Nhức nhối lô đề tràn về làng quê

Nhức nhối lô đề tràn về làng quê
Mưa sụt sùi đã mấy ngày. Vụ mùa đã xong, việc đồng đã vãn, ngoài chuyện lũ trẻ khai trường, làng cứ vắng lặng, ngoài đường chẳng mấy khi có bóng người.

Ấy vậy, nhưng đến 5h chiều làng lại trở nên rộn ràng một cách lạ kỳ. Các ông già, bà già cả đội mưa sang nhà nhau chơi, mấy ông thanh niên dở, mấy ông sồn sồn tập hợp ở mấy quán nước, mấy quán tạp hóa chuyện trò rôm rả. Lũ trẻ con thì mắt trước mắt sau trốn người lớn chạy tốc mưa ngoài đường như ma đuổi. Tất cả chỉ có một chuyện: hôm nay đánh con gì, cầu cống ra sao, đêm qua mơ chuyện gì, ứng với con số nào, có ai chết không, người chết sinh ngày tháng năm nào, đi xe biển bao nhiêu…

Đến hơn 6h, bữa ăn chiều phải chậm lại chờ tín hiệu từ Hà Nội: Kết quả xổ số. Bao nhiêu điện thoại giăng ra xem tường thuật trực tiếp quay số mở thưởng. Tiếng ồ, tiếng à râm ran, thỉnh thoảng lại có tiếng rú lên: Ăn rồi, trúng rồi… Đến lúc có giải đặc biệt là lúc ầm ĩ nhất. Tiếng hò reo, tiếng xe máy rồ lên trên đường làng. Những nhà không có điện thoại ra ngõ í ới; Về bao nhiêu? Chết tôi rồi…

Và sau đấy là vài cuộc ăn khao, là bia bọt chúc tụng và rất nhiều người cắm mặt vào mâm cơm nghèo nghĩ cách ngày mai kiếm tiền nuôi con đề đóm. Và thế là con đề đóm bắt đầu hoạt động ăn ruỗng các làng quê, không chỉ ở ngoại ô Hà Nội mà nhiều vùng quê ở các tỉnh Bắc, Trung bộ. Không còn là bí mật, không còn là vụng trộm, đề đóm bây giờ là công khai, không chỉ thanh niên mà cả ông bà già, trẻ con mà cả cán bộ cơ sở cũng đánh đề. Làng cứ mỗi ngày một nghèo đi và những chủ đề, thư ký ghi đề giàu lên nhanh chóng, nhiều ngôi nhà tầng đã mọc lên trên sự nghèo đi cả về kinh tế lẫn đạo đức.

Đề đóm làng quê, tệ nạn phổ biến

Trước tiên phải khẳng định, đánh đề là hành vi đánh bạc, ghi đề là hành vi tổ chức đánh bạc bị pháp luật nghiêm cấm. Nhưng chưa bao giờ tệ nạn đề đóm lại phổ biến ở các làng quê như hiện nay. Có thể nói chắc chắn rằng tất cả các làng quê ngoại thành Hà Nội từ rừng núi Sóc Sơn đến lưng chừng núi Ba Vì chân rết của các chủ đề đều đã xây dựng mạng lưới của mình.

Dĩ nhiên đánh đề ở làng không lớn, rất hiếm khi đánh đến tiền triệu, phổ biến chỉ vài nghìn, nhiều nhất chỉ vài trăm nghìn, nhưng tích tiểu thành đại, mạng lưới đề đóm làng quê đã đem lại khoản lợi nhuận lớn cho các chủ đề và hệ thống ghi đề.

Khảo sát ở một điểm bán xổ số gần thị trấn Phủ Lỗ ( Sóc Sơn) vào lúc 5h chiều ngày 4-9, chỉ trong vòng 15 phút đã có 7 người đến ghi đề, ghi lô với tổng số tiền trên 300.000 đồng. Đếm trên đoạn đường QL3 đi qua thị trấn chúng tôi thấy có tới 4 điểm có hiện tượng ghi đề như vậy. Dân địa phương còn cho biết, trong các xóm còn có nhiều hàng nước, hàng cắt tóc… có ghi đề.

Giá ghi đề tại các vùng quê rất cao. Ví dụ đánh đề ở Hà Nội chủ thường thu với đề là 80-90 ăn 7.000, lô thu 225 ăn 800 thì ở các vùng quê, những người ghi đề thu với giá đề là 95-100 ăn 7.000, lô thu 230-240 ăn 800 với lý do các con bạc ghi ít tiền, phải chuyển cho chủ tận Hà Nội…

Điều tra chi tiết chúng tôi biết các chủ đề cuối dây chỉ thu của các đại lý đề 70 đến 72 ăn 7.000. Như vậy những người ghi đề và các đại lý thu gom được hưởng tới trên 20% doanh số ghi đề. Trong khi bán xổ số hoa hồng đại lý từ tổng đại lý đến người bán lẻ chỉ có tổng là 10%. Đấy là lý do người bán xổ số và các đối tượng khác mặn mà với việc ghi đề hơn. Với người đánh đề, đánh lúc 5-6h chiều nếu trúng 7h đã được lĩnh tiền, nếu mua và trúng xổ số lấy được tiền thưởng cũng rất lâu và vất vả.

Mặt khác, đề đóm là cờ bạc trái phép, không phải chịu thuế, chịu trách nhiệm xã hội nên tỷ lệ tiền thưởng có khi tới 100% doanh thu, nhiều khi chủ đề phải chịu lỗ, còn xổ số tỷ lệ tiền thưởng chỉ chiếm 50-60%. Những chênh lệch này đã góp phần lý giải cho sức sống và sự phát triển của tệ nạn đề đóm không chỉ ở đô thị mà còn ở cả những vùng sâu vùng xa.

Thêm nữa, những phương tiện viễn thông hiện đại với điện thoại di động và mạng Internet cũng tạo điều kiện cho đề đóm phát triển ở bất kỳ chỗ nào có sóng điện thoại. Khách đánh đề ở lưng núi Ba Vì chỉ chưa đầy một phút sau chủ đề ở trung tâm quận Hoàn Kiếm cũng đã vào cáp được và nếu buổi tối người ghi đề không đủ tiền thanh toán thì ngay sáng hôm sau, người ghi đề đã có thể ra bất kỳ một cây ATM nào đó gần nhất để rút tiền về thanh toán. Hội đồng xổ số thì xa xôi chứ người ghi đề trong làng trong xã, rõ ràng là hơn hẳn. Vì vậy việc đánh đề rất phổ biến nhưng tranh chấp giữa người ghi đề và người đánh đề ít khi xảy ra.

Chính những lợi thế của đề đóm đã quyến rũ đông đảo những người nông dân thu nhập chỉ vài chục nghìn đồng một ngày lao vào vòng xoáy cờ bạc mà không nghĩ tới những hậu quả ghê gớm của nó.

Minh họa: Internet
Minh họa: Internet.

Đề đóm làm tăng đói nghèo

Tại chợ đầu mối nông sản Long Biên, tôi đã nghe câu chuyện buồn của anh Nguyễn Văn Tính quê ở làng Nội Đồng (Mê Linh). Trước đây, hai vợ chồng anh đã từng có một cơ ngơi mà nhiều người mong ước. Ruộng nhà chỉ có 8 sào nhưng nhờ chăm chỉ làm việc, anh chị mua thêm được gần một mẫu, vừa trồng rau vừa làm trại nuôi gà đẻ. Mỗi năm anh chị cũng thu được trên 500 triệu đồng từ ruộng rau, hoa và nuôi gà.

Nhưng từ khi đề đóm tràn về, ma xui quỷ khiến thế nào mà cả anh cả chị đều lao vào chơi. Đầu tiên chỉ vài nghìn một ngày. Không hiểu sao anh chị hay trúng. Trúng rồi ham, đánh lên mỗi ngày mấy trăm nghìn. Đến lúc này thì toàn thua. Chủ đề là người quen biết, trước đây cũng là dân buôn rau, hoa nên đồng ý cho anh đánh nợ ghi sổ.

6 tháng sau, cả anh cả chị toát mồ hôi khi thấy sổ nợ đã lên đến trên 1 tỷ đồng. Đến lúc này chủ đề không cho đánh nợ nữa. Không còn đường trốn, anh chị đành bán trại gà với mẫu ruộng đi trả nợ. Bây giờ để nuôi ba đứa con, hai đứa đang học đại học, chị đành cắm mặt vào mấy sào ruộng, còn anh thì ngoài ruộng vườn đành chở rau thuê mỗi ngày ra chợ đầu mối.

