'Không thể lập khu đèn đỏ ở Việt Nam'

'Không thể lập khu đèn đỏ ở Việt Nam'
Trao đổi với PV chiều 21-1, Cục phó Phòng chống tệ nạn xã hội Lê Đức Hiền cho rằng không thể hợp pháp hóa mại dâm, bởi nó luôn gắn liền với nhiều vấn đề xã hội phức tạp, như tội phạm mua bán người, ma túy...

'Không thể lập khu đèn đỏ ở Việt Nam'

> Đề xuất lập 'khu đèn đỏ': VN học gì từ thế giới?
> Đề xuất thí điểm lập ‘khu đèn đỏ’ ở Việt Nam

Trao đổi với PV chiều 21-1, Cục phó Phòng chống tệ nạn xã hội Lê Đức Hiền cho rằng không thể hợp pháp hóa mại dâm, bởi nó luôn gắn liền với nhiều vấn đề xã hội phức tạp, như tội phạm mua bán người, ma túy...

Ông Lê Đức Hiền, Cục phó Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Ảnh: Hoàng Thùy
Ông Lê Đức Hiền, Cục phó Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Ảnh: Hoàng Thùy.

Thưa ông, TP HCM vừa kiến nghị gom những cơ sở kinh doanh nhạy cảm để quản lý hoạt động mại dâm tốt hơn, ông đánh giá như thế nào về đề xuất này?

Lâu nay có nhiều ý kiến kiến nghị coi hoạt động mại dâm thành một nghề và gom gái mại dâm lại trong khu phố đèn đỏ như một số nước trên thế giới, tuy nhiên theo quan điểm của nhà nước ta, mại dâm chưa được coi là một nghề và cũng chưa có ý định hợp pháp hóa. Thực tiễn nghiên cứu tình hình quốc tế, việc hợp pháp hóa mại dâm sẽ rất phức tạp.

Có người cho rằng mại dâm có từ cổ xưa, và đó là nhu cầu chính đáng, xem mại dâm là một nghề sẽ bớt được hiếp dâm trẻ em, bóc lột tình dục, lấy lan bệnh tật, tăng thu ngân sách... Nhưng tất cả đều là ngộ nhận. Mại dâm luôn luôn gắn liền với những vấn đề xã hội phức tạp khác, hết sức khó quản lý, đặc biệt là tội phạm mua bán người, bóc lột tình dục, ma túy, rửa tiền, mafia...

TP HCM tổ chức hội thảo, đưa ra đề nghị chứng tỏ lãnh đạo ở đó có trách nhiệm với thành phố của mình. Nhưng muốn thí điểm TP HCM không thể tự làm, họ phải báo cáo Chính phủ, Chính phủ sẽ lấy ý kiến các cơ quan chức năng. Để thí điểm phải cân nhắc rất nhiều, thậm chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải cho ý kiến bởi phòng chống mại dâm, ma túy là nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng, toàn dân.

Tại sao các nước đã xem mại dâm là một nghề và cho phép lập khu đèn đỏ, còn ta thì không?

Trong thực tế cuộc sống có những việc chưa làm được, chưa quản lý được thì có thể bị cấm. Riêng vấn đề hợp pháp hóa mại dâm, không phải là chúng ta không làm được, không quản lý được thì cấm, mà đó là quyết định trên cơ sở thực tiễn 20 năm thực hiện công tác phòng chống mại dâm và thực tiễn nghiên cứu hợp pháp hóa mại dâm, mô hình phòng chống mại dâm trên thế giới.

Những cái gì có lợi cho quốc gia, dân tộc thì làm, không có lợi thì không làm. Nếu cứ làm mà nó gây nhiều tác hại rồi sau này rút lại chính sách thì rất nguy hiểm. Lập khu đèn đỏ là rất khó khăn và phức tạp trong công tác quản lý. Không phải đơn giản là đưa gái mại dâm vào khu đèn đỏ, khám bệnh, thu thuế, đóng bảo hiểm xã hội cho họ, bảo vệ họ khỏi bị chà đạp... là xong.

Nhiều nước hợp pháp hóa đã gây ảnh hưởng nhiều mặt trong việc phát triển đất nước và họ phải xem xét thay đổi chính sách. Như Thụy Điển, sau nhiều năm cho tự do mại dâm đã phải cấm một cách kiên quyết. Đó không phải chỉ vấn đề về kinh tế mà là vấn đề quản lý xã hội, sức khỏe và văn hóa... Họ đã cấm triệt để. Theo tôi nước ta cũng nên nghiên cứu mô hình này, sẽ trừng trị nặng môi giới, chủ chứa, bảo kê và xử lý nghiên khắc người mua dâm, đồng thời phát triển mạng lưới dịch vụ xã hội có hiệu quả trong việc giúp người bán dâm từ bỏ công việc của mình.

Dù chính phủ một số nước cho mại dâm hợp pháp, nhưng người dân của họ vẫn cho việc ấy không có gì tốt đẹp cả, vì không ai muốn họ hàng, người thân mình đi làm mại dâm. Vì vậy, không lập phố đèn đỏ không phải là bảo thủ mà đó là kinh nghiệm của các nước, kinh nghiệm thực tiễn và quan điểm của nhà nước.

Dù là hợp pháp hay không thì mại dâm vẫn gây nhiều hệ lụy, nếu gom những người hành nghề mại dâm lại thì xã hội sẽ "sạch sẽ" hơn. Ông nghĩ sao về việc này?

Ở ngay các nước có phố đèn đỏ vẫn không quản lý được mại dâm lén lút vì các yếu tố như giá rẻ, thuận tiện, mại dâm từ các khu vực khác, các nước khác đổ về... Không phải cứ đưa mại dâm vào một khu thì ở ngoài mọi thứ đều sạch sẽ, yên bình. Nước ta hiện có khoảng 14.000-15.000 người hoạt động mại dâm, số lượng nghi ngờ là 30.000-32.000 và thực tế có khi còn cao hơn.

Nếu có khu đèn đỏ cũng chỉ thu hút được một phần người bán dâm, một phần lớn vẫn hoạt động ở bên ngoài. Do vậy thay vì lập khu riêng, chúng ta nên xây dựng nhiều dịch vụ xã hội tại cộng đồng để giúp được nhiều chị em.

Theo nghị quyết của Quốc hội thì các cơ sở chữa bệnh sẽ không quản lý gái bán dâm nữa, số lượng gái bán dâm này hiện nay như thế nào, thưa ông?

Sau khi có nghị quyết của Quốc hội chúng ta đã đưa hết chị em bán dâm ra khỏi các cơ sở và từ nay cũng không giáo dục tại xã, phường, thị trấn nữa. Đây là quan điểm nhân văn, nhân ái và phù hợp với bản chất con người Việt Nam, xu hướng thế giới.

Dù công tác quản lý còn nhiều khó khăn, chúng ta đã thay đổi chính sách, đang xây dựng các dịch vụ hỗ trợ như y tế, tư vấn, giáo dục, hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm, cấp bao cao su, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone... để hỗ trợ giảm hại cho chị em cũng như giúp chị em từng bước bỏ hoạt động bán dâm. Như Hà Nội tổ chức dạy nghề, cán bộ của chi cục được chị em gọi điện đến nhờ giới thiệu việc làm, một bộ phận sinh hoạt ở các nhóm tự lực.

Đành rằng để nhiều chị em được tiếp cận các dịch vụ đó thì cần một quá trình để hình thành mạng lưới và hoàn thiện nên cần có thời gian chứ không thể trong chốc lát. Chúng ta sẽ đẩy nhanh thực hiện các cơ chế, chính sách để xây dựng tốt các dịch vụ đó từ Nhà nước, đoàn thể, các tổ chức xã hội, từ thiện. Điều này thể hiện tính nhân đạo bởi nhà nước không thể để chị em mãi mãi bị bóc lột tình dục, đó là chưa kể thuần phong mỹ tục, đạo đức, bệnh tật, an ninh trật tự, giống nòi... Bố mẹ bệnh tật thì làm sao đẻ những đứa khỏe mạnh, tuấn tú? Hậu quả nhìn thấy rõ như thế nên không thể để mại dâm tiếp diễn và là một nghề được.

Theo Hoàng Thùy
VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG