Mua bán ở chợ đêm Cao Thượng. |
Nghe anh bạn kể về chợ đêm ở Bắc Giang, tôi háo hức suốt đêm mồng Một Tết để chuẩn bị cho chuyến du hành đầu xuân đến thăm chợ đêm khá độc đáo này. Có mặt tại thôn Cao Thượng (xã Cao Thượng, Tân Yên, Bắc Giang) khi đồng hồ điểm 5 giờ, trời tối đen nhưng khu chợ đêm đã khá đông người.
Lịch sử chợ đêm ngày Tết
Cụ Nguyễn Văn Tiếp (thôn Cao Thượng) năm nay gần 90 tuổi, nhưng hầu như chưa vắng phiên chợ nào vào ngày mồng Hai Tết. Cụ nhớ lại: Ngày còn nhỏ, cụ theo ông bà, bố mẹ đi chợ Tết. Lúc ấy chưa có điện, người dân mang đèn dầu, nến đi chợ mua, bán.
Xa hơn nữa, thì đây vốn là điểm họp chợ phiên của cả một tổng. Lúc ấy chợ đông lắm, người từ Lục Liễu (Hợp Đức) sang, khách từ Liên Chung, Hòa Bình tới.
Đến thời người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám chiếm giữ đất Cầu Vồng, Pháp nắm đồn Mỏ Thổ nã đại bác sang, hai bên kình nhau ghê lắm. Pháp không cho người dân nơi đây họp chợ nhưng người Cao Thượng nổi tiếng ngang tàng đâu có chịu. Họ đi kiện cả quan Pháp đòi quyền họp chợ.
Khi ấy, chợ được rời sang chợ Mọc hiện nay nhưng chốn cũ vẫn được nghĩa quân Yên Thế bí mật tổ chức chợ đêm vào mồng 2 Tết hàng năm, thực chất là nơi để trao đổi thông tin, tiếp cận với các nhân sĩ yêu nước ở khắp nơi đứng lên giải ách nô lệ. Từ đó hình thành chợ đêm độc đáo và tồn tại cho đến ngày nay.
“Người dân ở đây coi chợ như một hoạt động tâm linh. Có những năm cả làng chạy loạn, đêm mồng Một rạng ngày mồng Hai Tết lại thấy lũ lượt kéo về họp chợ rồi lại hối hả ra đi” – Cụ Tiếp kể.
Mua bán cầu may đầu năm
Chợ nằm trên một bãi cỏ rộng phía sau đình Cao Thượng, khoảng hơn nghìn mét vuông, thường ngày là nơi bọn trẻ trong làng hay ra đá bóng. Gọi là chợ nên cũng có đủ mặt hàng từ đồ chơi trẻ em, quần áo, hoa quả, bánh kẹo cho đến hàng nông cụ…
Nhưng mặt hàng được bán nhiều nhất ở phiên chợ này là các loại mang màu đỏ như những hộp diêm nhỏ xinh với những que diêm đầu đỏ rực, những quả bóng bay đỏ tươi đùa trong cái lạnh của đêm đầu xuân, những thớ thịt bò đỏ au rải dài một dãy phía cuối chợ.
Đặc biệt, không thể thiếu được khi đi chợ đêm là phải mua được một vài chiếc bánh đa đỏ. Theo nhiều người dân ở đây, loại bánh đa này khá đặc biệt với màu đỏ của gấc chín. Tiếc rằng, bây giờ không còn ai làm loại bánh đa đỏ đó nữa, mà thay vào đó là những chiếc bánh đa có phẩm đỏ nhưng vẫn khá đắt khách.
Người dân ở đây quan niệm, đi chợ đêm là để lấy may nên việc mua bán thường diễn ra nhanh chóng và ai cũng muốn mua hoặc bán được cái gì đó trong phiên chợ này. Vì thế, nhiều người dù có hẳn cửa hàng lớn ở trung tâm nhưng vẫn đóng cửa, mang một vài thứ về để bán lấy may.
Khu chợ này không có ki-ốt, cũng chẳng có nhà mái che, người bán, người mua cứ đội sương, đội gió mà đi chợ.
Ông Nguyễn Văn Khải, Bí thư chi bộ thôn Cao Thượng cho biết, chợ này chẳng có ai thu phí, thuế, thậm chí trước đây còn chẳng có cả người trông giữ xe, mọi người cứ tự nhiên đi cả xe vào chợ, mặc cả, ngã giá.
Mấy năm nay, khách biết tiếng về nhiều nên mới có thêm đội giữ xe để bảo đảm an toàn tài sản. Chợ họp đến khoảng 7 giờ sáng thì tan và mỗi năm thu hút hàng nghìn người đến mua bán cầu may.