Hơn 1.000 công nhân tá hỏa sau hỏa hoạn ở Bắc Giang

Hơn 1.000 công nhân tá hỏa sau hỏa hoạn ở Bắc Giang
Xe cháy, việc làm bỗng dưng mất theo vụ hỏa hoạn khiến những công nhân làm việc tại Công ty Hà Phong thắc thỏm cho tương lai của cả gia đình vốn trông vào đồng lương ít ỏi.

> Hé lộ nguyên nhân vụ cháy thiêu rụi hàng ngàn xe

> Trắng đêm giữa biển lửa Bắc Giang
> Cháy lớn tại Bắc Giang: Thiệt hại hàng trăm tỷ đồng

Các công nhân đứng trò chuyện trước cổng công ty. Ảnh: Việt Dũng
Các công nhân đứng trò chuyện trước cổng công ty. Ảnh: Việt Dũng.

Sáng 7/4, hàng trăm người vẫn tụ tập trước cổng Công ty Hà Phong (Hiệp Hoà, Bắc Giang) gương mặt thất thần, buồn bã. Đa phần trong số này là công nhân may vừa bị mất tài sản, việc làm sau đám cháy lớn xảy ra chiều hôm trước.

Ngồi sau xe máy của người thân, chị Nguyễn Thị Lụa, làm việc tại Hà Phong kể, chiều 6/4 đang làm tại khu vực hoàn thiện sản phẩm thì nghe báo cháy. Cô và hàng trăm công nhân khác vội túa ra cửa thoát hiểm. Lúc đó lửa đã bùng lên "liếm" trọn từ xưởng may sang khu để xe 3 tầng.

"Xe của em để trên tầng 3, muốn lên lấy cũng không được vì lúc này bình xăng của các xe khác bén lửa và bị nổ", Lụa nói và cho hay đã cùng nhiều người khác trèo qua bức tường cao hơn 2 m của khu sản xuất để nhảy xuống ruộng thoát thân.

Giọng nghèn nghẹn, Lụa tâm sự, chiếc xe bị cháy là phương tiện đi lại duy nhất của hai vợ chồng. Thu nhập hàng tháng của chị hơn 3 triệu đồng, còn chồng làm thợ xây công việc bấp bênh. Chị đang nuôi con nhỏ nên thất nghiệp đồng nghĩa với việc thời gian tới gia đình sẽ rất khó khăn.

Cũng có mặt trong đám đông theo dõi vụ hỏa hoạn, anh Toàn có vợ làm tại Hà Phong 1 cho biết, vợ anh thu nhập trung bình mỗi tháng hơn 4 triệu đồng, trang trải cũng đủ nuôi hai con ăn học. Anh làm cơ khí ở khu công nghiệp Đình Trám (Bắc Giang) tích cóp lương hàng tháng vừa mua được chiếc xe Vision để hai vợ chồng đi lại thì khối tài sản giờ đã thành tro.

Anh tâm sự, trước mắt vợ chồng không có phương tiện đi lại, việc chi tiêu cũng phải "thắt lưng, buộc bụng" để lo cho các con. "Cũng may mắn cô ấy không bị thương, còn tài sản mất thì sẽ lấy lại được", anh Toàn tự an ủi.

Ảnh: Bá Đô.
Ước tính, 1.500 xe máy của công nhân đã cháy rụi. Ảnh: Bá Đô.

Cũng bị cháy mất chiếc xe máy nhưng bà Lý (quản lý hơn 1.000 công nhân tại Hà Phong 1) cho biết, lo lắng nhất là thời gian tới sẽ không có việc làm. "Hai con tôi đã có công việc và gia đình riêng, còn chồng tôi không có việc làm nên giờ tôi mất việc nốt, mỗi tháng gia đình mất đi 5 triệu đồng", bà Lý thở dài.

Nữ quản lý trung niên cho biết, lãnh đạo công ty hứa sẽ thu xếp công việc trong khoảng nửa tháng tới nhưng nhìn đống đổ nát bộn bề sau đám cháy, bà biết để làm việc trở lại sẽ mất ít nhất nửa năm. "Đang làm việc bỗng dưng phải nghỉ ở nhà chắc chắn sẽ không tránh khỏi hụt hẫng, buồn và lo lắng về kinh tế".

Vụ cháy không chỉ khiến công nhân bị ảnh hưởng mà còn làm bà Toan bán nước trước cổng công ty lo lắng. Mở quán từ khi công ty mới thành lập, thu nhập của cả gia đình bà đều trông mong vào cái bánh, chén trà bán cho công nhân. "Một số người ngồi quán mếu máo bảo mất xe, mất việc làm không biết xoay sở ra sao. Ai cũng khó khăn nên chả giúp nhau được", người phụ nữ lam lũ kể và cho hay, khoản tiền hàng trăm công nhân ký nợ quán chưa trả được.

Ảnh: Bá Đô
Các khu vực nhà xưởng bị cháy trơ khung sắt. Ảnh: Bá Đô.

Sáng 7/4, có mặt tại hiện trường chỉ đạo chữa cháy, ông Giáp Văn Thông, Trưởng phòng CSPCC Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, đây là vụ hỏa hoạn lớn nhất từ trước tới nay xảy ra trên địa bàn. Toàn bộ lực lượng được huy động thức trắng đêm để chiến đấu với giặc lửa nhưng do có quá nhiều vật liệu dễ cháy ở giữa kho nên việc tiếp cận và khống chế đám cháy gặp khó khăn.

Sáng cùng ngày, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã họp khẩn cấp cùng các ban, ngành liên quan và đại diện công ty Hòa Phong bàn biện pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ công nhân. Theo báo cáo nhanh của UBND huyện, toàn bộ máy móc, vật tư, nhà xưởng 1 của công ty bị cháy rụi, mái lợp tôn, khung kèo sắt bị sập, 1.500 xe máy của công nhân để ở nhà xe bị cháy trơ khung.

Ông Nguyễn Văn Linh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết, trước mắt sẽ làm việc với các công ty bảo hiểm để thống kê thiệt hại, có biện pháp hỗ trợ công ty và công nhân. Chậm nhất đầu tuần sau sẽ bố trí công nhân làm việc tại xưởng 2 của công ty theo hình thức phân ca.

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG