> Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng nổi bật trong tuần
> Chính phủ đang khắc phục các khuyết điểm
“Nợ” văn bản hướng dẫn
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Tính đến cuối năm 2012, Chính phủ còn nợ 24 văn bản quy định chi tiết 42 nội dung của 15 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, chiếm 10% số văn bản phải ban hành. Đây là số văn bản nợ thấp nhất trong 10 năm qua.
Theo Chính phủ, một số bộ chưa quan tâm đúng mức công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật; chưa thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong việc thực thi các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về soạn thảo, ban hành văn bản chi tiết; trình độ năng lực đội ngũ cán bộ công chức còn hạn chế.
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Hữu Hùng (Ủy viên chuyên trách Ủy ban quốc phòng - An ninh) cho rằng, sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành chưa tốt.
Ngay cả khi cơ quan soạn thảo không tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp cũng không giải trình rõ ràng. Những bất cập như vậy chưa khắc phục được. Một nguyên nhân Chính phủ đề cập là chất lượng cán bộ, công chức.
Đề nghị giám sát quy định về quản lý vàng Chất vấn lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng: Quyết định 1623 của Thống đốc NHNN tạo cơ hội tăng thu nhập riêng cho Cty SJC, để người dân và DN khác thiệt hại. Quyết định này có nội hàm là văn bản quy phạm pháp luật nhưng lại không được ban hành theo đúng hình thức trình tự, thủ tục. Đây là sự sơ suất hay là kiểu lách luật, có bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp? Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình khẳng định văn bản 1623 là hợp hiến, hợp pháp. Không hài lòng phần trả lời của ông Bình, ĐB Khánh đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, giám sát văn bản này. |
“Vì sao trong công tác tuyển dụng công chức chưa khắc phục được những yếu kém này; phải chăng tiêu chuẩn trong việc tuyển dụng công chức pháp chế chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong công tác xây dựng pháp luật. Tới đây sẽ khắc phục tình trạng này như thế nào?”, ĐB Hùng nêu vấn đề.
Theo ông Đam, mọi nguyên nhân là do công tác cán bộ, nhất là người đứng đầu. Việc phối hợp giữa các bộ là một hạn chế không chỉ trong công tác xây dựng pháp luật mà kể cả trong điều hành nói chung.
Thực tế, những việc nào được giao cho một cơ quan, một cá nhân thì thường thấy kết quả nhanh hơn; nhưng việc liên quan nhiều bộ, ngành hay trong một cơ quan mà giao cho nhiều đơn vị, trong một đơn vị mà giao cho nhiều người thì thường chậm có kết quả.
Theo ông Đam, để khắc phục, phải công khai, minh bạch; công khai thì sẽ biết rõ ai làm tròn trách nhiệm, ai không để nhân dân hoặc thông qua nhân dân là các ĐB Quốc hội đánh giá.
Việc thứ hai là vấn đề kỷ cương, phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu. “Tôi xin phép được nói rất cụ thể, ngay sáng nay, các đồng chí ở Văn phòng Quốc hội nói biển tên của lãnh đạo các bộ, ngành đề là bộ trưởng, bây giờ Thứ trưởng đi thì như thế nào? Chúng tôi thống nhất giữ tên bộ trưởng, vì thứ trưởng nào đi thay thì cũng nhân danh bộ trưởng là người chịu trách nhiệm, người đứng đầu”, ông Đam nói.
Lắng nghe ý kiến dân
Các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long, Lê Minh Thông cùng cho rằng tình trạng chậm, nợ văn bản hướng dẫn phổ biến, kéo dài nhiều năm.
Luật Tổ chức tín dụng còn 19 nội dung chưa có hướng dẫn; Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm có hàng chục nội dung bị bỏ ngỏ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các lĩnh vực đời sống - xã hội.
Bên cạnh đó, có văn bản hướng dẫn trái luật, hoặc gây phản ứng trong dư luận như trường hợp thí điểm chứng minh thư mới, đăng ký xe chính chủ, thu phí giao thông…
Ong Đam cho biết, trước ý kiến trái chiều về những vấn đề này, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chức năng lắng nghe ý kiến phản hồi của nhân dân, để điều chỉnh phù hợp.
Chính phủ luôn mong muốn nhân dân theo sát việc ban hành văn bản, nên lấy ý kiến ngay từ đầu. Đó cũng là những vấn đề cần thiết trong quản lý. Tuy nhiên, tổ chức thực hiện phạt xe không chính chủ lại giống như đi truy người điều khiển xem có phải chính chủ hay không.
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể, trong lúc chưa ban hành, không được xử lý hành vi này.
Việc văn bản chậm ban hành, chưa sát thực tiễn, có văn bản cài cả biện pháp thi hành, bộ máy tổ chức thực hiện… có nguyên nhân từ phía Chính phủ, bộ, ngành.
Đây đó vẫn còn tình trạng cơ quan chủ trì xây dựng đứng trên góc độ thuận lợi cho mình, khi đưa ra Quốc hội thì luật đã thay đổi nhiều, dẫn đến luật ban hành một thời gian dài, vẫn chưa kịp hướng dẫn.
Sẽ xét xử theo án lệ?
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, không nước nào mà luật phải ban hành văn bản hướng dẫn như chúng ta.
Để hạn chế tình trạng này, Bộ trưởng Tư pháp gợi ý: Tới đây, cần hướng tới việc thông qua xét xử giám đốc thẩm của TAND Tối cao để ban hành án lệ, có giá trị bắt buộc đối với tòa án các cấp khác (trừ khi cơ quan thẩm quyền có quy định khác với án lệ).
Nước ta đang sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 (có sửa đổi một số luật về tổ chức các cơ quan Nhà nước), nên đây là dịp thuận lợi để quy định việc xét xử theo án lệ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, Chính phủ cần chuẩn bị sửa đổi Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thay đổi quy trình, cách thức làm luật hiệu quả hơn.
“Không cần phải ban hành các luật, bộ luật có phạm vi quá rộng, mà làm những luật nhỏ, có thể chỉ một hai trang giấy, dễ hiểu và thực hiện được ngay, không cần hướng dẫn nữa”, ông Lưu nói.