(Viết nhân 12-12-2012 diễn ra lễ kỷ niệm đặc biệt của quan hệ Việt – Lào)
> Phát động thi 'Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam'
> Phát động cuộc thi về tình hữu nghị Việt – Lào
Nhiều con số 2 chỉ là cách nói vui của một ngày lành tháng tốt năm hên. Đó là ngày Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 35 ngày ký Hiệp ước Hữu nghị hợp tác Việt Nam- Lào.
Mặt tiền nhà bảo tàng Bản Đông. Ảnh: Xuân Ba. |
Đến Khe Sanh, tình cờ gặp ông Đinh Thế Huynh, UV BCT, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư là khách mời của Lễ (Được biết, sang dự lễ lần này còn có các ông Lê Hồng Anh - Thường trực Ban Bí thư và ông Nguyễn Xuân Phúc - UV BCT, Phó Thủ tướng Chính phủ).
Hồi ấy, đơn vị của người lính Đinh Thế Huynh đặt chân đến đất Đường 9 Nam Lào thì khói đạn pháo của trận mạc hẳn còn chưa lụi hết.
Tiếp sau, ông cùng đồng đội đã qua những ngày máu lửa tại thành cổ Quảng Trị. Vừa tranh thủ đến thắp hương cho đồng đội cũ ra đi vì thương tật và bạo bệnh ở ngoài Bắc xong, ông lên xe vào thẳng đây.
Ông kể về cảm giác ngạc nhiên lẫn ưng bụng khi được các vị có trách nhiệm của nhà nước Lào chính thức thông báo ngày lễ trọng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác Việt Lào sẽ được tổ chức trang trọng tại Bản Đông thay vì Thủ đô Viêng Chăn.
Lao Bảo cách Bản Đông của Lào chỉ hơn 20 cây số. Khe Sanh cách Lao Bảo cũng non 20 cây. Các địa danh Lao Bảo, Khe Sanh nhiều năm nay đã có tên trong bản đồ du lịch quốc tế, đã lưu trong bộ nhớ của khách lữ hành không riêng chỉ người Việt.
Còn Bản Đông là điểm nhấn của chiến dịch Lam Sơn 719 của Mỹ và Quân đội Sài Gòn mùa xuân năm 1971 với mức huy động khủng khiếp về nhân lực, khí tài hòng chặt đứt huyết mạch tiếp tế chi viện của miền Bắc cho miền Nam.
Nhưng mọi sự cố gắng của địch đã bị bẻ gãy. Lịch sử trận mạc của nước Nam sáng danh huân công một Đường 9 Nam Lào bắt nhiều tù binh nhất và bắn rơi nhiều máy bay (nhất là trực thăng) Mỹ nhất.
May mắn tôi được ngồi chung xe với thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng, Anh hùng LLVT, nguyên Tư lệnh Binh đoàn 12 Trường Sơn nay là Phó Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh Việt Nam.
Từ lính phòng không, ông chuyển sang bộ binh và dự trận Đường 9 Nam Lào với tư cách một chiến sĩ công binh.
Chuyện của tướng quân, của một người liên miên trận mạc này thì dài, nhưng tôi có cảm giác hao hao cùng ông rằng cứ như từng có một Điện Biên Phủ ở xứ Nam Lào vậy! Dụ và lừa địch vào tử địa là cách nói nôm.
Nghệ thuật quân sự của bộ đội Việt Nam và Pha thét Lào trong trận Đường 9 Nam Lào mùa xuân năm 1971 hồ dễ lặp lại ở nơi nào đó dưới gầm trời này?
... Lúc chia tay ông Huynh, tôi cũng được biết thêm Mục Tổng kết và trao giải Cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào- Việt Nam do Ban Tuyên giáo phát động cũng sẽ được tiến hành ngay tại buổi Lễ trọng này.
Từng ấn tượng được biết cuộc thi có số lượng hơn một triệu người tham gia (cả Việt Nam và người nước ngoài, đặc biệt nhiều các bạn Lào), lúc ghé qua nhà Bảo tàng Bản Đông, chúng tôi càng ngạc nhiên khi chứng kiến những tác phẩm dự thi khá là độc đáo công phu.
Nhiều tác phẩm có độ dày trên ngàn trang A4, nặng mấy kilogam được trưng bày trong Bảo tàng như những vật chứng độc đáo khiến người coi không thể không bồi hồi khi nghĩ đến thời buổi toàn cầu hóa này, dưới gầm trời này, những hay dở xấu đẹp, những dằng dịt nghiệt ngã của các mối quan hệ quốc gia quốc tế lại phát lộ, gìn giữ được những thứ ấm áp tin cậy này?
Bên hông nhà bảo tàng. |
Ngồi chung xe với tướng Tòng, còn có họa sĩ Ngân Chài, GĐ Nhà bảo tàng Binh đoàn Trường Sơn.
Chuyện ông từ một cậu bé Việt kiều từ Thái Lan về gắng theo bằng được Trường Mỹ thuật Yết Kiêu rồi vào quân đội, qua trận mạc thì dài và… lạ như cái tên của ông vậy.
Nhưng một việc phải nói ngay là Ngân Chài lần đi này có một sứ mệnh lớn. Đó là theo yêu cầu của bạn, Bảo tàng của ông được vinh dự san sẻ hàng chục ảnh và hiện vật để bổ sung cho Bảo tàng Bản Đông.
Chính nhờ sự phối hợp và san sẻ ấy, Bảo tàng Bản Đông thoắt sinh sắc sống động thêm lên.
Ngoài hàng trăm hiện vật tranh ảnh về Chiến dịch Lam Sơn 719 và Đường 9 Khe Sanh, những hình ảnh sát cánh của Liên quân Lào Việt làm nên chiến thắng… Người xem gặp ở đây bao thứ bất ngờ.
Từ hình ảnh vận tải bằng ngựa, bằng voi đến ô tô trong giai đoạn những năm 60-70. Rồi ảnh đồng chí Đặng Tính – Chính ủy Đoàn 559 và đồng chí Trần Quyết Thắng – chính ủy Đoàn 565 - chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, đến thăm, gặp gỡ và làm việc với đồng chí Xamạn Vinakhệt - chính ủy Quân khu nam Lào (nay đồng chí Xamạn là chủ tịch Quốc hội Lào) tại chỉ huy sở quân khu Nam Lào, tháng 3-1973 vv… và vv
Tìm gặp ông Kanha, phụ trách Bảo tàng Bản Đông thời điểm hơi khó… Câu chuyện chỉ vắn tắt. Tôi được biết phần vỏ nhà Bảo tàng được nhiều đơn vị doanh nghiệp Việt Nam giúp đỡ trong đó có Viettel.
Sau đó lại có sự tận tình của các đồng nghiệp Việt Nam đặc biệt là Bảo tàng Binh đoàn 12. Rất nhiều ảnh, hiện vật ông muốn treo muốn bày nhưng tiếc khuôn khổ Bảo tàng Bản Đông có hạn… Ông Kanha cũng nhiệt tình giới thiệu thêm cuộc thi sáng tác mẫu có tên Tượng đài Liên minh chiến đấu và chiến thắng, tình hữu nghị đặc biệt Việt Lào hiện được tổ chức tại Bảo tàng Bản Đông.
Qua quá trình chọn lựa hiện có 5 mẫu của các tác giả Lào và Việt. Mẫu tượng khi được chọn sẽ cho thi công và bày ngay tại bảo tàng này. Lúc chia tay ông cũng không quên dúi vào tay tôi tờ phiếu góp ý và bình chọn mẫu phác thảo với lời dặn góp ý nhiệt tình nhé…
Ngôi trường PTTH quà tặng của Nhà nước Việt Nam ở Bản Đông. |
Phía mặt tiền không xa nhà Bảo tàng Bản Đông đang sắp diễn ra Lễ khánh thành và bàn giao công trình trường trung học Đông Xavẳn, quà tặng của Nhà nước Việt Nam (do Ngân hàng BIDV thực hiện) trao tặng nhân dân huyện Sê pôn tỉnh Savanakhet.
Trường trung học Đông Xavẳn với tổng kinh phí 1,1 triệu USD được xây dựng đúng tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục Quốc gia Lào khá khang trang với 2 tầng, 10 phòng học kiên cố, đủ chỗ cho hơn 500 học sinh.
Vui gặp lại ông Xổmxavat Lênhxavat - Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng nước CHDCND Lào. Ông không học ở Việt Nam như nhiều cán bộ Lào khác nhưng hơi lạ là nói tiếng Việt rất thạo ngoài tiếng Anh, tiếng Pháp, Trung Quốc.
Ba năm trước gặp ở Sầm Nưa, ông ngồi chủ trì từ đầu tới cuối cuộc xúc tiến thương mại của các doanh nhân Lào Việt. Rồi vài lần khác ở Việt Nam, có cuộc xúc tiến thương mại hợp tác đầu tư nào của hai bên ông đều chăm dự và phát biểu thẳng thắn nhằm nâng cao hiệu quả của việc hợp tác.
Bữa nay về Bản Đông, buổi sáng ông họp với các cán bộ chủ chốt và Ban tổ chức coi xét từng chi tiết chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm ngày mai chu tất.
Ông vui mừng nhìn ngôi trường nổi bật trên hình trời xanh mây nõn và cũng không quên nhắc lại việc cũng mới năm ngoái, BIDV đã tài trợ hơn 1 triệu USD để xây dựng trường PTTH Son Nứa tại huyện Viêng Thoong, tỉnh Hủa Phăn.
Chiều nắng Bản Đông như thêm huyền hoặc bởi từ sắc xanh lam xanh lơ của rừng, dòng người sắc phục tươi tắn có chút sặc sỡ nữa từ các ngả cứ mỗi lúc dồn tụ về địa điểm sẽ diễn ra đêm hội trước ngày Lễ.
Theo chân tướng Tòng, chúng tôi sải bước về phía cầu Cha Ky. Cây cầu trong một ca khúc mùa xuân năm 1971 có câu từ Bản Đông về cầu Ka Ky tiếng súng tôi vang theo… Sao hồi đó có tên Ka Ky? Chắc nhầm? Tướng Tòng nói là Cha Ky mới chính xác. Câu chuyện tướng Tòng dẫn ngược về chiều chiến dịch năm 1971 ấy, ông bất ngờ gặp lại người bạn cũ Lê Mã Lương khi đó là chính trị viên một đại đội bộ binh.
Lê Mã Lương (sau đó được phong anh hùng) mặt đen sì đầy vết nứt xước đứng gần cây cầu bằng gỗ bắc qua con suối chảy về sông Sê Pôn bị đánh sập. Quanh đó loang lổ máu và rải rác xác người… Cây cầu được coi là chiến lược ấy bây giờ được xây mới. Lại cũng chính quân của ông Tòng ở Binh đoàn 12 xây.
Nhà văn Phạm Hoa ngồi bên tôi với hồi ức sau chiến dịch Đường 9 Nam Lào. Phạm Hoa khi đó là lái xe Zil-130 thuộc đại đội 170, Trung đoàn 11, Sư 571 bộ đội vận tải Trường Sơn, qua cầu Cha Ky này bị tắc lại mấy ngày…
Những ký ức tuôn trào trong chiều huyền thoại Bản Đông.
Bản Đông đêm 11-12-2012