Lấy phiếu tín nhiệm chức danh cấp cao vào tháng 5

Lấy phiếu tín nhiệm chức danh cấp cao vào tháng 5
TP - Hôm qua (16-1), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thông qua Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh cho QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

> Lấy phiếu tín nhiệm, sợ nhất là 'hòa cả làng'
> Bãi miễn, cách chức cán bộ tín nhiệm thấp không từ chức

Nghị quyết hướng dẫn này có hiệu lực từ ngày 1-2-2013 và việc lấy phiếu sẽ bắt đầu thực hiện đối với các chức danh chủ chốt từ kỳ họp thứ 5 QH khóa XIII (tháng 5 & 6-2013).

Cùng đó, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm sẽ được thực hiện đối với các chức danh chủ chốt do HĐND các cấp bầu, bao gồm: Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND các cấp; Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND các cấp và Ủy viên UBND các cấp.

Việc lấy phiếu sẽ được thực hiện định kỳ tại kỳ họp đầu tiên hằng năm của QH, HĐND các cấp, kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ. Phiếu tín nhiệm ghi rõ các chức vụ của người được lấy phiếu với các mức độ “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”.

Trường hợp một người đồng thời giữ nhiều chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn thì việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện đối với chức vụ cao nhất của người đó. Trước khi lấy phiếu, các chức danh có báo cáo về trách nhiệm và giải trình đối với những vấn đề thuộc nhiệm vụ, thẩm quyền của mình.

Theo Nghị quyết, trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba (2/3) tổng số ĐBQH, HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc hai năm liên tiếp có quá nửa tổng số ĐB đánh giá “tín nhiệm thấp” thì UBTVQH, Thường trực HĐND có trách nhiệm trình QH, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp tiếp theo, trừ trường hợp người đó có đơn xin từ chức.

Nếu người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐBQH, HĐND bỏ phiếu “không tín nhiệm” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người đó có trách nhiệm trình QH, HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức đối với người không được QH, HĐND tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Theo Nghị quyết, việc từ chức thực hiện khi có quá nửa tổng số ĐBQH, HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” và người đó có đơn xin từ chức gửi đến cơ quan hoặc người có thẩm quyền (đã giới thiệu để QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn chức danh đó) xem xét, quyết định.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, sau khi bỏ phiếu mà không đạt, thì phải xem xét bãi miễn theo quy định. Có vị trí có thể bãi miễn ngay tại kỳ họp, nhưng cũng có vị trí phải để đến kỳ họp sau để có phương án thay thế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.