Hôm nay, Chủ Nhật Đỏ lần thứ năm

Hôm nay, Chủ Nhật Đỏ lần thứ năm
TP - Chủ Nhật Đỏ, do báo Tiền Phong khởi xướng từ đầu năm 2009, chưa phải là dịp thu được nhiều máu hiến nhất. Tuy nhiên, sự kiện lại có tầm vóc đặc biệt đối với nhiều sinh mạng vào thời điểm thiêng liêng trong đời sống văn hóa Việt, đó là dịp cận Tết.

> Sinh viên Hà Nội sẵn sàng cho Chủ nhật đỏ
> Ngày Chủ nhật đỏ: Đắp bồi lòng nhân ái

GS.TS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu T.Ư - nhận định như vậy về ý nghĩa của Chủ Nhật Đỏ trước thềm diễn ra sự kiện hôm nay ở Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Thái Nguyên.

Ngành huyết học và truyền máu còn rất nhiều việc phải làm. Một trong những việc quan trọng nhất là làm thế nào để đẩy nhanh một cách bền vững số người tham gia hiến máu từ tỷ lệ 1,03% dân số hiện nay lên mức tối thiểu 2% dân số theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nếu muốn hệ thống điều trị vận hành trôi chảy ở mức tối thiểu. Quy ra số tuyệt đối, thì, với dân số 88 triệu người, số lượt người hiến máu mỗi năm phải tăng lên mức 1,8 triệu.

Điều này là bắt buộc nếu muốn nâng cao chất lượng dân số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội. Có một mối quan hệ biện chứng giữa tỷ lệ người hiến máu với sức mạnh kinh tế đáng để chúng ta suy nghĩ. Tại Hàn Quốc, tỷ lệ người hiến máu nhân đạo đạt 5-6% dân số. Tại Úc, tỷ lệ đó là 6-7%. Nhật Bản là 7-8%. Còn ở Mỹ, 14-16% dân số sẵng sàng hiến máu nhân đạo mỗi năm.

Để tăng nhanh số người hiến máu, một trong những ưu tiên hàng đầu là điều chỉnh cơ cấu người hiến máu nhân đạo. Cơ cấu vận hành suốt 19 năm qua dựa chủ yếu vào thanh niên, nhất là sinh viên và học sinh. Năm 2012, 70% lượng máu thu được là từ thanh niên và 60% số thanh niên này là học sinh, sinh viên.

Bất cập cơ cấu

Chủ Nhật Đỏ đã truyền cảm hứng đến nhiều nơi, nhiều người. Ảnh: hồng vĩnh
Chủ Nhật Đỏ đã truyền cảm hứng đến nhiều nơi, nhiều người. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Các thành phần xã hội khác vốn rất đông đảo là thanh niên nói chung (không phải học sinh-sinh viên) và trung niên hầu như đang đứng ngoài lề các cuộc vận động. Thứ hai, do phụ thuộc quá nhiều vào học sinh- sinh viên, nguồn máu hiến của cả nước vô hình trung cũng lên xuống hoặc trồi sụt theo lịch hoạt động của nhóm này. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến khan hiếm máu vào dịp Tết cũng như dịp hè.

Bà Vương Bích Thu - Giám đốc Truyền thông & Phát triển Thương hiệu Cty Eurowindow Holding nói: “Hy vọng Chủ Nhật Đỏ sẽ truyền cảm hứng không chỉ cho các trường hay học sinh-sinh viên. Sâu và rộng hơn, Chủ Nhật Đỏ nhất định sẽ còn truyền cảm hứng đến cả các cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng, phường xã”.

Nhiều nơi mong tham gia Chủ Nhật Đỏ

Nhiều tỉnh, thành Đoàn trong cả nước bày tỏ mong muốn được cùng với Tiền Phong tổ chức hiến máu trong ngày Chủ Nhật Đỏ nhằm tạo nên một dấu ấn, tinh thần nhân văn lan rộng trong tuổi trẻ cả nước.

Thành Đoàn TP Cần Thơ, cho hay Cần Thơ sẵn sàng nếu năm sau được phối hợp, đồng hành với Tiền Phong tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện Chủ Nhật Đỏ.

Anh Trần Quang Tường, Bí thư Thành Đoàn TP Hải Phòng, nói: “Nếu được phối hợp với Báo Tiền Phong tổ chức hiến máu trong ngày Chủ Nhật Đỏ, tôi nghĩ Hải Phòng sẽ được cộng hưởng thêm sức mạnh để làm tốt hơn việc này”.

Anh Tường khẳng định, nếu Hải Phòng phối hợp với Chủ Nhật Đỏ, sẽ huy động được từ 500-700 đơn vị máu.

Chị Nguyễn Thị Kim Dung, Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Giang cũng mong muốn phối hợp với Tiền Phong trong ngày hội Chủ Nhật Đỏ. “Đây là một sự thay đổi cách thức tổ chức để kêu gọi thêm các tấm lòng nhân ái”, chị Dung nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.