Bến xe Lạng Sơn: Cương quyết chống đối lệnh 'khai tử'

Bến xe Lạng Sơn: Cương quyết chống đối lệnh 'khai tử'
TPO - Sau hai lần trì hoãn, UBND tỉnh Lạng Sơn ra thông báo số 109/TB-UBND, về việc chấm dứt hoạt động của bến xe Lạng Sơn tại đường Ngô Quyền, TP Lạng Sơn, kể từ ngày 1/9.

Thế nhưng, Cty CP Vận tải số 2 Lạng Sơn, đơn vị kinh doanh bến xe vẫn đóng sổ lịch trình, thu tiền bến bãi và tổ chức tuyến xe khách Lạng Sơn đi các tỉnh. Khi ô tô ra đến đầu bến liền bị thanh tra Sở GT-VT Lạng Sơn chặn lại, thu giấy tờ hành nghề, yêu cầu nộp phạt.

Thanh tra giao thông cương quyết xử lý xe vi phạm. Ảnh: Duy Chiến
Thanh tra giao thông cương quyết xử lý xe vi phạm. Ảnh: Duy Chiến.

Không phục

Giải thích về việc không chấp hành quyết định của tỉnh, ông Hoàng Văn Lợi, Trưởng bến xe Lạng Sơn, cho biết: “UBND tỉnh có thông báo của Văn phòng truyền đạt ý kiến của lãnh đạo tỉnh, nhưng đó không phải quyết định chính thức mang tính chất bắt buộc. Chính vì vậy, đến ngày 1/9, chúng tôi vẫn chưa bị thu hồi giấy phép và con dấu. Điều đó, có nghĩa bến xe vẫn tồn tại và hoạt động theo đúng pháp luật”.

Ông Lợi cho biết thêm, dù đã gia hạn 3 lần, nhưng tỉnh Lạng Sơn chưa bố trí được mặt bằng để Cty CP Vận tải số 2 xây dựng bến mới, trong khi đó lại vội vã ép đơn vị phải chấm dứt kinh danh tại bến cũ; như vậy là không công bằng; doanh nghiệp không tâm phục, khẩu phục.

Từ những lý do trên, lãnh đạo Cty đã họp bàn và thống nhất trong toàn cơ quan cương quyết không đóng bến. “Sau kỳ nghỉ lễ 2/9, chúng tôi sẽ có văn bản kiến nghị lên Bộ GT-VT về vấn đề này” -  Ông Lợi nói.

Cương quyết giải toả

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, ngày 1/7/2013, Văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn có thông báo kết luận của ông Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về việc chấm dứt hoạt động của bến xe Lạng Sơn; trong đó có nội dung: “Để tạo điều kiện cho Công ty cổ phần số 2 Lạng Sơn có thời gian sắp xếp, bố trí việc làm cho người lao động đang trực tiếp làm việc tại bến xe Lạng Sơn như đề nghị và quyết tâm của lãnh đạo Công ty cổ phần số 2 Lạng Sơn, UBND tỉnh đồng ý về thời hạn cuối cùng để chấm dứt hoạt động của bến xe Lạng Sơn tại đường Ngô Quyền, thành phố Lạng Sơn là từ ngày 01/9/2013”.

Theo đó, khoảng 70 doanh nghiệp vận tải với hơn 240 đầu xe thuộc diện di dời. Đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp đã tiến hành đăng ký chuyển đến khai thác tại các bến xe khác trên địa bàn tỉnh, trong đó có Bến xe Đồng Đăng, Bến xe phía Bắc.

Trên cơ sở đăng ký điều chuyển của các doanh nghiệp, để nhân dân biết và chủ động trong việc đi lại; Sở GT-VT tỉnh này đã ra thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về việc các tuyến vận tải khách từ TP Lạng Sơn đi các tỉnh: Thái Nguyên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng và Cần Thơ từ 1/9/2013 sẽ xuất phát từ Bến xe Phía Bắc (thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc).

Chấm dứt hoạt động của Bến xe Lạng Sơn là việc làm cần thiết nhằm thực hiện quy hoạch phát triển giao thông vận tải của tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch chung xây dựng TP Lạng Sơn đến năm 2025.

Ông Bùi Danh Liêm, Chủ tịch Hội vận tải TP Hà Nội, cho biết: “Với sự quyết tâm của tỉnh, doanh nghiệp chúng tôi tin tưởng, phấn khởi vì đây cũng là mong muốn của người dân nhanh chóng đưa bến xe ra khỏi trung tâm thành phố, hạn chế xe chạy vòng vo, đón trả khách, ảnh hưởng đến sản lượng, doanh thu của các phương tiện hoạt động trên tuyến cố định, ảnh hưởng đến ATGT”.

Nhà xe vạ lây

Ngay từ sáng sớm 1/9, lực lượng đông đảo Thanh tra giao thông án ngữ trước cổng bến xe Lạng Sơn; phương tiện chở khách nào ra khỏi bến, liền bị kiểm tra, thu giữ giấy tờ, lập biên bản, xử phạt. Anh Nguyễn Minh Tâm, lái xe ô tô 88K-1395, không chịu ký vào biên bản vì cho rằng, bản thân nhà xe không có lỗi gì.

Còn bà T, chủ xe 30Z-5077 chạy tuyến Lạng Sơn- Hà Nội, giơ sổ lịch trình và biên lai lệ phí “hoa hồng”, cho biết: “Đây là dấu đỏ chót của bến xe vừa đóng; xe tôi đăng ký và xuất bến đúng nơi đăng ký kinh doanh, sao lại bắt lỗi đỗ, dừng sai quy định? Việc chấm dứt bến xe, chúng tôi không được ai thông báo, bản thân cũng chẳng biết gì cả; vậy mà chúng tôi lại bị vạ lây”.

Theo bà T, mỗi xe bị lập biên bản, bị phạt 1,5 triệu đồng trở lên và tước bằng lái xe một tháng. Những hành khách đã chót lên những xe này, bị lỡ dở chuyến đi, rất khó khăn trong việc về đoàn tụ với gia đình, vui ngày tết độc lập 2/9.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.