1 kg enzym bình quân 2 triệu. Trong đó, nếu dùng phương án thứ nhất thì nhất thiết sau đó phải chích vào trái cây lần nữa bằng xút (NaOH) để trung hòa nhằm giảm độc. Trong thực tế thì ít ai chích trái lần hai, bởi vừa nhọc công mà giá thành lại cao”, theo PGS.TS Trương Vĩnh.

Theo Nông nghiệp Việt Nam

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Các nhà hoạt động biểu tình tại hội nghị khí hậu COP29 ở Azerbaijan ngày 23/11. (Ảnh: AP)
Nhiều nước bất bình với quỹ khí hậu 300 tỷ USD
TPO - Hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc vừa thông qua một thỏa thuận cung cấp ít nhất 300 tỷ USD hằng năm cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của nhân loại và giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với sự tàn phá của thiên tai do nhiệt độ toàn cầu nóng lên.