Đề xuất trang bị súng cho hải quan

Đề xuất trang bị súng cho hải quan
TPO – Sáng nay (15/8), phiên thảo luận về Dự án luật Hải quan (sửa đổi) tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề xuất lực lượng hải quan được sử dụng súng nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu.

Phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp

'Nóng' vượt biên cõng gỗ lậu

Lực lượng hải quan TP HCM làm nhiệm vụ. Ảnh minh họa.
Lực lượng hải quan TP HCM làm nhiệm vụ. Ảnh minh họa..

Cụ thể dự án Luật hải quan do Chính phủ soạn thảo nêu “Khi hoạt động tuần tra cơ quan hải quan được: sử dụng cờ hiệu, đèn hiệu, pháo hiệu còi loa ra hiệu lệnh cho người, phương tiện vận tải có dấu hiệu vi phạm dừng lại để kiểm tra, khám xét; sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật; Thực hiện truy đuổi khi phát hiện có hành vi không chấp hành hiệu lệnh của cơ quan hải quan, trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan hải quan”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng cần nghiên cứu về việc sử dụng vũ khí trong hoạt động tuần tra của lực lượng hải quan. Việc trang bị còi, pháo hiệu, đèn hiệu và truy đuổi cũng phải làm rõ như cấp nào được trang bị, truy đuổi đến mức nào? “Trang bị vũ khí thì ai được quyền nổ súng, nếu gây chết người ai chịu trách nhiệm?”. Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cũng cho rằng việc truy đuổi ra ngoài lãnh hải, truy đuổi về phía sau là không  thực tế và không thống nhất với các quy định và luật hiện hành (Như pháp lệnh cảnh sát biển). Cần xem xét liệu có chồng chéo với cảnh sát biển, biên phòng, các lực lượng của hải quân.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết trong Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã nêu tại Điều 13. Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng gồm cả lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan, đơn vị Hải quan cửa khẩu.

Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Ksor Phước cho rằng Luật quy định lực lượng hải quan có nhiều quyền hạn, nhưng vẫn còn chung chung. Ngoài việc được trang bị súng thì các hoạt động tố tụng như truy đuổi, khám xét, khám nghiệm cũng phải được nghiên cứu và phải phối hợp thật chặt chẽ với các lực lượng khác. “Trong trường hợp nào hải quan chủ trì, trường hợp nào phối hợp, trường hợp nào cung cấp thông tin cũng phải làm rõ. Nếu không sẽ đụng và chồng chéo tới rất nhiều lực lượng khác”. Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc nói.

Xây dựng hình ảnh hải quan

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến Luật mới tiếp cận ở tổ chức bộ máy hành chính là chính. Trong bối cảnhhội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, chúng ta phải tiếp cận theo hướng nâng cao hơn nữa vai trò của hải quan trong thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, ổn định và phát triển nền kinh tế, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của buôn lậu.

“Vì vậy cần thúc đẩy minh bạch hóa các thủ tục hải quan, xây dựng hình ảnh lực lượng hải quan thân thiện với doanh nghiệp” Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư Bùi Văn Thạch cũng cho rằng hình ảnh hải quan rất quan trọng không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn đối ngoại. Vậy cần hiện đại hóa và minh bạch hơn nữa trong hoạt động của lực lượng này.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đặt vấn đề tại sao quyền tố cáo người dân về các sai phạm cơ quan hải quan, cán bộ hải quan bị Dự án Luật hải quan (sửa đổi) bỏ đi? Trong khi chúng ta đang phòng chúng tham nhũng, nhũng nhiễu trong hoạt động hải quan? Vậy lý do nào lại bỏ điều này đi trong dự án?

Theo Viết
MỚI - NÓNG