> Chủ tịch Nước có quyền tham dự các phiên họp của Chính phủ
> Cần Công khai kết quả tín nhiệm tại Quốc hội
Theo Nghị quyết 35/2012/QH13, QH bắt đầu tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do QH, HĐND bầu, phê chuẩn vào kỳ họp thứ 5 (5-2013).
Chuẩn bị phương án nhân sự thay thế
Tại dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 35 của QH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết: Nghị quyết đã quy định về hệ quả đối với người qua lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm mà có số phiếu tín nhiệm thấp hoặc không được ĐBQH, HĐND tín nhiệm.
Tuy nhiên, về thời điểm bỏ phiếu tín nhiệm, Thường trực Ủy ban pháp luật trình hai phương án: Phương án 1, hướng dẫn cụ thể việc bỏ phiếu tín nhiệm và xem xét miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức (nếu có) được tiến hành vào kỳ họp tiếp theo kỳ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm để bảo đảm thời gian chuẩn bị các thủ tục liên quan đến nhân sự;
Phương án 2, thời điểm tiến hành các quy trình tiếp theo về bỏ phiếu tín nhiệm, chấp thuận cho từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm hay phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức đối với từng trường hợp nên giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân trình Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân quyết định, để bảo đảm tính linh hoạt trong công tác tổ chức cán bộ, bố trí, điều chỉnh nhân sự (theo dự thảo có thể tiến hành ngay trong cùng kỳ họp).
Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị với Ban tổ chức Trung ương Đảng, các cơ quan hữu quan nghiên cứu hướng dẫn, làm rõ hơn quy trình công tác cán bộ trong việc xử lý các trường hợp nêu trên: Trách nhiệm báo cáo các cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ của Đảng khi có người không đạt mức độ tín nhiệm cần thiết; trách nhiệm của người, cơ quan đã giới thiệu để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn người có tín nhiệm thấp; quy trình chuẩn bị nhân sự thay thế trong trường hợp người có tín nhiệm thấp cần đưa ra để Quốc hội, Hội đồng nhân dân miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức.
Phải nhận xét trước khi bỏ phiếu
Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, nếu sau bước lấy phiếu mà kết quả thấp thì theo quy định, sẽ tiến hành bước 2 là bỏ phiếu. “Quy trình lấy phiếu đã rõ ràng, do đó nếu sau khi lấy phiếu mà phiếu thấp thì phải làm các bước tiếp theo là bỏ phiếu, không nên kéo dài dây dưa” - Bà Mai kiến nghị.
Nhấn mạnh thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị, hướng dẫn cần ghi rõ sau hai lần lấy phiếu mà phiếu dưới 50% thì có thể cho chủ động từ chức. “Trường hợp phải đưa ra bỏ phiếu mà phiếu thấp, Quốc hội sẽ bỏ phiếu miễn nhiệm ngay trong kỳ họp đó, chứ không chờ thêm” - Ông Phúc nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, việc lấy phiếu sẽ dẫn đến hệ quả là bỏ phiếu: Phiếu thấp, tức là buộc phải tiến hành bỏ phiếu. Tuy nhiên, có trường hợp, có thể bỏ phiếu miễn nhiệm mà không qua lấy phiếu.
Vì vậy, nguyên tắc là phải thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Lúc này, người bỏ phiếu rất quan trọng, vì phải làm sao để đánh giá khách quan, công bằng, đúng quy trình công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước. Phải có hướng dẫn quy trình để người có phiếu thấp có thể tự đánh giá, quyết định việc từ chức của mình.
Đồng thời, khi đưa ra bỏ phiếu ông A thì phải có phương án thay thế - vì Quốc hội sẽ miễn nhiệm ngay nếu không đạt và bầu người khác thay thế vị trí đó.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, việc đánh giá cán bộ phải đánh giá từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu, chứ không chỉ là đánh giá trong năm lấy phiếu. Đánh giá phải thật khách quan, chính xác. “ĐB là đại diện cho dân, phải bỏ phiếu đúng ý dân. Bước vào quy trình này, tự ĐB phải nhận xét về người đưa ra bỏ phiếu, nếu chưa nhận xét được thì chưa bỏ phiếu” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Theo dự thảo, những nơi thí điểm không tổ chức HĐND thì chưa thực hiện việc lấy phiếu, bỏ phiếu theo Nghị quyết này. Việc đánh giá cán bộ thực hiện theo quy định hiện hành. |