> Vô trách nhiệm!
> 'Sát thủ' tấm chắn bô xe máy
> Nối thành công 4 ngón chân bị đứt lìa vì tấm chắn bô xe máy
Ốp bô xe máy bán tràn lan trên đường Trần Quang Khải, quận 1, TPHCM (ảnh lớn). Ốp bô Inox cứa toạc chân một em bé 7 tuổi tại TPHCM (ảnh nhỏ) Ảnh: Lê Nguyễn. |
TPHCM: Bày bán tự do, công khai
Đoạn đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5, TPHCM dài 1km có hơn 100 điểm kinh doanh, tân trang các phụ kiên xe máy, chủ yếu là ốp bô xe máy. Anh Hà, chủ tiệm dán xe, thay phụ tùng xe máy Minh Hà trên đường Nguyễn Chí Thanh cho biết mỗi ngày có hơn 10 xe đến để dán, thay thế các phụ tùng, trong đó có thay miếng ốp bô xe.
Theo anh Hà, các xe tay ga mới mua đều gắn thêm miếng ốp bô bằng inox thay cho miếng chắn bằng nhựa dễ vỡ. “Hiện có nhiều loại ốp bô bằng inox có giá từ 45.000-150.000 đồng/cái”- anh Hà cho biết.
Theo người này, do miếng ốp bô gắn cho xe Air Blade bằng sắt, mỏng và nguy hiểm cho người đi đường khi đụng vào nên tiệm anh không dùng nữa.
Ít nhất 5 bệnh nhi phải nhập viện do tấm chắn bô xe máy bằng inox cứa đứt chân từ đầu năm đến nay ở hai bệnh viện nhi của TPHCM. Mới đây nhất, ngày 27-11, Bệnh viện Việt Đức cho biết đã nối thành công bàn chân bị đứt lìa của bệnh nhi N.T.N (4 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội). Trước đó bé N. được mẹ chở bằng xe máy đến trường, không may chân trái của bé va vào tấm chắn bô bằng inox của xe máy đi bên cạnh khiến 4 ngón chân bị cứa gần như đứt lìa hoàn toàn. |
Theo anh Hiền, chủ của hàng Vĩnh Hiền trên đường Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức, hàng ốp bô chủ yếu nhập từ Trung Quốc qua các mối, còn hàng Việt Nam rất ít, chủ yếu gia công lại.
Anh Hiền cho biết tại cửa hàng bán phụ tùng xe máy của mình mỗi ngày bán được 10 miếng ốp cho các tiệm sửa xe máy ở quận. “Hàng này không ai kiểm soát chất lượng cả, chỉ tin nhau nên sử dụng thôi”- anh Hiền cho biết.
Theo người này, các phụ kiện tân trang cho xe máy chủ yếu lấy sỉ ở chợ Dân Sinh quận 1 và chợ Tân Thành ở quận 5.
Theo quan sát của chúng tôi, miếng ốp bô xe bằng sắt thường được chế rất mỏng, các cạnh đều rất sắc nên khi hai xe chạy quá gần, miếng cản này dễ cứa vào chân.
Tuy nhiên cũng có những loại bô xe làm bằng inox và bằng gang thì dày và được gọt ở cạnh an toàn hơn nhưng giá lại cao từ 150-170 nghìn đồng/cái.
Cửa hàng xe máy bán tràn lan phụ kiện ốp bô xe máy trên phố Huế, Hà Nội. Ảnh: Minh Đức. |
Tại chợ Dân Sinh, các loại phụ kiện như miếng cản ốp bô bán tràn lan, trên bề mặt ghi nhái các thương hiệu xe Air Blade hay Suzuki, SH… nhưng tất cả các loại miếng cản này đều không ghi nơi sản xuất, giá bán thì mỗi nơi mỗi khác.
Anh Đại, chủ một ki ốt ở chợ Dân Sinh cho biết, ngoài bỏ hàng cho các tiệm sửa xe ở TPHCM, hầu hết phụ tùng tân trang xe máy bán đi cho các tỉnh miền Tây.
“Miếng ốp bô tùy nơi sản xuất, có nơi làm mỏng, cạnh sắc nhưng cũng có nơi làm dày. Mỏng thì giá rẻ hơn. Hầu hết hàng từ Trung Quốc, có ít hàng sản xuất trong nước”- anh Đại cho biết.
Khi nhắc đến những trường hợp tai nạn do miếng cản bô sắc lẹm cứa đứt chân, chủ một tiệm sửa xe ở quận 7, nói “Do các cơ sở sản xuất ốp bô chưa nghe tới tai nạn nên họ chưa điều chỉnh”.
Hà Nội: Phố Huế, Cầu Giấy... chỗ nào cũng bán
Ốp ống bô Inox "tử thần" của một chiếc xe máy tại TPHCM. Ảnh: L.N. |
Dạo trên phố Huế (Hai Bà Trưng - Hà Nội), chúng tôi được rất nhiều người vẫy gọi mời chào mua linh kiện lắp thêm và hầu hết các cửa hàng đều bán thiết bị bảo vệ bô.
Dừng lại một cửa hàng trên phố Huế, anh Nguyễn Văn Thành giới thiệu cho chúng tôi 2 loại miếng ốp bằng inox để tránh hỏng bô, một loại được đúc dày còn một loại được dập bằng miếng inox mỏng manh.
Tấm ốp bô xe bằng Inox cắt trúng phần mu sâu đến tận xương của bé Th. 7 tuổi tại Q.3 TPHCM. Ảnh: L.N. |
Loại đúc dày có giá 100.000 đồng, còn loại mỏng chỉ khoảng 40 đến 60.000 đồng/chiếc.
Anh Thành cho hay, cách đây một vài năm, người dân tậu được “con xe” mới thường hay ra đây (phố Huế) để dán ni lông, mua các thiết bị bảo vệ nốc máy, bô, bộ lọc khí… khiến mặt hàng này rất “hót”.
Tuy nhiên, kể từ khi xảy ra vụ cháu bé 7 tuổi bị cắt lìa bàn chân tới nay, thỉnh thoảng mới có người mua tấm bảo vệ này.
Đến khu vực Cầu Giấy (Cầu Giấy), chúng tôi ghé vào một số cửa hàng bán buôn linh kiện xe máy, cũng được giới thiệu những thiết bị phụ trợ.
Khi hỏi mua sản phẩm chống xước bô, được chị Nguyễn Thanh Vân đon đả nói, sản phẩm này được sản xuất bằng inox, cứ yên tâm sử dụng, nếu rỉ sét thì đền gấp 10 lần.
Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc xuất xứ thì chị Vân không hay biết và trả lời “chúng tôi lấy chất lượng để cam kết với khách hàng”.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số cửa hàng khác trên đường Cầu Giấy cũng bày bán khá nhiều sản phẩm hầu hết được làm bằng inox rất mỏng.
Anh Hiếu chủ một cửa hàng nói, chúng tôi nhập từ người giao hàng, họ cho biết sản phẩm này được gia công từ Trung Quốc.
Anh Nguyễn Tuấn Vũ, chủ một tiệm sửa xe máy trên phố Láng Hạ nói, hầu hết các hãng sản xuất xe máy, họ chỉ lắp ráp linh kiện nhằm bảo vệ sự an toàn của người sử dụng.
Ngược lại người sử dụng xe máy lại đi mua các thiết bị, linh kiện bảo vệ xe, chẳng khác nào rước họa vào thân.
Bác sĩ Trương Anh Mậu (Bệnh viện Nhi Đồng 2) cho biết tốt nhất người sử dụng xe máy nên sử dụng lại tấm ốp nguyên thủy, tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.
“Thực tế khi sản xuất xe nhà sản xuất đã tính toán đến độ an toàn cho các ốp xe nên việc tân trang thêm những thiết bị như ốp xe là không cần thiết”- bác sĩ Mậu khuyên.
Trong khi đó, một cán bộ quản lý thị trường TPHCM cho biết lâu nay hầu như không kiểm tra các phụ tùng gắn thêm cho xe máy.
Tuy nhiên, người này cho biết sẽ đề xuất quản lý thị trường các quận huyện kiểm tra nếu một số sản phẩm như miếng gắn bô xe gây tai nạn như thời gian qua.
Ốp biển số xe cũng cứa đứt chân Các bác sĩ BV Nhi đồng 2 TPHCM cho biết nơi đây cũng từng cấp cứu một bé trai 8 tuổi bị miếng ốp inox vào biển số xe máy cứa gần đứt lìa ngón út. Theo bệnh án, trong lúc chơi đùa, bệnh nhi này đá chân vào phía biển số xe, do tấm ốp quá sắc đã cứt đứt gân và mạch máu ngón chân út. Dù gia đình đưa trẻ đến bệnh viện khâu lại nhưng sau đó vết thương sưng to, đau nhức nên phải đưa đến BV Nhi đồng 2 điều trị. Tại đây các bác sĩ phát hiện, vết cắt từ miếng ốp vào chân làm đứt mạch máu nuôi ngón xong việc khâu lại không đảm bảo khiến ngón chân bị hoại tử nên buộc phải tháo bỏ ngón chân út để tránh nhiễm trùng. |
Lê Nguyễn - Minh Đức