Anh tâm sự: “Đến bây giờ, nghe thấy đề đóm là tóc gáy tôi dựng ngược lên. Vậy mà làng tôi vẫn đua nhau đánh đề. Hôm qua cạnh nhà tôi có hai vợ chồng chỉ vì đề đóm mà cãi nhau, cô vợ bế con về nhà mẹ đẻ rồi. Khổ, đánh đề đến hết cả gạo ăn”.

Ở các làng quê rộ nạn đề đóm không thiếu cảnh phá sản, đói nghèo vì đánh đề. Nhiều người mất ruộng, mất vườn như anh Tính. Thu nhập người nông dân rất thấp, ngoài ruộng vườn trai tráng toàn kéo nhau đi làm thuê. Thu nhập mỗi lao động tính trung bình chỉ 2 triệu một tháng, chưa đủ duy trì cuộc sống. Mỗi tháng đổ mấy trăm nghìn đồng vào đề đóm là từ hộ đủ ăn xuống hộ cận nghèo, từ hộ cận nghèo xuống hộ nghèo.

Nhưng cái đáng sợ hơn là tệ nạn đề đóm tàn phá nhân cách, đạo đức của những người nông dân vốn thật thà, trung hậu. Đề đóm lúc khát nước, vay mượn, dối trá dẫn đến mất khả năng chi trả, thậm chí lừa đảo là thường. Có cụ ông được con cháu tin tưởng nhờ giữ tiền hộ, ai ngờ ông đem đánh đề thua hết, tình bố con, ông cháu tan vỡ, không nhìn mặt nhau.

Có nhiều đứa trẻ ăn cắp tiền bố mẹ đi đánh đề, thua nhiều xúc cả gạo trong chum đi bán, bố mẹ bắt được đánh đòn, chửu mắng ầm ĩ xóm làng. Ăn cắp trong nhà hết rồi, ăn cắp của hàng xóm, đầu tiên là con gà, con vịt, sau là tiền bạc, xe cộ, dẫn đến phạm pháp. Có đứa trẻ, bố mẹ cho tiền đóng học phí đều đều, nhưng không đóng học đem đánh đề, lâu dần xấu hổ, bỏ học. Thế là mất tương lai…

Cần sớm ngăn chặn

Tác hại của đề đóm đã rõ. Đây là tệ nạn xã hội là hoạt động phạm pháp. Bộ luật Hình sự đã quy định tại điều 248 những người đánh bạc bằng đề đóm có thể bị phạt từ cải tạo không giam giữ đến tù giam từ 3-7 năm, phạt tiền đến 30 triệu đồng, những người ghi đề tức tổ chức đánh bạc theo điều 249 có thể bị phạt tù tới 10 năm, phạt tiền đến 300 triệu đồng.

Để tệ nạn đề đóm lan tràn trên địa phương trước hết là trách nhiệm của cán bộ cơ sở. Hành vi đánh bạc bằng đề đóm có đặc điểm đông người tham gia, có trao tiền, thanh toán, rất dễ bị phát hiện. Rõ ràng đã có sự buông lỏng, coi thường, chưa nhìn rõ hậu quả ghê gớm đối với đời sống và văn hóa làng quê của chính quyền và các đơn vị chức năng cấp xã và thôn.

Theo chúng tôi, cần sớm tổ chức các chương trình truyền thông giáo dục trong làng xã, động viên các tổ chức quần chúng vận động nhân dân bài trừ, không tham gia các hành vi đánh bạc bằng đề đóm, tuyên truyền phổ biến pháp luật để bà con biết rõ đó là hành vi vi phạm pháp luật và gây hại cho đời sống kinh tế và văn hóa.

Mặt khác cần nghiêm trị những người có hành vi ghi đề tiếp tay cho bọn tội phạm bóc lột nông dân. Chỉ có tập trung tất cả lực lượng chính quyền và đoàn thể với thái độ cương quyết mới có thể bài trừ được tệ nạn này.

Theo anninhthudo.vn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG