Lận đận, gian nan nghề thuyền viên nơi xứ người

Lận đận, gian nan nghề thuyền viên nơi xứ người
Với hy vọng thay đổi cuộc sống, nhiều thanh niên miền biển Nghệ An chấp nhận xa gia đình, lênh đênh trên các tàu cá xứ người. Nhưng không ít thuyền viên đã phải bỏ về quê sớm do không chịu được khổ cực, bị đánh đập.

Lận đận, gian nan nghề thuyền viên nơi xứ người

> 4 thuyền viên bị nghi đối xử tệ: Cần cơ quan trung lập phân xử
> Thuyền viên 'nghi bị đối xử tồi tệ' nói gì khi trở về?

Với hy vọng thay đổi cuộc sống, nhiều thanh niên miền biển Nghệ An chấp nhận xa gia đình, lênh đênh trên các tàu cá xứ người. Nhưng không ít thuyền viên đã phải bỏ về quê sớm do không chịu được khổ cực, bị đánh đập.

Anh Hàn Viết To kể lại quãng thời gian 5 tháng làm việc trên tàu cá Đài Loan. Ảnh: Hải Bình
Anh Hàn Viết To kể lại quãng thời gian 5 tháng làm việc trên tàu cá Đài Loan. Ảnh: Hải Bình.

Sơn Hải là xã ven biển của huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), nơi có đến 70% lao động làm nghề đánh cá. Có sẵn tay nghề, nhiều thanh niên chọn cách xa quê xuất khẩu sang xứ người làm thuyền viên tàu cá với mong muốn có được thu nhập cao. Nhiều người thành công nhưng cũng lắm kẻ thất bại, đặc biệt là lao động làm cho tàu cá Đài Loan. Họ đã phải tìm cách trở về quê sớm.

Trần Văn Dũng (22 tuổi, ở xóm 5) là một trong số những người như thế. Là con thứ hai trong gia đình gồm 5 anh em, học hết cấp 2, Dũng xin phép bố mẹ cho đi xuất khẩu với hy vọng kiếm được nhiều tiền về phụ gia đình nuôi các em.

8 tháng lênh đênh cùng 9 thuyền viên Việt Nam trên con tàu Hiệp Đại của Đài Loan, Dũng và đồng hương bị chủ tàu đánh đập dã man, ép làm việc 16-18 giờ mỗi ngày. Lo sợ không bảo toàn tính mạng nếu cứ tiếp tục làm việc trên tàu cá, Dũng cùng 3 người khác nhảy xuống biển bỏ trốn.

Cách nhà Dũng chừng cây số là nhà của chàng trai Hàn Viết To (22 tuổi, xóm 8) và Nguyễn Văn Tuấn (22 tuổi, xóm 2). To và Tuấn cũng đi làm thuyền viên tàu cá Đài Loan. Hai người đi sau Dũng 3 tháng nhưng lại trở về quê trước đúng 3 ngày.

To kể, giữa tháng 3 vừa qua, anh và Tuấn cùng 5 thuyền viên Việt Nam lên tàu cá Đài Loan làm thuê. To được phân công làm trong khoang ướp cá, mỗi ngày làm việc hơn 15 tiếng, không kể ngày hay đêm. "Nhiệt độ trong đó lạnh cóng, nhưng em phải cắn răng chịu đựng. Vì nếu kêu ca, không làm sẽ bị chủ tàu quát nạt, dọa đánh...", To nhớ lại.

Nhưng theo To, bị chủ tàu quản thúc giờ giấc vẫn chưa sợ bằng việc mâu thuẫn giữa các thuyền viên. Trên tàu có thuyền viên của nhiều nước, ngôn ngữ, phong tục mỗi nước khác nhau nên rất hay bất đồng, không ít lần xảy ra ẩu đả.

Giữa tháng 7 vừa qua, sau 3 tháng hành trình con tàu cập cảng Solomon. Khi nhóm người Việt Nam rời tàu lên đất liền thì bị tốp thuyền viên Indonesia dùng hung khí truy sát. To và Tuấn cùng anh em chạy trở lại tàu trốn nhưng vẫn không thoát, đành nhảy xuống biển, bơi vào bờ chạy vào nhà dân trốn. Đến hôm sau mọi người trình bày với chủ tàu muốn về nước vì sợ nguy hiểm tới tính mạng.

Được chủ tàu đồng ý, 7 anh em thuyền viên Việt Nam được đưa về nước. "Trước mắt em cùng bố và anh em ra biển đánh cá thôi. Còn giấc mơ đi xuất khẩu để làm giàu có lẽ không khi nào em nghĩ tới nữa", To nói về tương lai.

Ngày con trai đột ngột trở về, bà Đào Thị Thanh (mẹ của To) vừa mừng vừa lo. "Thấy dân làng đổ xô đi lao động nước ngoài, vốn có sẵn tay nghề đánh cá nên nên vợ chồng bàn bạc cho To đi làm thuyền viên tàu cá Đài Loan với mong muốn nó nhàn hạ, thu nhập cao hơn ở nhà. Ai ngờ đi chưa được 5 tháng đã phải bỏ về, tính ra tiền lương nhận được chỉ bù đắp chi phí đưa đi", bà Thanh nói.

Ông Hoàng Sơn, Phó chủ tịch xã:
Ông Hoàng Sơn, Phó chủ tịch xã: "Việc To bỏ về nước trước thời hạn không phải là cá biệt, xã có nhiều trường hợp như vậy". Ảnh: Hải Bình.

Ông Hoàng Sơn, Phó chủ tịch xã Sơn Hải, cho biết việc Dũng - To - Tuấn bỏ về sớm không phải là cá biệt, xã đã có nhiều trường hợp như vậy. Gần đây là anh Vũ Văn Cường, Vũ Xuân Chiến, hiện hai người này đi làm công nhân.

Theo ông Sơn, tất cả những người trở về quê đều than rằng không chịu nổi cảnh khắc nghiệt khi phải làm việc trên tàu cá. Nếu không bị đánh đập thì cũng bị ép làm việc quá sức, mấy tháng mới được vào bờ một lần. Phần nhiều trong số lao động bỏ trốn về trước thời hạn đều gặp khó khăn về tài chính khi tiền lương chưa bù đủ chi phí, họ rơi vào chán nản không muốn làm việc.

"Một lao động ở quê đi biển trung bình mỗi tháng cũng thu nhập 4-6 triệu đồng đã trừ chi phí. Nếu so với mức lương theo hợp đồng đi xuất khẩu ở Đài Loan là 400-500 USD/tháng thì chẳng hơn là bao. Thế nhưng nhiều thanh niên trong xã vẫn mang mộng làm giàu và hậu quả đã phải thất vọng, thậm chí bị đe dọa tính mạng", Phó chủ tịch xã phân tích.

Ông Sơn cho biết thêm, cách đây hơn hai năm về trước, phong trào xuất khẩu sang Đài Loan làm nghề đi biển nhiều hơn bây giờ. Nhưng sau đó nhiều người tay trắng trở về nên mấy tháng gần đây số người đăng ký đi Đài Loan giảm hẳn. Trong 6 tháng đầu năm nay chỉ có 4 người đăng ký đi xuất khẩu ở Đài Loan.

Xã Sơn Hải có 2.522 hộ với hơn 13.000 nhân khẩu. Xã có hiệp hội nghề cá phát triển rất mạnh. Thu nhập bình quân đầu người là 18 triệu đồng/người/năm. Cả xã có 70% người dân làm nghề đi biển đánh cá, số còn lại làm nghề muối và các nghề phụ khác. Hiện xã có hơn 200 lao động xuất khẩu ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan...

Theo Hải Bình
VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG