Đổ xô lên Mường Lát gom quả thuốc phiện từ tin đồn “thần dược”

Đổ xô lên Mường Lát gom quả thuốc phiện từ tin đồn “thần dược”
TP - Không biết từ đâu mà tin đồn quả cây thuốc phiện sau khi đã rạch lấy mủ có thể chữa được bách bệnh lan truyền về huyện miền núi cao Mường Lát (Thanh Hóa) khiến cho không ít người tin, tìm kiếm thứ quả từ loài cây cấm này từ đầu năm 2011 đến nay.

> Tan hoang thung lũng vùng biên
> Ồ ạt trồng cây thuốc phiện
> Làng thanh niên ở nơi từng là thủ phủ anh túc

Mường Lát nằm ở thượng nguồn sông Mã, giáp với huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) và có hơn 100 km đường biên giới tiếp giáp với hai huyện Viêng Xay và Xốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (nước bạn Lào).

Trong những năm thập kỷ 80 và đầu 90, việc trồng cây thuốc phiện và mua bán thuốc phiện trên địa bàn diễn ra phổ biến, công khai. Thuốc phiện trở thành vật phẩm để trao đổi, cho, tặng.

Việc hút thuốc phiện trong các dịp lễ tết, hiếu, hỷ của đồng bào Mông, Thái, Dao, Khơ Mú ở đây là không thể thiếu.

Do vậy, bấy giờ, từ rừng sâu, rẻo cao đến vườn của các hộ gia đình, đâu đâu cũng thấy cây thuốc phiện. Thời điểm này, Mường Lát được coi là một trong những địa danh có diện tích trồng cây thuốc phiện lớn nhất tỉnh Thanh Hóa.

Trưởng bản Sài Khao, xã Mường Lý (huyện Mường Lát) Vàng A Sú kể: Gần đây, không biết từ đâu người dân bản cũng có nghe chuyện lấy quả cây thuốc phiện đã bị rạch lấy mủ rồi đem ngâm với rượu uống thì sẽ khỏi nhiều bệnh. Đặc biệt đối với người già bị bệnh đau lưng và một số bệnh khác.

Theo câu chuyện của dân bản Trung Thành, Sài Khao... xã Mường Lý, thì quả thuốc phiện trước đây chỉ là thứ quả bỏ đi sau ba lần bị rạch lấy mủ. Có một số người dân ở đây sử dụng quả này ngâm rượu uống như dạng một bài thuốc.

Thế nhưng, nay quả thuốc phiện bất ngờ có giá, nhiều người tìm cách thu mua quả thuốc phiện để đem bán.

Vì nhận thức của người dân cho rằng quả không còn mủ, không gây nghiện nên không vi phạm pháp luật nên có thời điểm, quả thuốc phiện được mua bán công khai (với giá khoảng 50.000 đồng/kg).

Từ năm 2007-2011, Công an huyện Mường Lát phối hợp với cơ quan chức năng triệt phá hơn 2.000m2 cây thuốc phiện ở các xã như Trung Lý, Pù Nhi, Nhi Sơn, Tam Chung, Mường Lý.

Trong vụ 2011-2012, phá được 76m2 cây thuốc phiện trồng xen kẽ với rau cải và cây củ i (một loại cây thuốc dân gian) tại bản Pua Pù, bản Cơm và bản Pù Mùa của xã Pù Nhi.

Số đối tượng tái trồng cây thuốc phiện chủ yếu là người Mông. Để che giấu sự phát hiện của lực lượng chức năng, những đối tượng này đã lén lút tái trồng trên các rẻo núi cao, khe núi sâu và các địa bàn giáp biên giới xa khu dân cư.

Ông Lê Xuân Tố- Phó trưởng Công an huyện Mường Lát cho biết: Nguyên nhân chính diễn ra việc tái trồng cây thuốc phiện là do cây thuốc phiện là loại cây dễ trồng, ít công chăm sóc, thời gian sinh trưởng ngắn, quá trình phát triển phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết của Mường Lát; nhu cầu sử dụng thuốc phiện trong các bài thuốc cổ truyền của đồng bào dân tộc thiểu số còn cao.

Bên cạnh đó, tình trạng tái trồng cây thuốc phiện tại các địa bàn giáp biên phía nước bạn Lào chưa được kiểm soát đã tác động rất lớn đến tình hình này của Mường Lát.

Đặc biệt, từ năm 2011, trên địa bàn huyện rộ lên tin đồn về loại “thần dược” từ quả, cây thuốc phiện ngâm rượu.

Trong thời gian qua, công an huyện Mường Lát đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, cơ quan chức năng địa phương tuyên truyền, kiểm tra, bắt giữ loại quả này...

Đầu năm 2012, Công an huyện Mường Lát đã bắt giữ 2 vụ tàng trữ quả thuốc phiện. Cụ thể, vụ thứ nhất là bắt giữ 22 kg quả thuốc phiện đã cạo mủ tại gia đình Lê Văn Tuấn (SN 1957) ở bản Kéo Té, xã Nhi Sơn. Vụ án đã được khởi tố và đang trong quá trình điều tra. Vụ thứ hai, bắt giữ hơn 600 gam quả thuốc phiện tại gia đình Phạm Thị Mai (SN 1986) ở bản Chim, xã Nhi Sơn.

“Vụ việc đang còn trong quá trình điều tra vì quy định: nếu tàng trữ 5 kg quả thuốc phiện khô và 1 kg quả thuốc phiện tươi thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trong các văn bản hiện hành chưa có hướng dẫn cụ thể quả thuốc phiện như thế nào là khô và tươi, hàm lượng morphin có trong quả thuốc phiện là bao nhiêu?... để xử lý. Điều này sẽ gây khó khăn trong công tác tuyên truyền, bắt giữ, xử lý người vi phạm trong việc sử dụng, tàng trữ, buôn bán quả cây thuốc phiện trên địa bàn”- Ông Lê Xuân Tố cho biết thêm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.